Giải quyết hồ sơ phi địa giới hành chính

Thủ tục phi địa giới hành chính được hiểu là người dân có thể nộp hồ sơ ở bất cứ nơi nào mà không phải về nơi đăng ký thường trú, nơi giải quyết hồ sơ theo phân cấp. Với cách hiểu này, thủ tục chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký là điển hình của thủ tục phi địa giới phổ biến nhất, bởi người dân có thể nộp bất cứ UBND phường, xã nào, thậm chí ra phòng công chứng đều được giải quyết. Tại TP.HCM, từ tháng 6.2022, khi hơn 12 triệu hồ sơ hộ tịch được số hóa, người dân có thể trích lục khai sinh, khai tử ở bất kỳ UBND phường, xã nào mà bản thân cảm thấy thuận tiện nhất.

 - Ảnh 1.

Nhân viên bưu điện hỗ trợ người dân về cách thức nộp hồ sơ trực tuyến tại UBND P.Bến Thành

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Lãnh đạo Trung tâm phục vụ hành chính công P.An Đông dẫn chứng, một người dân TP.HCM đi du lịch Côn Đảo, nhưng muốn mở giấy phép kinh doanh ở P.An Đông thì ra UBND đặc khu Côn Đảo nộp hồ sơ, công chức tiếp nhận rồi chuyển về UBND P.An Đông xử lý, xong rồi trả kết quả. Phương thức này mang lại nhiều thuận lợi cho người dân, không còn phải ở phường nào ra phường đó nộp hồ sơ như trước. Về mặt nghiệp vụ, công chức tiếp nhận phải kiểm tra thành phần hồ sơ đúng, đủ, danh tính xác thực của người nộp theo hướng dẫn chung.

Hiện nay, các bộ, ngành tái cấu trúc thủ tục, sử dụng dữ liệu để thay thế thành phần hồ sơ giúp việc nộp hồ sơ trực tuyến thuận lợi hơn. Người dân có thể dùng máy tính hoặc điện thoại, ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động thông minh để nộp hồ sơ ở bất kỳ nơi đâu, miễn có mạng internet.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM, cho biết đã làm việc với Văn phòng UBND TP.HCM đánh giá lại nhu cầu, hồ sơ phát sinh trong danh mục 344 dịch vụ công trực tuyến toàn trình để hướng dẫn các đơn vị, công bố danh mục dịch vụ công phi địa giới tại TP.HCM. Từ nay đến cuối năm sẽ triển khai toàn bộ thủ tục phi địa giới theo Nghị định 118/2025 của Chính phủ.

Để làm được việc này, bà Trinh cho biết Trung tâm chuyển đổi số và Văn phòng UBND TP.HCM đang rà soát lại 980 bộ thủ tục phải thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đây là cơ sở để công bố thủ tục phi địa giới hành chính. Tiếp đó, TP.HCM sẽ thiết lập hệ thống, khi nhận hồ sơ sẽ số hóa và điện tử hóa hồ sơ rồi chuyển về các đơn vị xử lý. "Điều này có nghĩa là khi nhận hồ sơ giấy xong, công chức sẽ chuyển thành hồ sơ điện tử có giá trị pháp lý, rồi chuyển về đơn vị thụ lý để thực hiện. Như vậy sẽ không có tình trạng nhận hồ sơ xong rồi phải thông qua dịch vụ chuyển phát", bà Trình giải thích thêm.

Bên cạnh đó, Sở KH-CN cũng đang xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính làm cơ sở sử dụng nguồn kinh phí triển khai nhiệm vụ. Liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin ở các phường, xã, bà Trinh cho rằng cần đánh giá nghiêm túc theo hướng dẫn của Sở KH-CN và Trung tâm chuyển đổi số để lên kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất cho đầy đủ. Hiện nay, những phường, xã sử dụng lại hạ tầng của quận, huyện cũ như P.Sài Gòn, xã Cần Giờ gặp thuận lợi, nhưng một số phường, xã khác cần phải đầu tư thêm.

Đối với các thủ tục chưa thể triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, TP.HCM dự kiến tổ chức 38 chi nhánh của trung tâm phục vụ hành chính công tại các quận, huyện cũ của 3 địa phương trước sáp nhập (TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, mỗi chi nhánh có ít nhất 5 nhân sự, chuyên tiếp nhận hồ sơ của DN, tổ chức.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao