
Một cửa hàng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) bán các sản phẩm dựa trên truyện đam mỹ
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH, SIYI ZHAO/THE NEW YORK TIMES
Theo Reuters hôm 10.7, các vụ bắt giữ hàng loạt tác giả truyện đam mỹ kể từ tháng 3 qua thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc. Hãng thông tấn này đưa tin cảnh sát địa phương đã bắt giữ những nữ tác giả truyện đam mỹ tại thành phố Lan Châu (Trung Quốc) vì vi phạm luật về khiêu dâm. Những tác giả bị bắt đều ở độ tuổi 20, đầu 30. Họ đã xuất bản tác phẩm của mình trên trên Haitang Literature City, một nền tảng trực tuyến trả phí chuyên về thể loại tiểu thuyết đam mỹ (viết về quan hệ tình cảm giữa nam với nam), được độc giả nữ ưa chuộng. Trang web này bị kiểm duyệt ở Trung Quốc và chỉ có thể truy cập bằng phần mềm mạng riêng ảo (VPN).
Những cuộc bắt giữ trong thời gian qua đã gây ra cuộc tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc về giới hạn của quyền tự do ngôn luận và bản chất phân biệt giới tính của cuộc "trấn áp". Bên cạnh đó, điều này khơi dậy sự cảm thông cho các tác giả bởi nhiều người trong số họ có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp.
Trên Weibo ngày 25.5, một nữ tác giả viết truyện đam mỹ phân trần: "Tôi chỉ muốn kiếm chút tiền để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Tôi không bao giờ nghĩ rằng 300.000 lượt nhấp chuột và 4.000 nhân dân tệ (khoảng 14,5 triệu đồng) tiền bản quyền tích lũy từ đó theo thời gian sẽ trở thành bằng chứng hình sự". Tuy nhiên, bài đăng này về sau đã bị xóa.

Truyện đam mỹ bị truy quét gắt gao tại xứ tỉ dân
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Một tác giả bị giam giữ vào tháng 4 đã kiếm được tiền bản quyền chưa đến 10.000 nhân dân tệ (khoảng 36,4 triệu đồng). Luật sư bào chữa của cô cho biết người này viết truyện để cải thiện thu nhập, song song với việc làm nhiều công việc tay chân, người này yêu cầu được giấu tên vì sợ gặp thêm rắc rối với cảnh sát. Luật sư này cho biết thêm rằng một số tác giả có thể phải ra tòa ngay trong mùa thu năm nay nếu công tố viên quyết định truy tố.
Reuters không thể xác nhận số lượng nữ tác giả đam mỹ đã bị giam giữ, có luật sư tiết lộ rằng một số người trong số này sau đó đã được tại ngoại. Trong những tuần gần đây, một số người đã viết bài đăng trên mạng xã hội về trải nghiệm của mình, nhưng sau đó lại xóa đi. Một người kể lại việc bị cảnh sát bắt giữ trước mặt các bạn cùng lớp đại học. Những người khác cho biết cảnh sát đã thẩm vấn họ về đời sống tình dục và khuynh hướng tình dục.
Trung Quốc lên án truyện đam mỹ

Trần tình lệnh (phim Trung Quốc được chuyển thể từ một tiểu thuyết đam mỹ nổi tiếng) từng gây sốt hồi 2019
ẢNH: CẮT TỪ PHIM
Theo The New York Times, truyện đam mỹ khai thác những mối tình giữa nam giới với nhau đã có lượng người hâm mộ đông đảo ở Trung Quốc từ thập niên 1990. Vào những năm 2010, vốn được xem thời kỳ đỉnh cao của thể loại đam mỹ, đã có nhiều bộ phim truyền hình, phát trực tuyến tại Trung Quốc khai thác đề tài này, đồng thời đặt nền móng cho sự nghiệp của một số ngôi sao nam hàng đầu làng giải trí xứ tỉ dân.
Tuy nhiên, khi thể loại này ngày càng phổ biến, truyền thông nhà nước bắt đầu lên án chúng "thô tục", cho rằng cốt truyện đồng tính có thể bóp méo khuynh hướng tình dục của độc giả trẻ. Nhiều dự án phim về đam mỹ bị hủy và các cơ quan quản lý truyền hình cấm các tác phẩm chuyển thể từ truyện đam mỹ cũng như có nội dung đồng tính.
Một số tác giả đam mỹ đã "đối phó" với vấn đề bằng cách loại bỏ các cảnh sex hoặc giảm nhẹ yếu tố đồng tính trong truyện, gọi các cặp đôi này là "bromance" (tình huynh đệ). Những tác phẩm như vậy vẫn còn được bán ở Trung Quốc. Tuy nhiên, có những tác giả khác muốn viết những câu chuyện trần trụi hơn đã tìm đến các nền tảng xuất bản nước ngoài như Haitang Literature City (một trang web của Đài Loan mà độc giả ở Trung Quốc chỉ có thể truy cập bằng phần mềm vượt tường lửa).
Lao Dongyan, giáo sư luật tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, đã viết trên mạng xã hội rằng lực lượng thực thi pháp luật dường như quan tâm nhiều đến việc "bảo vệ các chuẩn mực xã hội và đạo đức tình dục" hơn là bảo vệ quyền cá nhân. Bài đăng này hiện đã bị xóa.