Địa bàn rộng sau sáp nhập, người dân tưởng xa mà gần

Sau sáp nhập, Hà Nội còn 126 phường, xã và chính thức vận hành chính quyền 2 cấp từ sáng 1.7.

Được hình thành từ diện tích của 9 phường, P.Tây Hồ (Hà Nội) có diện tích khoảng 10 km2 và dân số hơn 93.000 người. Sáng 1.7, hàng trăm chiến sĩ Công an P.Tây Hồ vận hành mô hình mới trong tâm thế hồ hởi.

Địa bàn rộng sau sáp nhập, người dân tưởng xa mà gần- Ảnh 1.

Một trong 3 cơ sở của Công an P.Tây Hồ

ẢNH: TRẦN CƯỜNG

Thiếu tá Lê Văn Thế, phụ trách cơ sở của Công an P.Tây Hồ, cho biết sau sáp nhập, ngoài trụ sở chính, đơn vị còn tổ chức hoạt động ở 2 cơ sở để có thể bám địa bàn, phục vụ người dân tốt hơn với phương châm "gần dân, sát dân và tại chỗ, tận nơi".

Thiếu tá Thế cho hay, trước đây, địa bàn nhỏ nhưng chỉ có một địa điểm để tiếp nhân dân, hiện địa bàn rộng nhưng người dân có thể tới 3 cơ sở của Công an P.Tây Hồ để giải quyết các thủ tục hành chính, báo tin tội phạm và những vấn đề về an ninh trật tự.

Địa bàn rộng sau sáp nhập, người dân tưởng xa mà gần- Ảnh 2.

Thiếu tá Lê Văn Thế được giao phụ trách cơ sở số 10 Vũ Tuấn Chiêu

ẢNH: TRẦN CƯỜNG

3 cơ sở của Công an P.Tây Hồ đều có chức năng, nhiệm vụ như nhau và đầy đủ các bộ phận công tác từ đấu tranh phòng, chống tội phạm tới việc giải quyết thủ tục hành chính, vấn đề về trật tự xã hội.

"Người dân tưởng xa nhưng lại rất gần, có tới 3 địa điểm của công an phường để người dân lựa chọn. Ngoài ra, người dân cũng có thể đến trung tâm hành chính công liên ngành đặt trên địa bàn để được phục vụ", thiếu tá Thế cho hay.

Cạnh đó, theo thiếu tá Thế, nước ta đang tiến tới Chính phủ số, xã hội số, do vậy, hiện nay người dân cũng có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều thủ tục hành chính, không nhất thiết phải đến trụ sở công quyền.

Địa bàn rộng sau sáp nhập, người dân tưởng xa mà gần- Ảnh 3.

Người dân đến làm thủ tục hành chính trong sáng 1.7

ẢNH: TRẦN CƯỜNG

Mang những băn khoăn về thông tin cá nhân sau sáp nhập, bà Nguyễn Thị Hạnh (68 tuổi, trú P.Tây Hồ; P.Nhật Tân của Q.Tây Hồ cũ) đến cơ sở Công an P.Tây Hồ đặt tại trụ sở Công an P.Nhật Tân cũ, bà được giải đáp cặn kẽ trong vòng 2 phút.

Bà Hạnh cho hay, tối 30.6, cháu bà vào VNeID và thông báo "căn cước điện tử của bà được cập nhật, cư dân P.Tây Hồ rồi". 

Toàn bộ thông tin khai sinh, thường trú, nơi ở hiện tại của bà Hạnh được đổi thành P.Tây Hồ, Hà Nội. Bà băn khoăn liệu có cần đổi thẻ căn cước để khớp với thông tin mới hay không, nên ra trụ sở công an để hỏi.

Theo bà Hạnh, trước kia có thể phải chờ đợi, nhưng hôm nay bà tới thì được hướng dẫn ngay và có những 3 địa điểm để lựa chọn, rất thuận lợi, không hề xa xôi.

"Bác cứ dùng căn cước như bình thường đến khi hết thời hạn ghi bên trên mà không cần phải đổi", bà Hạnh thuật lại lời giải đáp của lực lượng công an và vui vẻ ra về.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao