Bản in đầu giữa năm 2022 (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2022), bản in thứ hai cuối năm 2023 (Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM).


Plan des environs de Saïgon (Bản đồ vùng phụ cận Sài Gòn) năm 1895 ghi nhận một cây cầu bộ hành (passerelle) sát bên kinh Vành Đai (kinh Bao Ngạn, nay ở giữa đường Bắc Hải và Chấn Hưng). Con đường đi qua làng Thạnh Hòa nay là đường Phạm Văn Hai (Tân Bình) chưa có cầu, đi qua phải lội (gué)
ẢNH: TƯ LIỆU
Ở trang 244 bản in thứ hai, tập sách viết: "Cầu số 4 hay cầu Huệ hoặc cầu Lão Huệ có khi đã biến mất từ những năm 1905 - 1910. Và lúc này cây cầu hầu như không còn được nhắc đến ngoài những trang tài liệu địa dư cổ". Đoạn nhận định dùng từ "có khi" thể hiện thái độ cẩn trọng cần thiết của hai tác giả - nhà khoa học xã hội.
Vị trí cây cầu, qua đo đạc khoảng cách từ ghi chép của Gia Định thành thông chí, hai tác giả xác định "quãng đầu đường Đặng Văn Ngữ (hiện nay)". (Theo số nhà hiện nay là cuối đường. Nhưng cái này không quan trọng vì các tác giả đã xác định rõ cầu trên rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè).

Nước rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè năm 1945 tràn cả ra những vùng đất xung quanh, hình thành vô số vườn rau
NGUỒN ẢNH: MẠNH HẢI, FLICKR
Một vị trí khác, hai tác giả căn cứ vào tấm bản đồ khổ lớn xuất bản năm 1900 "Environs de Saïgon": "Đầu hẻm 541 nối vào rạch Thị Nghè". Theo đó, hai tác giả lại cho rằng cây cầu này được ghi chú Passerelle (cầu bộ hành). Trước đó, tấm bản đồ "Bản đồ vùng phụ cận Saigon" (Plan des environs de Saïgon) năm 1895 cũng đã vẽ cây cầu này và cũng ghi chú Passerelle.
Về phía mình, từ thực tế chủ quan cá nhân của người tại chỗ, tôi nghiêng về ý kiến cầu Huệ nằm cuối đường Đặng Văn Ngữ, tức cuối khu cư xá Kiến Thiết (Phú Nhuận) hiện nay.
Lúc đó, cây cầu Ông Tạ trên đường Phạm Văn Hai hiện nay chưa có, dù con đường mòn tiền thân của nó (thời Pháp gọi là hương lộ 16) đã có. Thậm chí ở tấm bản đồ "Plan des environs de Saïgon" (Bản đồ vùng phụ cận Saigon) năm 1895, khu vực sau này có cầu Ông Tạ vẫn ghi chú là "gué" (vùng đầm lầy, phải lội qua).
"Chỗ cùng nguyên" này từ cầu Lão Huệ lên tới đầu nguồn Nhiêu Lộc, tức từ đường Đặng Văn Ngữ hiện nay ăn qua ngã tư Bảy Hiền cả cây số nhưng chỉ trăm thước là rạch, còn lại là vũng, ao, đầm, bàu... Đến tận đầu thập niên 1960, khu vực Căn cứ Nhảy dù Hoàng Hoa Thám (nay là đường và chợ Hoàng Hoa Thám) vẫn còn nhiều đầm, vũng. Khu vực cầu Ông Tạ, ai dân Ông Tạ đều biết mỗi khi trời mưa lớn, nước rạch Nhiêu Lộc tràn ra, vô sâu hai bên bờ cả trăm mét, tràn cả vô nhà dân dù đã tôn nền cao.

Đầu nguồn rạch Nhiêu Lộc năm 1966 - 1967 bị thu hẹp và ô nhiễm
ẢNH: ALLEN MCKENZIE
"Chỗ cùng nguyên" ngập lụt ở khu vực quanh cầu Lão Huệ còn nặng hơn khi nó nằm bên khúc quẹo gắt 90 độ hai lần chỉ trong khoảng gần trăm thước của rạch Nhiêu Lộc. Thực tế lẫn trên các bản đồ trước 1954, đây là khu vực đầm lầy, lầy lội, gần như không có người ở lẫn trồng trọt gì. Theo tìm hiểu cá nhân, khu vực này thuộc một dòng tộc người Nam cố cựu trong vùng, có nơi đây cả trăm năm và hiện vẫn sinh sống trên đường Đặng Văn Ngữ. Người cháu gái út của dòng tộc này (xin tạm giấu tên) cho biết: "Ba tui kể sau 1954, chánh quyền Sài Gòn gặp ba tui, thương lượng để gia đình nhượng lại khu đất này để xây dựng cư xá Kiến Thiết".
Cùng với cư xá Kiến Thiết, một quần thể người dân miền Bắc di cư năm 1954 cũng tập trung về đây, dần dà lập nên giáo xứ và nhà thờ Tân Hòa. Trong Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2, tôi cũng đã viết về những ngày đầu của giáo xứ này, một giáo xứ sinh sau đẻ muộn vài năm so với nhiều giáo xứ vùng Ông Tạ đối diện, cách nhau con rạch Nhiêu Lộc. Khúc đầu nguồn rạch này không rộng, nhìn qua thấy nhau rõ mồn một.
Đến đầu thập niên 1960, trong khu vực giáo xứ Tân Hòa vẫn còn nhiều ao, vũng lớn, tới mức có phòng học của giáo xứ được xây dựng trên một trong những ao vũng đó. Học trò nhìn ra cửa lớp cứ tưởng mình học trên sông rạch, kể ra cũng mát mẻ và nói kiểu bây giờ là sinh thái.
Như đã nói ở trên, hai tác giả tập khảo cứu Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 dừng lại ở cây cầu Huệ ban đầu "có khi đã biến mất từ những năm 1905 - 1910" (tập sách không nói lý do "biến mất"). Đúng là các bản đồ sau đó không thấy vẽ cây cầu ở vị trí cũ.
Càng về sau, cây cầu thứ tư trên rạch Nhiêu Lộc càng ít người biết, nhất là sau 1954, nó chìm trong vô số nhà trên rạch. Đến trước 1975, con rạch bị thu hẹp và ô nhiễm thảm hại. (còn tiếp)