Tham dự hội thảo có ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM; ông Trần Ninh Đông, quyền Trưởng phòng quản lý sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, Sở KH-CN TP.HCM và các đại diện trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…
Ông Lâm Đình Thắng cho hay, TP.HCM là tỉnh thành đầu tiên có chương trình chuyển đổi số cả nước. Đây là minh chứng cụ thể TP.HCM thực sự xem khoa học công nghệ là động lực phát triển chính của thành phố trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 57 là điều kiện thuận lợi và cú hích cho thành phố tiếp tục chiến lược của mình trong giai đoạn phát triển sắp tới.
"TP.HCM thật sự cầu thị và muốn lắng nghe những chuyên gia, nhà khoa học góp ý cho thành phố làm như thế nào, đi con đường nào, giải pháp như thế nào để đi nhanh và có hiệu quả", ông Thắng nói.
Theo xếp hạng của Startup Blink năm 2024, TP.HCM xếp hạng 111/1.000 thành phố. Hiện, TP.HCM đặt ra mục tiêu lọt vào nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.
"Mục tiêu, khát vọng của thành phố không phải chỉ là thứ hạng, đây là cải thiện toàn bộ môi trường đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở TP.HCM. Để chính người trong cuộc đánh giá, cải thiện nội lực và tổ chức quốc tế ghi nhận khách quan thành phố có sự tiến bộ", ông Thắng chia sẻ.
Ngoài ra, theo báo cáo của Sở KH-CN TP.HCM, các tiêu chí đổi mới sáng tạo của TP.HCM đến năm 2030, gồm:
Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp; tỷ lệ khai thác thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt 8 - 10%; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm; hình thành 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; nhóm 3 tỉnh, thành đứng đầu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Ông Lâm Đình Thắng phát biểu tại hội thảo giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM đến năm 2030
ẢNH: UYỂN NHI
Cơ chế "1 cửa"
Để làm được các mục tiêu, TP.HCM tập trung vào 3 lĩnh vực: chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Về chính sách, ông Thắng nói trọng tâm không nằm ở việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đơn thuần, mà là đề xuất một cơ chế "1 cửa" dành riêng cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Theo đó, khi một cá nhân hoặc doanh nghiệp muốn đầu tư, phát triển trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại TP.HCM, họ chỉ cần làm việc với một đầu mối tiếp nhận duy nhất. Đầu mối này sẽ chịu trách nhiệm phối hợp, luân chuyển hồ sơ nội bộ đến các cơ quan chức năng liên quan để xử lý nhanh chóng các thủ tục.
"Đây là mô hình lớn của thành phố, nhằm tái tổ chức quy trình làm việc và thủ tục hành chính để hỗ trợ hiệu quả cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo", ông Thắng nhấn mạnh.
Về hạ tầng, TP.HCM khánh thành và đưa vào hoạt động tòa nhà Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM, nền tảng H.OIP.
Cuối cùng, về nguồn nhân lực, TP.HCM sẽ thí điểm mô hình đại học khởi nghiệp ở TP.HCM giai đoạn 2025 - 2028; xây dựng và nâng cao năng lực các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường giáo dục và hướng nghiệp.
Theo báo cáo của Sở KH-CN TP.HCM, năm 2024, từ chính sách hỗ trợ khởi nghiệp theo Nghị quyết 20/2023 của HĐND TP.HCM, Sở đã tiếp nhận 2 đợt hồ sơ với 20 hồ sơ đăng ký. Qua đó tuyển chọn 233 dự án (209 dự án tiền ươm tạo/ươm tạo; 24 dự án tăng tốc) với kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 22 tỉ đồng.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo năm 2024 thu hút 2.813 dự án đăng ký qua các cuộc thi/chương trình ươm tạo và dự kiến hỗ trợ ươm tạo 202 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Khắc Việt Bách, Giám đốc Quỹ đầu tư BlockBase, đề xuất nên có các chương trình đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp thay vì chỉ tổ chức các Workshop đơn lẻ.
Ông Bách cũng nhấn mạnh việc nhà nước cần cấp học bổng trực tiếp đến các trường đại học để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUp, cho rằng TP.HCM cần xây dựng một hệ thống “Launchpad” (nghĩa là bệ phóng - PV) đa dạng với các chính sách thiết thực, hỗ trợ đa dạng nguồn vốn, dễ tiếp cận và thúc đẩy kết nối quốc tế.
Đồng thời, khuyến khích sự tham gia tích cực từ các tập đoàn lớn và doanh nghiệp tư nhân trong hệ sinh thái…