Vụ sữa giả: Vậy cuối cùng ai chịu trách nhiệm?

Câu hỏi này được nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đặt ra tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 3 khóa X Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam sáng nay 17.4.

Vụ sữa giả: Không thể để hiện tượng 'một mâm cơm 5 người quản lý'- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

ẢNH: TUẤN MINH

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân của MTTQ Việt Nam, trong thời gian gần đây, cử tri và nhân dân quan tâm, lo ngại về vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu vẫn diễn ra nhiều nơi.

Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu nêu lên tại hội nghị. Lấy dẫn chứng từ vụ sữa giả vừa được cơ quan chức năng phát hiện, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước bức xúc: "Qua vụ sữa vừa qua, nổi lên vấn đề trách nhiệm. Vậy sản phẩm sữa giờ ai chịu trách nhiệm khi Bộ Công thương trả lời không thuộc đối tượng quản lý. Thế ai quản lý 600 loại sữa này? Tôi đề nghị làm rõ không thể để hiện tượng "một mâm cơm 5 người quản lý".

Vụ sữa giả: Không thể để hiện tượng 'một mâm cơm 5 người quản lý'- Ảnh 2.

GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và pháp luật, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

ẢNH: TUẤN MINH

Lên án mạnh mẽ vụ việc sữa giả, GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và pháp luật, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam bức xúc: "Họ đã "lừa dân" trong 4 năm sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai. Họ dùng quảng cáo nêu thành phần chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó..., nhưng thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này. Tiếp tay cho những hành vi này lại là những nhân vật có tiếng trong showbiz, quảng cáo rất rầm rộ, "lừa dân" đến 500 tỉ là số tiền quá lớn".

Theo ông Đường, hành vi này cần phải lên án, phải chấm dứt, đề nghị các cơ quan chức năng phải tìm giải pháp quyết liệt và xử lý hiệu quả.

Đồng quan điểm trên, bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nêu thực tế hiện nay người dân rất băn khoăn lo lắng bất an về nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng sữa giả, thuốc giả đang gây rất nhức nhối.

"Bà con nhân dân rất bức xúc và bất an đối với hàng giả, hàng kém chất lượng như thuốc giả, sữa giả. Đây là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sức khỏe cho mỗi người dân, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội như: người già, bà mẹ mang thai, trẻ em. Với số lượng gần 600 nhãn hiệu sữa giả được lộng hành, sản xuất, buôn bán có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con người", bà Thanh nêu ý kiến.

Theo bà Thanh, trong hệ thống chính quyền có các cơ quan nhà nước từ T.Ư đến địa phương, mỗi sản phẩm sản xuất ra phải có người cấp giấy chứng nhận kiểm tra.

"Nên chăng nên quy lại trách nhiệm gần 600 nhãn hiệu hàng giả được cung cấp bởi cơ quan đơn vị nào để truy trách nhiệm cho rõ. Đối với tội phạm làm hàng giả cần phải được xử lý nghiêm minh tránh tình trạng người dân bất an, lo lắng", bà Thanh nói.

Đưa ra hình phạt tử hình để răn đe

Chia sẻ thêm về vấn đề này bên lề hội nghị, ông Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, trong những ngày qua, dư luận xã hội đang băn khoăn lo lắng, thậm chí bức xúc liên quan đến sữa giả. Đây là vấn đề hết sức nóng.

Vụ sữa giả: Không thể để hiện tượng 'một mâm cơm 5 người quản lý'- Ảnh 3.

Ông Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

ẢNH: THU HẰNG

Ông Trình cho hay: "Trong tiếp thu ý kiến của bà con nhân dân, có một vấn đề cần phải đặt ra, cơ quan nhà nước phải vào cuộc một cách trách nhiệm, hiệu quả để tháo gỡ "điểm nghẽn" - đó chính là sự chồng chéo trong quản lý điều hành trên lĩnh vực này. Rõ ràng bộ này đang đổ lỗi cho bộ kia. Người sản xuất chạy theo lợi nhuận đơn thuần bất chấp đạo lý, bất chấp luật pháp, lợi dụng kẽ hở này để làm sữa giả rất nguy hiểm đến tính mạng cho người già, người bệnh, đặc biệt cho trẻ em".

Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Y tế, kể cả Văn phòng Chính phủ phải thực hiện trách nhiệm của mình, làm mạnh hơn nữa.

"Nếu để hàng giả tràn lan chứng tỏ cơ quan chức năng chưa hoàn thành nhiệm vụ của Nhà nước. Và nếu không làm thì không tròn trách nhiệm với nhân dân", ông Trình thẳng thắn nói.

Với vai trò giám sát, phản biện xã hội, ông Lê Bá Trình cho biết, thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ kiến nghị với các bộ ngành, tổ chức liên quan tăng cường quản lý và ngăn chặn nạn hàng giả. Cạnh đó, MTTQ sẽ giám sát, phản biện liên quan đến các bộ luật.

"Tới đây, khi sửa đổi các bộ luật liên quan, cần phải tăng nặng hình phạt, thậm chí phải đưa ra hình phạt tử hình để răn đe. Giống như chống tội phạm ma túy, chỉ có hình phạt cao nhất mới răn đe được, nếu không lợi nhuận vật chất sẽ làm tha hóa con người, đây là cái nguy hại đến sức khỏe con người", ông Trình nêu kiến nghị.

Ngoài ra, theo ông Trình, sau những vụ việc vừa qua, cần phải có có một chiến dịch thanh trừng hàng giả. Trước hết phải thực hiện ngay một chiến dịch truyền thông đẩy lùi hàng giả, để người dân nhận ra, lên án và bài trừ hàng giả. Như vậy cũng góp phần ngăn chặn và đẩy lùi hàng giả.

Vụ sữa giả: Không thể để hiện tượng 'một mâm cơm 5 người quản lý'- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam

ẢNH: TUẤN MINH

Từ vụ việc sữa giả và mới đây nhất là thuốc giả bị phanh phui, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam kiến nghị: "Chúng ta nên phân quyền không nên 1 mặt hàng nhiều bộ, ngành quản lý. Đây là khe hở để các đối tượng tuồn hàng giả ra thị trường. Anh nào quản lý thì đồng thời cũng chịu trách nhiệm từ cấp phép, đến kiểm tra chất lượng, không thể đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Các bộ, ngành được Chính phủ giao nhiệm vụ cần phải mua trang thiết bị để kiểm tra chất lượng thì mới phát hiện kịp thời. Không thể để hàng giả trôi nổi trên thị trường hàng năm trời mới phát hiện thì rất nguy hại".

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao