Một buổi chiều ở Đà Lạt, chúng tôi viếng lăng mộ ông bà Nguyễn Hữu Hào, nằm trên một đồi thông rất đẹp, dễ tìm thấy bằng bản đồ Google. Theo các tài liệu thì đây là nơi chôn cất, thờ ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình, song thân của Nam Phương Hoàng hậu.

Bìa sách
ẢNH: NXB CUNG CẤP
Từ lối vào có bốn trụ biểu, chúng tôi theo những bậc cấp lên cao dần. Nắng chiều còn rỡ tươi và quang cảnh bên dưới không mang vẻ u tịch của một khu lăng mộ. Tuy nhiên, càng lên cao, chúng tôi càng cảm nhận được sự quạnh hiu, hoang tàn, lạnh lẽo nơi này. Mọi thứ đơn sơ từ tượng sư tử đá cho đến nhà bia, mộ… Trên khoảng sân rộng có tấm bia đá khắc chữ Hán. Trên mái ngói lăng mộ chính giữa có cây thập giá. Bên trong có hai ngôi mộ bằng đá, hình chữ nhật. Một hương án giữa hai ngôi mộ. Phía sau có một cửa vuông rộng nhìn ra nhà bia nhỏ có tấm bia bằng đá, trên khắc chữ Hán.
Thăm viếng nơi này khiến tôi nhớ đến những thông tin khá thú vị vừa đọc từ cuốn sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại. Theo lời NXB Phụ nữ VN thì hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy đã ròng rã suốt ba năm trời thực hiện nhiều chuyến đi đến những nơi lưu dấu của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương ở VN cùng những chuyến đi ở Pháp, đến những nơi nhà vua, hoàng hậu đã đi qua, sinh sống để tìm tư liệu, gặp nhân chứng và hậu duệ của những người cùng thời, phỏng vấn nhiều nhân chứng trong và ngoài nước…
Có khá nhiều thông tin mới trong sách giải thích chi tiết về ngày sinh và tên thật của Hoàng hậu Nam Phương với những phân tích cụ thể, thuyết phục. Theo đó, ngày sinh của Hoàng hậu Nam Phương không phải 4.12.1914 như triều đình Huế đã công bố, mà chính xác là 14.11.1913 được khắc trên bia mộ của bà.
Ngoài ra, nơi sinh của Hoàng hậu Nam Phương trước đây được cho là ở Gò Công (tỉnh Tiền Giang cũ) cũng được xác thực "là một sự nhầm lẫn về địa danh". Sau quá trình tìm hiểu về gia đình ông Nguyễn Hữu Hào - thân phụ của Hoàng hậu Nam Phương, các tác giả xác định bà được sinh ra tại nơi có tên Gò Công thuộc Thủ Đức (TP.HCM) ngày nay.
Trang Wikipedia viết rằng ông Nguyễn Hữu Hào là một đại điền chủ giàu có. Ông kết hôn với bà Lê Thị Bình, con gái ông Huyện Sĩ (Lê Phát Đạt), một trong những người giàu có nhất VN thời bấy giờ. Tuy nhiên, trong sách, "Theo tờ khai kết hôn lập tại tòa Đốc lý Sài Gòn ngày 12-11-1902 thì ông Nguyễn Hữu Hào, 32 tuổi, sinh ngày 1-7-1870 tại xã Tân Hòa, Chợ Lớn, nghề nghiệp: giáo viên tại trường Taberd, cư ngụ tại Sài Gòn, con của Nguyễn Văn Cường và Lê Thị Thương, cả hai đều đã mất; Marie Lê Thị Bình, 23 tuổi, sinh ngày 17-2-1879 tại Sài Gòn, cư ngụ tại xã Tân Hòa, Chợ Lớn, con của Philippe Lê Phát Đạt (mất) và Agnès Huỳnh Thị Tài, nghiệp chủ, cư ngụ tại xã Tân Hòa, Chợ Lớn, hiện có mặt... Sau khi cưới con gái nhà Huyện Sĩ Lê Phát Đạt, với sự giúp đỡ của gia đình nhà vợ và với khả năng kinh doanh của mình, ông Pierre Nguyễn Hữu Hào trong vòng hơn mười năm từ hai bàn tay trắng đã tích lũy được một tài sản khá lớn".
Ông Pierre Nguyễn Hữu Hào có hai người con gái là Marie Agnès Nguyễn Hữu Hào, tên Việt là Nguyễn Thị Hương, sinh ngày 13.8.1903 và Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào, tên Việt là Nguyễn Thị Lan, sinh ngày 14.11.1913 (sau này là Hoàng hậu Nam Phương).
Một điều đặc biệt, "Khi ông Nguyễn Hữu Hào mất, gia đình đã tìm một địa điểm để xây lăng mộ cho ông. Khu đất được chọn là một đồi thông gần thác Cam Ly. Con đường từ chân đồi dẫn lên lăng gồm 158 bậc. Lăng xây theo kiểu kiến trúc Á Đông, mái ngói lưu ly xanh, trong lăng xây hai ngôi mộ lớn bằng đá xanh đặt song song, hình chữ nhật, mặt phẳng, cao khoảng 30 cm. Đứng phía trong nhìn ra, ngôi mộ bên phải chôn hài cốt ông Nguyễn Hữu Hào, ngôi mộ bên trái dành để chôn cất bà Lê Thị Bình sau này. Việc xây cất khởi đầu từ năm 1937, bốn năm sau, năm 1941 thì hoàn tất… Hơn 20 năm sau, bà Lê Thị Bình từ trần tại Pháp năm 1964 và được an táng trong nghĩa trang của thị xã Neuilly-sur-Seine, ở ngoại ô Paris. Ngôi mộ bên trái trên khu lăng mộ Đà Lạt vẫn còn để trống. Trên đồi thông bốn bề lộng gió, ông Nguyễn Hữu Hào mãi mãi cô độc" (trang 218).
Chuyến viếng thăm lăng mộ ông bà Nguyễn Hữu Hào tại Đà Lạt của chúng tôi, vì thế, để lại những cảm xúc bâng khuâng và đầy ắp suy tư.
