Trước đó, Thành ủy TP.HCM thống nhất phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, TP.HCM sẽ sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để trở thành một siêu đô thị mới của vùng Đông Nam bộ.
TP.HCM thống nhất có 168 phường, xã sau sáp nhập
Theo ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, ngày 15.4, Sở Nội vụ TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương và Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cuộc họp cùng trao đổi, thống nhất, rà soát các ranh địa giới hành chính của các khu vực ranh chồng lấn nhằm phối hợp, phân tách và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã mới của TP.HCM đảm bảo thống nhất, tương đồng, tạo dư địa phát triển, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, gần dân và sát dân.

TP.HCM sẽ có 168 phường, xã sau sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu
ẢNH: NHẬT THỊNH
Ông Thuận thông tin đến nay 168 phường, xã của 3 địa phương đều đã rà soát, tránh việc trùng lắp tên gọi và bất cập ở những khu vực giáp ranh. TP.HCM phối hợp tổ chức lấy ý kiến người dân của 3 tỉnh, thành phố về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Kết quả sắp xếp của TP.HCM như sau: tổng số đơn vị hành chính cấp xã hiện tại là 273 đơn vị hành chính; thực hiện sắp xếp, thành lập 102 đơn vị hành chính cấp xã mới, đạt tỷ lệ 37,36%; giảm 171 đơn vị hành chính cấp xã (tỷ lệ 62,64%) đảm bảo giảm đúng tỷ lệ 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã cũ theo quy định tại Nghị quyết số 60-NQ/TW và Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15.
Về quy mô dân số, TP.HCM có 62 đơn vị hành chính dưới 100.000 dân, 23 đơn vị từ 100.000 đến 150.000 dân và 17 đơn vị từ 150.000 đến 200.000 dân.
Theo ông Thuận, khi sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM; TP.HCM mới sẽ có 168 phường, xã, vẫn giữ nguyên các đơn vị hành chính Thạnh An và Côn Đảo. Trong đó TP.HCM (102 phường, xã), Bà Rịa - Vũng Tàu (30 phường, xã), Bình Dương (36 phường, xã).
Hiện, theo dự thảo đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh sẽ bố trí trụ sở chính trị - hành chính tại TP.HCM và có thêm 2 cơ sở tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để ổn định bộ máy thời kỳ đầu sáp nhập.
Sau đó, trong quá trình thực hiện sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương án phù hợp.
"Ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện và giảm thiểu tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức an tâm công tác, giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy năng lực", ông Thuận nói.
Trả lời câu hỏi về việc cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu có được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội hay không? Ông Thuận cho biết: "Theo Nghị quyết 98, đặc biệt là Nghị quyết 08 đối với TP.HCM, hiện nay vẫn còn một số cán bộ và đơn vị chưa được hưởng thu nhập tăng thêm. Chúng tôi đang xin ý kiến từ Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để làm rõ vấn đề này".