QL7 nhiều lần lỗi hẹn

Lỗi hẹn

Dự án cải tạo, nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sạt trượt đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An có chiều dài 27,7 km, vốn đầu tư 1.300 tỉ đồng.

Theo thiết kế, dự án mở rộng lòng đường lên 12 m, đoạn qua đô thị 20 - 25 m. Dự án được khởi công từ tháng 9.2022, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Người dân Nghệ An từ lâu chờ đợi dự án này vì hiện trạng tuyến QL7 (nối từ QL1A sang Lào) lòng đường quá nhỏ, mặt đường xuống cấp, trong khi có nhiều phương tiện lưu thông.

QL7 nhiều lần lỗi hẹn- Ảnh 1.

QL7 qua H.Diễn Châu bụi mịt mù vì thi công dang dở

ẢNH: K.HOAN

Thế nhưng, sau khi dự án được khởi công, việc giải phóng mặt bằng quá khó khăn vì nhiều hộ dân không đồng ý với mức bồi thường, trong khi chính quyền lại không thể làm theo ý người dân vì trái luật. Đến nay, dù tỉnh Nghệ An đã nhiều lần ra "tối hậu thư", yêu cầu các huyện Diễn Châu, Yên Thành phải bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng thời hạn, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Tại H.Yên Thành còn 47 thửa đất nằm ven QL7 của 42 hộ dân chưa giải phóng được mặt bằng. Theo báo cáo của UBND H.Yên Thành, mặc dù chính quyền đã rất nhiều lần vận động, đối thoại với các hộ dân này để người dân đồng ý bàn giao mặt bằng, nhưng vẫn chưa "tìm được tiếng nói chung".

Các hộ dân ở đây yêu cầu đền bù cả phần đất lấn chiếm, tài sản hình thành sau ngày 1.7.2004. Nhiều hộ gia đình còn đề nghị được đền bù phần đất nằm trong lưu không bảo vệ đường bộ (phần đất không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính). Tuy nhiên, lãnh đạo H.Yên Thành cho rằng phần đất này nằm ngoài khung quy định bồi thường của nhà nước và huyện vẫn đang phải tiếp tục giải thích, vận động người dân.

Ông Đặng Quang Hoàng, Chủ tịch UBND xã Viên Thành (H.Yên Thành), cho hay xã này còn một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng vì diện tích có công trình, tài sản nằm ngoài bản đồ đo đạc địa chính năm 2005, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng người dân vẫn yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ. Có 2 hộ dân dù đã nhận tiền bồi thường song vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng vì đang đề nghị đền bù cả phần diện tích nằm trên QL7.

Tại xã Mỹ Thành, có 1 hộ dân sử dụng đất rừng sản xuất đã được UBND H.Yên Thành phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng nhưng chủ hộ không đồng ý, yêu cầu được đền bù theo giá đất vườn. Có 3 hộ khác có đất đã thu hồi từ năm 2011, chuyển đất về cho UBND xã quản lý, nhưng các hộ này cho rằng quyền sử dụng thửa đất này đang thuộc về gia đình nên yêu cầu đền bù.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND H.Yên Thành, cho biết dù chính quyền địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền, tổ chức đối thoại, nhưng các hộ dân vẫn không đồng ý. Trong thời gian tới, nếu người dân không bàn giao mặt bằng thì chính quyền sẽ phải thực hiện phương án cưỡng chế, bảo vệ thi công. Hiện các phương án cưỡng chế thu hồi đất, bảo vệ thi công đã được lên kế hoạch.

Tương tự, tại H.Diễn Châu, một hạng mục quan trọng của dự án là cầu vượt đường sắt đoạn đi qua xã Diễn Phúc cũng bị vướng vì thiếu mặt bằng. Đến nay, sau gần 2 năm vận động đối thoại của chính quyền, người dân đã đồng ý bàn giao đất để thi công. Tuy nhiên, tuyến QL7 qua H.Diễn Châu vẫn còn 641 m chưa giải phóng được mặt bằng, với 28 thửa đất bị ảnh hưởng.

"Những hộ dân này yêu cầu bồi thường diện tích đất không nằm trong sổ đỏ. Chúng tôi đã rất nhiều lần đối thoại, giải thích cho người dân rằng theo quy định hiện nay, phần đất này không thể bồi thường như mức người dân đề nghị. Nếu làm theo ý dân, huyện chi bồi thường là làm trái quy định của pháp luật", ông Lê Mạnh Hiên, Phó chủ tịch UBND H.Diễn Châu, cho hay.

QL7 nhiều lần lỗi hẹn- Ảnh 2.

QL7 đoạn qua xã Viên Thành, H.Yên Thành chưa bàn giao mặt bằng

ẢNH: K.HOAN

Ông Hiên cũng cho biết đây là dự án tốn rất nhiều công sức để vận động, giải thích cho người dân hiểu quy định của pháp luật trong bồi thường giải phóng mặt bằng.

"Các thửa đất còn lại chỉ ảnh hưởng phần đất phía hành lang giao thông, người dân không phải dỡ nhà, chỉ có vài hộ phải dỡ tường rào. Chúng tôi đã lên phương án cưỡng chế, bảo vệ thi công. Nếu người dân vẫn không chịu bàn giao mặt bằng, chúng tôi sẽ phải thực hiện để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công vì thời hạn bàn giao mặt bằng không còn nhiều", ông Hiên nói.

Hệ lụy

Dự án kéo dài, Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam đã nhiều lần có văn bản đôn đốc tỉnh Nghệ An, thậm chí ra "tối hậu thư" đến hết năm 2024 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu, nếu không, dự án sẽ bị cắt vốn. Tuy nhiên, đến thời hạn trên, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa thể hoàn thành, tỉnh Nghệ An đã đề nghị cho gia hạn. Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam đã đồng ý cho gia hạn đến thời điểm cuối cùng hoàn thành thi công toàn bộ dự án là ngày 18.7.2025.

Mặt bằng bàn giao theo kiểu "xôi đỗ", nên dự án này khiến các đơn vị thi công gặp khó vì phải thi công gián đoạn. Thời gian thi công kéo dài, mặt đường bị hư hỏng, lòng đường hẹp nên việc lưu thông trên tuyến đường này rất khổ sở vì nắng bụi, mưa bùn và xe cộ liên tục phải phanh gấp vì có nhiều khớp nối giữa thảm nhựa cũ và mới.

Ông Hoàng Quang Thiều (ngụ xã Diễn Cát, H.Diễn Châu), một người dân sinh sống bên tuyến QL7 đang thi công dở dang, cho biết đoạn đường này từ khi thi công đến nay đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do đường quá xấu. Camera an ninh trước nhà ông Thiều đã ghi lại một số vụ tai nạn giao thông, người đi xe máy đang chạy bất ngờ xe nằm vật xuống đường do ổ gà.

"Đoạn qua xóm này đã có 1 người chết, nhiều người bị thương. Ngay trước nhà tôi đã có 4 - 5 vụ", ông Thiều nói. Đoạn đường này hiện vẫn chưa giải phóng được mặt bằng.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ H.Đô Lương đến điểm cuối của tuyến QL7 ở H.Diễn Châu có rất nhiều đoạn đường đang thi công bỏ dở. Một số đoạn đã có mặt bằng, nhưng đơn vị thi công vẫn chưa thi công hoàn thiện. Mặt đường nhựa bị hư hỏng, tạo ra nhiều ổ gà. Đường hẹp, lưu lượng xe qua lại nhiều khiến người điều khiển xe dễ bị ức chế.

Ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc Điều hành dự án QL7 (Ban Quản lý dự án 4, Cục Đường bộ VN), cho biết để hoàn thành các gói thầu theo mốc thời gian đã được gia hạn, lẽ ra các địa phương phải bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công chậm nhất trong tháng 1.2025. Nếu chậm trễ, dự án có nguy cơ bị cắt vốn, bàn giao nguyên trạng cho địa phương quản lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và không phát huy được mục tiêu dự án đề ra, gây lãng phí đầu tư.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao