
Tổng lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser và đại diện Tập đoàn vận tải biển CMA CGM của Pháp đứng trước bức tường triển lãm hình ảnh về chủ đề 'đại dương'
ảnh: thụy miên
Tập đoàn vận tải biển CMA CGM (Pháp), một trong ba hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, đang trong quá trình đóng mới chiếc sà lan điện 100% được thiết kế riêng cho điều kiện khai thác tại Việt Nam và cũng là chiếc đầu tiên thuộc dạng này ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Dự án sà lan điện 100% không chỉ mang đến giải pháp vận tải đường thủy nội địa không phát thải đầu tiên cho Việt Nam, mà còn mở ra hướng phát triển toàn cầu cho các giải pháp vận tải không phát thải.
Thiết kế riêng cho sông nước Việt Nam...
Bà Amélie Humphreys, Giám đốc điều hành CMA CGM Việt Nam cho biết đội ngũ R&D của tập đoàn Pháp CMA CGM đã phát triển mẫu sà lan điện trên để phục vụ tuyến đường thủy dài 180 km từ Bình Dương đến cảng nước sâu Gemalink (Cái Mép).
"Trước sự chứng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hà Nội vào cuối tháng 5, chúng tôi đã chính thức ký kết với đối tác Gemadept về việc triển khai sà lan điện. Chúng tôi dự kiến chiếc sà lan sẽ hoàn tất vào tháng 2.2026 và bắt đầu vận hành vào tháng 4 cùng năm. Chúng tôi đang gần đến đích", bà Humphreys cho biết.
Một khi đưa vào hoạt động, tuyến đường thủy từ Bình Dương đến Cái Mép sẽ có thêm phương tiện vận tải hoàn toàn xanh và khứ hồi với công suất vận chuyển tối đa 182 container. Theo tính toán, mỗi năm chiếc sà lan sẽ vận chuyển hơn 50.000 containe và giúp giảm đến 778 tấn CO₂/năm.
Nike là doanh nghiệp đầu tiên cam kết sẽ sử dụng sà lan điện cho vận chuyển container của hãng. Điều này phản ánh sự đồng hành giữa các tập đoàn toàn cầu trong việc thúc đẩy vận tải bền vững tại Việt Nam.

Sà lan điện 100% sẽ được đưa vào khai thác tại tuyến Bình Dương - Cái Mép
ảnh: CMA CGM
...nhưng không dừng ở Việt Nam
"Hiện Bắc Âu có sử dụng một sà lan điện, nhưng công nghệ không hiện đại bằng mẫu chuẩn bị triển khai ở Việt Nam", bà Humphreys cho hay, thêm rằng có hai yếu tố cho phép công nghệ này mới hơn so với chiếc cùng loại trên thị trường.
"Thứ nhất là chúng tôi sử dụng công nghệ pin hiện đại, cho phép thay pin nhanh chóng dưới 30 phút trong lúc sà lan vẫn đang hoạt động, từ đó giảm thời gian và đảm bảo tính cạnh tranh trong quá trình xếp dỡ. Thứ hai pin được sạc hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo từ trang trại điện mặt trời đặt tại cảng Gemalink", bà cho biết
Không chỉ dừng ở một chiếc sà lan, CMA CGM đang xây dựng một mô hình kết nối nội địa trọn gói gồm: sà lan điện, trạm sạc chuyên dụng và nguồn điện sạch tại chỗ. Đây là hệ sinh thái vận tải không phát thải, hứa hẹn nhân rộng và điều chỉnh để phục vụ các thị trường khác ngoài Việt Nam.
Đại diện CMA CGM khẳng định đây là thiết kế "đo ni đóng giày" cho Việt Nam, nhưng hoàn toàn có thể điều chỉnh để áp dụng tại các quốc gia khác. Bà Humphreys cho biết công tác chuẩn bị đang được triển khai để đóng chiếc sà lan điện thứ hai và mở rộng hơn nữa.