Một lần nữa, sự lơ là đáng ngạc nhiên của quan binh tỉnh Phan Yên đã tạo điều kiện quá tốt cho Nguyễn Hựu Khôi.
Cuộc đánh chiếm tỉnh thành Phan Yên
Ngày 17.5 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), con nuôi của Nguyễn Hựu Khôi là Bùi Văn Cúc thấy Khôi hẹn với Thái Công Triều, Dương Văn Nhã, Vũ Vĩnh Tiền, Nguyễn Văn Trắm, Nguyễn Văn Bột, Lê Đắc Lực, Bốn Bang - Lưu Hằng Tín, tên Vũ (có lẽ là Nguyễn Tông Vụ, về sau làm Tả quân của quân nổi dậy), tên Tiêm (có lẽ là Nguyễn Văn Tâm, làm Quản Tượng cơ; nên sau đó mới có chuyện Nguyễn Hựu Khôi sai Tiêm chuẩn bị voi) rằng ngày mai nhà mình có giỗ, mời họ đến uống rượu.
Chiều ngày 18, cả bọn họp nhau ăn uống. Đến tối, Nguyễn Hựu Khôi dắt tay Thái Công Triều vào nhà trong nói chuyện. Lát sau, Khôi lại gọi bọn Dương Văn Nhã cùng vào. Khôi tự lấy vải trắng cắt ra thành từng mảnh, chia cho mỗi người một mảnh quấn vào cổ làm hiệu. Khôi sai Nguyễn Văn Trắm cùng tên Nhỡ (có lẽ là Dương Văn Nhã), tên Vũ (Nguyễn Tông Vụ) đi trước, Khôi cùng Lưu Hằng Tín, Nguyễn Văn Bột, Lê Đắc Lực, Vũ Vĩnh Tiền, Thái Công Triều kéo nhau đến xưởng nuôi voi. Khôi sai tên Tiêm chuẩn bị các thớt voi. Đến canh hai [9 - 10 giờ đêm], Khôi sai bọn Lưu Hằng Tín chia cưỡi 5 thớt voi vào thành trước. Khôi cưỡi 1 thớt voi đến nhà Khám Đường ở ngoài thành để tấn công.
Canh ba [11 giờ đêm - 1 giờ sáng] đêm 18.5 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), bọn Lưu Hằng Tín, Nguyễn Văn Bột, Lê Đắc Lực, Vũ Vĩnh Tiền, Thái Công Triều (tức Nghiêm) cưỡi 5 thớt voi, cùng bọn Phó quản cơ An Thuận lúc trước là Nguyễn Văn Hoành, Suất đội An Thuận là Trần Khắc Doãn, Lê Đình Hóa hơn 60 người (gồm lính Hồi lương, Bắc Thuận, Thanh Thuận, An Thuận); ai nấy đều cầm kiếm, dùng vải trắng quàng cổ làm dấu hiệu, theo cửa Hoài Lai ở phía đông thành Phan Yên tiến vào trong.
Bấy giờ quân lính trong thành Phan Yên phần lớn ở ngoài thành để sửa đóng thuyền, canh kho gỗ hoặc canh nhà giam. Thành thủ úy Nguyễn Văn Trị cũng ngủ ở nhà riêng ngoài thành. Số lính canh giữ trại quân ở trong thành mỗi trại chỉ độ 10 người, thậm chí 5 - 6 người. Quân nổi dậy nổ một tiếng súng rồi ùa vào các công sở. Họ kéo vào dinh Bố chính. Bố chính Bạch Xuân Nguyên nghe có biến thì bỏ trốn. Những người nổi dậy lùng tìm kẻ cáo giác mình là Đỗ Văn Thanh để giết đi. Quân nổi dậy chuyển sang dinh Tổng đốc. Lão Tổng đốc Nguyễn Văn Quế ngoài 70 tuổi cùng con trai ra chống cự, đều bị giết. Án sát Nguyễn Chương Đạt và Lãnh binh Nguyễn Quế chạy trốn ra khỏi thành Phan Yên.
Ở phía bắc bên ngoài thành, Nguyễn Hựu Khôi cưỡi voi kéo bè đảng đến Khám Đường. Con nuôi Khôi là Bùi Văn Cúc cũng ở trong số đó. Khôi sai người đến bảo là Tổng đốc cho người đến gọi mở cửa nhà giam có việc. Nhưng không ai trả lời. Lát sau, Khôi trở lại, bảo rằng: Vừa đi đến ngoài cửa Củng Thần, nghe thấy trong thành nổ một tiếng súng, có tiếng thanh la vang lên. Khôi lại đi tới cửa Hoài Lai. Người giữ cửa là Quách Ngọc Khuyến mở cửa cho vào. Bấy giờ đã là canh ba, bọn Nguyễn Văn Trắm đã giết Tổng đốc rồi, nhưng chưa truy bắt được Bố chính Bạch Xuân Nguyên. Khôi bèn dẫn quân nổi dậy rời thành tấn công khu nhà lao. Quản đề lao là Nguyễn Như Xuân dẫn lính canh ra chống cự. Quân nổi dậy giết chết Xuân, đốt cháy hết các đạo cáo thân, bằng sắc của Xuân, mở cửa tha hết tù phạm đem vào trong thành, chiêu mộ bọn họ vào trong đảng của mình. Đội trưởng trạm sông Phan Lộc là Lê Văn Thịnh cũng đem lính trạm và dân phu tới thành giao chiến với quân nổi dậy, bị quân nổi dậy giết chết. Đến tờ mờ sáng, Nguyễn Hựu Khôi và Thái Công Triều đều trở về nhà riêng.
CẦU CỨU BIÊN HÒA
Án sát Nguyễn Chương Đạt chạy thoát khỏi thành Phan Yên, tới chỗ Phó lãnh binh Giả Tiến Chiêm. Giả Tiến Chiêm bấy giờ đang ở xưởng đóng thuyền ngoài thành. Hai người liền soạn giấy báo tin khẩn cấp cho tỉnh Biên Hòa. Giấy báo đóng ấn Phó lãnh binh và chữ ký của Nguyễn Chương Đạt. Hai người sai lính đội 6 cơ Phan Yên là Nguyễn Văn Lợi ngay đêm ấy chạy sang tỉnh Biên Hòa cầu viện.
Giờ Mão [5 - 7 giờ sáng], ngày 19.5, thự lí Tuần phủ Biên Hòa là Vũ Hữu Quýnh gặp Nguyễn Văn Lợi, nhận được tin cấp báo. Vũ Hữu Quýnh liền bàn với Án sát Biên Hòa là Lê Văn Lễ, phái Quản cơ Biên Hùng là Trần Văn Khanh đem lính bốn cơ, tổng cộng 154 người đi cứu viện Phan Yên. Vũ Hữu Quýnh còn sai Lãnh binh Hồ Kim Truyền tổ chức phòng thủ tỉnh Biên Hòa. Nhưng tất cả đã muộn. (còn tiếp)