Thủ tướng: GDP tăng 8,3 - 8,5% không phải 'bất khả thi'

Sáng 16.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm nay, tổng đầu tư xã hội khoảng 2,8 triệu tỉ đồng

ẢNH: NHẬT BẮC

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Theo đó, kịch bản 1 xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%. Cụ thể, tăng trưởng quý 3 đạt 8,3% so với cùng kỳ, tương đương với kịch bản tại Nghị quyết 154/NQ-CP; quý 4 đạt 8,5% (cao hơn kịch bản 0,1%). Quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỉ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

Với kịch bản 2 (tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3 - 8,5%), Bộ ước tính tăng trưởng quý 3 đạt 8,9 - 9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6 - 0,9%); quý 4 đạt 9,1 - 9,5% (cao hơn kịch bản 0,7 - 1,1%). Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỉ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2 (8,3 - 8,5%), tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.

Tương ứng với 2 kịch bản nêu trên, Bộ Tài chính đã dự kiến kịch bản tăng trưởng của các địa phương và tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25, nhất là các địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước.

Cụ thể, Hà Nội cần tăng trưởng 8,5% (cao hơn 0,5%), TPHCM 8,5% (cao hơn 0,4%), Quảng Ninh 12,5% (cao hơn 1%), Thái Nguyên 8% (cao hơn 0,5%)… Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.

Để đạt mức tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm 2025, Bộ Tài chính cho biết cần huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm là khoảng 111 tỉ USD, cao hơn khoảng 3 tỉ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 8%.

Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm đạt khoảng 28 tỉ USD (tương đương khoảng 700.000 tỉ đồng). Các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025 và số vốn được giao bổ sung năm 2025 từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2024 (khoảng 152.700 tỉ đồng).

Đầu tư tư nhân khoảng 60 tỉ USD, cao hơn khoảng 3 tỉ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước 8%; thu hút FDI đạt 18,5 tỉ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỉ USD; đầu tư khác khoảng 7 tỉ USD.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 (khoảng 16%) trong trường hợp cần thiết, bảo đảm vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các gói 500.000 tỉ đồng cho vay doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số, gói tín dụng cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội…

Tổng đầu tư xã hội năm 2025 khoảng 2,8 triệu tỉ đồng

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tổng hợp, điều chỉnh, giao mục tiêu tăng trưởng 2 quý còn lại của năm cho từng địa phương, ngành, lĩnh vực.

Theo đó, mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng dưới 4,5%, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt từ 8,3 - 8,5% và năm 2026 đạt 10% trở lên, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Tổng đầu tư xã hội năm 2025 khoảng 2,8 triệu tỉ đồng; trong đó đầu tư công khoảng 1 triệu tỉ đồng và các nguồn khác khoảng 1,8 triệu tỉ đồng. Cùng với đó, kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là mục tiêu rất khó và có nhiều thách thức rất lớn nhưng "chúng ta không thể không làm và mục tiêu này cũng không phải mục tiêu bất khả thi". Nếu không thực hiện được mục tiêu này trong năm nay thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng những năm tới và 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó thúc đẩy giải ngân đầu tư công 100% (khoảng 1 triệu tỉ đồng); bảo đảm tổng đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 11 - 12% so với năm 2024. 

Mở rộng nguồn thu, đẩy mạnh tiết kiệm chi, phát hành trái phiếu Chính phủ dài hạn phục vụ các động lực tăng trưởng, các công trình trọng điểm quốc gia, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao