Muôn vàn lý do vi phạm
Chiều 15.4, nhiều tài xế đang lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì hoảng hốt phát hiện phía trước đang có một chiếc ô tô đi ngược chiều. Đáng nói, chiếc xe đi ngược chiều ở làn ngoài cùng bên trái, sát dải phân cách, nơi cho phép tốc độ tối đa lên tới 120 km/h.
Sự việc bất ngờ khiến hàng loạt tài xế đang đi đúng luật phải "đạp cháy phanh", có xe phải dừng hẳn trên cao tốc để nhường đường cho chiếc ô tô ngược chiều đang chuyển làn. Điều may mắn đã không có va chạm nào, nhất là va chạm "dồn toa" xảy ra.

Chiếc ô tô đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ở làn 120 km/h
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Cuối tháng 1, một vụ việc khác xảy ra trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Tài xế ô tô điều khiển xe chạy ngược chiều, bị ghi lại bằng camera hành trình của phương tiện khác. Làm việc với công an, tài xế cho hay "do không biết đường và thiếu chú ý quan sát biển báo" nên đã vi phạm.
Hay như hồi giữa tháng 2, trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nam tài xế ngang nhiên điều khiển ô tô quay đầu, khiến nhiều người đang lưu thông trên đường hoảng hốt. Người này khai với CSGT rằng, do "không biết xem bản đồ Google Maps" nên đi nhầm.
Theo quy định tại Nghị định 168/2024 (hiệu lực từ 1.1.2025), hành vi điều khiển xe đi ngược chiều, lùi xe, quay đầu xe trên đường cao tốc sẽ bị xử phạt 30 - 40 triệu đồng, đồng thời trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
So với quy định cũ tại Nghị định 100/2019 (phạt tiền 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 5 - 7 tháng), mức phạt tiền đã nâng lên rất nhiều. Nhưng vì sao hành vi đi ngược chiều, quay đầu xe trên cao tốc vẫn liên tiếp diễn ra?
Thống kê từ Cục CSGT, Bộ Công an, sau 3 tháng thực hiện Nghị định 168 (tính đến tháng 4.2025), các tiêu chí về vi phạm, tai nạn giao thông đều giảm mạnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng "nhờn luật" khi một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông có dấu hiệu không chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, dù biết rõ chế tài xử phạt đã tăng nặng rất nhiều so với trước đây.
Nhầm đường hay chỉ là ngụy biện?
Anh Hồ Long (trú tại Hà Nội, tên đã được thay đổi) thường xuyên di chuyển trên các tuyến cao tốc như Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai… Người đàn ông nhận thấy ý thức tham gia của một số tài xế ở mức "đáng ngại". Anh nhiều lần chứng kiến cảnh chuyển làn đột ngột không có tín hiệu, bám làn trái với tốc độ chậm…, nhưng kinh hãi hơn cả là hành vi đi ngược chiều trên cao tốc.
"Đây có lẽ là hành vi nguy hiểm với tính chất trực diện nhất. Đang chạy với tốc độ 100 - 120 km/h, cộng thêm tốc độ xe đi ngược chiều, không xử lý kịp thì xác định hậu quả tàn khốc", anh Long nói.

Cục CSGT cho biết sẽ tăng cường xử lý các nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông
ẢNH: NGUYỄN TUÂN
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng nhận định ý thức tham gia giao thông của một bộ phận tài xế còn rất kém, "đi trên cao tốc mà như đi đường làng".
Theo vị chuyên gia, hành vi quay đầu xe, đi ngược chiều trên cao tốc vô cùng nguy hiểm, không chỉ cho bản thân người vi phạm mà còn cho tính mạng của người tham gia giao thông khác.
Trong hầu hết các vụ việc đi ngược chiều trên cao tốc, tài xế khi bị xử lý vi phạm đều đưa ra các lý do như: đi sai đường, không chú ý biển báo, đi theo bản đồ nên bị nhầm… Nhưng theo ông Thanh, đây chỉ là sự ngụy biện, bởi những kiến thức căn bản này đều phải nắm được khi tham gia đào tào, sát hạch giấy phép lái xe. "Cầm vô lăng lái xe ra đường mà nói không biết, không hiểu luật là sự vô trách nhiệm", ông nói.
Có ý kiến đề nghị tiếp tục tăng chế tài xử lý với hành vi đi ngược chiều trên cao tốc, để tăng sự răn đe. Ông Thanh cho rằng, cứ tăng mãi cũng không phải là cách, thay vào đó nên tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, từ khâu đào tạo, sát hạch cho đến xử lý vi phạm.
"Phải xử nghiêm, công khai rộng rãi các trường hợp sai luật, thậm chí xây dựng chương trình truyền thông riêng biệt về giao thông trên cao tốc, để "ăn sâu" vào nhận thức của mỗi tài xế", ông Thanh kiến nghị.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường ứng dụng công nghệ (phạt nguội) và huy động tố giác từ người tham gia giao thông, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý triệt để mọi hành vi vi phạm. Không ít tài xế vi phạm vì thấy không có CSGT hoặc camera giám sát, tin rằng sẽ không bị xử lý, "nhưng nếu họ biết chắc chắn không thể thoát, tự khắc sẽ sợ bị phạt mà không dám đi sai", ông nói.
Cục CSGT cho hay, để chấn chỉnh và hình thành thói quen tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông.
Việc xử lý vi phạm theo phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", từ đó tạo lập và hình thành văn hóa tham gia giao thông văn minh, hiện đại và an toàn.