Thông qua đề án lập TP.Đà Nẵng mới trực thuộc T.Ư

Sau sáp nhập, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc T.Ư có diện tích lớn nhất nước

Sáng 26.4, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP.Đà Nẵng đã biểu quyết tán thành chủ trương hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính mới, lấy tên là TP.Đà Nẵng. Trung tâm hành chính đặt tại khu vực TP.Đà Nẵng hiện nay.

Theo đó, sau sáp nhập, TP.Đà Nẵng (mới) có diện tích tự nhiên hơn 11.867 km2, quy mô dân số hơn 3 triệu người và 94 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 23 phường, 70 xã và 1 đặc khu Hoàng Sa).

Như vậy, sau khi được HĐND TP.Đà Nẵng thông qua chủ trương hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng thành thành phố trực thuộc T.Ư có diện tích tự nhiên lớn nhất nước.

Thông qua đề án lập TP.Đà Nẵng mới trực thuộc T.Ư, có diện tích lớn nhất nước - Ảnh 1.

48/48 đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng thông qua đề án sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng

ẢNH: HOÀNG SƠN

UBND TP.Đà Nẵng khẳng định, việc hợp nhất hướng đến xây dựng một TP.Đà Nẵng mới có quy mô phát triển vượt trội, đủ khả năng trở thành trung tâm kinh tế mới với sức cạnh tranh cao ở tầm khu vực và quốc tế. Đồng thời, công cuộc sắp xếp và tinh gọn bộ máy sẽ giúp giảm tầng nấc quản lý, rút ngắn quy trình xử lý công việc, tiết kiệm chi phí thường xuyên và tái phân bổ nguồn lực hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên.

TP.Đà Nẵng mới sẽ được xây dựng để trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao ở châu Á - Thái Bình Dương, và là trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. 

Thông qua đề án lập TP.Đà Nẵng mới trực thuộc T.Ư, có diện tích lớn nhất nước - Ảnh 2.

TP.Đà Nẵng mới được thành lập sẽ đặt Trung tâm hành chính tại TP.Đà Nẵng hiện nay

ẢNH: HOÀNG SƠN

Cũng theo đề án, TP.Đà Nẵng được quy hoạch theo hướng phát triển thành một đô thị lớn, sinh thái, thông minh và bền vững, có vị thế ngang tầm quốc tế. Việc chọn TP.Đà Nẵng đặt trung tâm hành chính sẽ giúp tối ưu hóa các cơ hội phát triển, kết nối các khu vực trong tỉnh và nâng cao khả năng cạnh tranh của thành phố mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế khu vực miền Trung.

Quảng Nam: 'Bước đi mang tính lịch sử, tái cấu trúc không gian quản lý'

Sáng 26.4, cùng thời điểm với kỳ họp chuyên đề của UBND TP.Đà Nẵng, ở tỉnh Quảng Nam, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) cũng tổ chức kỳ họp thứ 31 để xem xét, quyết định đề án sáp nhập đơn vị hành chính các cấp tỉnh Quảng Nam và các nội dung khác theo thẩm quyền.

Phát biểu tại kỳ họp về việc sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh: "Đây không chỉ là sự sắp xếp, thay đổi đơn thuần về cấp hành chính, đơn vị hành chính mà còn là bước đi mang tính lịch sử, tái cấu trúc không gian quản lý, tạo những động năng mới, tiềm năng mới, đưa chính quyền địa phương sát dân, gần dân hơn, đáp ứng cao hơn yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới".

Sáp nhập Quảng Nam – Đà Nẵng: TP.Đà Nẵng mới còn bao nhiêu cấp xã? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, phát biểu khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh

ẢNH: N.ĐOAN

Tại kỳ họp, UBND tỉnh cũng có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh xem xét, thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Nam.

Cụ thể, đề xuất HĐND tỉnh tán thành chủ trương sắp xếp 233 đơn vị hành chính cấp xã thành 78 đơn vị hành chính cấp xã (11 phường, 67 xã); giao UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Quảng Nam cũng xem xét, quyết định nhiều chính sách có ý nghĩa quan trọng trên các lĩnh vực như tài chính - ngân sách, đầu tư công và nhiều lĩnh vực khác… tạo cơ sở pháp lý để UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, thực hiện quy trình, thủ tục về công tác nhân sự theo thẩm quyền.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao