HỒ SƠ NHIỀU, ÁP LỰC LỚN
Hơn 11 giờ ngày 6.7, khu vực chờ của Trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) P.Bến Thành (TP.HCM) vẫn còn hơn 10 người dân chờ hoàn thành thủ tục. Đa phần người dân đến làm hồ sơ sao y, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân, xác nhận hộ nghèo… Công chức giải quyết công việc không ngơi tay, nhận hồ sơ xong chuyển phòng chuyên môn, trình lãnh đạo UBND phường ký rồi trả kết quả cho người dân. Dù khối lượng hồ sơ lớn, nhiều việc mới nhưng cán bộ, công chức phường nỗ lực xử lý nhanh nhất, trả kết quả đúng hẹn cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Lãnh đạo nhiều phường, xã ở TP.HCM đề xuất ủy quyền cho trung tâm phục vụ hành chính công để chủ động xử lý nhanh hồ sơ. Trong ảnh: Tiếp nhận hồ sơ của người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công P.Cát Lái
ẢNH: SỸ ĐÔNG
Bà Mai Thị Hồng Hoa, Chủ tịch UBND P.Bến Thành, cho biết chỉ tính riêng 3 ngày đầu vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, P.Bến Thành giải quyết gần 400 hồ sơ sao y, tính trung bình hơn 130 hồ sơ/ngày, chưa kể các hồ sơ hộ tịch khác. Theo quy định hiện hành, người ký kết quả hồ sơ là lãnh đạo UBND phường, gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch, trong đó có 1 người kiêm giám đốc TTPVHCC. Bà Hoa chia sẻ trong tuần đầu, Thường trực UBND phường thay phiên nhau ký thì có thể đảm đương được, nhưng về lâu dài sẽ có ảnh hưởng do còn nhiều công việc điều hành khác.
Theo khảo sát của PV Thanh Niên tại nhiều phường, xã, số lượng hồ sơ hành chính và khối lượng công việc gia tăng khi bộ máy đi vào vận hành ổn định. Ông Võ Thành Tới, Phó giám đốc TTPVHCC P.An Đông (TP.HCM), cho biết mỗi ngày tiếp nhận khoảng 300 hồ sơ, phần lớn là sao y, chứng thực, hộ tịch. Khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, P.An Đông dự báo một số lĩnh vực nhiều hồ sơ để bố trí 2 quầy tiếp nhận gồm một quầy cho sao y - chứng thực, người có công, hộ tịch; quầy còn lại cho các lĩnh vực không có thủ tục thường xuyên.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND P.Cát Lái (TP.HCM) cho biết tính đến ngày 11.7, phường giải quyết khoảng 1.500 hồ sơ thì đến 80% là hồ sơ sao y, chứng thực, hộ tịch. Do chưa được phân cấp nên hồ sơ hành chính sử dụng con dấu của UBND phường, trong khi cả phường chỉ có 1 con dấu, nên công chức thụ lý phải tốn thời gian di chuyển từ TTPVHCC qua bộ phận văn thư.
Giám đốc TTPVHCC một phường khu vực trung tâm TP.HCM cho biết những ngày đầu tháng 7.2025, có ngày ký gần 800 hồ sơ. Vị này chia sẻ công việc thường ngày của chủ tịch phường khá nhiều, gồm cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy, cuộc họp của UBND phường, các cuộc họp triển khai từ cấp sở xuống, cuộc họp với các khu phố, giải quyết hồ sơ hành chính của người dân, DN. Dù đã phân công bớt nhiệm vụ cho cấp phó nhưng khối lượng công việc 2 phó chủ tịch UBND phường cũng khá nặng do nhân sự ít trong khi thẩm quyền lại tăng hơn trước đây, tương đương công việc của cấp quận và cấp phường cộng lại.
Mới đây, UBND TP.HCM công bố 2.168 thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa cấp tỉnh và cấp xã, trong đó có 1.862 thủ tục cấp TP, 363 thủ tục cấp xã và 9 thủ tục của cơ quan khác, có 60 thủ tục được thực hiện vừa cấp TP, vừa cấp xã. Theo thống kê, lĩnh vực nông nghiệp và môi trường có nhiều thủ tục nhất (342 thủ tục), kế đến là công thương (257), xây dựng (239), tư pháp (208), ít nhất là thanh tra với 13 thủ tục. TP.HCM cũng ban hành 2 thủ tục liên thông điện tử gồm: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; và thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.

Công chức Trung tâm phục vụ hành chính công P.Xuân Hòa (TP.HCM) hướng dẫn người dân làm hồ sơ đăng ký kinh doanh
Ảnh: Sỹ Đông
ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, ỦY QUYỀN
Phần lớn các TTHC của quận, huyện trước đây đều phân cấp, phân định trách nhiệm về cho UBND cấp xã càng đòi hỏi việc giao quyền, ủy quyền cho TTPVHCC nhiều hơn, kịp thời hơn để giải quyết nhanh công việc của người dân, DN. Trong bối cảnh khối lượng hồ sơ hành chính tiếp tục gia tăng, lãnh đạo UBND P.Cát Lái đề xuất sớm ban hành quy chế cho phép phân cấp, ủy quyền về TTPVHCC giải quyết những hồ sơ trả kết quả trong ngày như sao y, chứng thực, hộ tịch... Đồng thời, bố trí một cán bộ chuyên trách làm giám đốc TTPVHCC để Thường trực UBND phường tập trung công tác điều hành, phát triển KT-XH, nhất là những địa bàn rộng, dân số đông, hoạt động kinh tế sôi động.
Ông Võ Thành Tới, Phó giám đốc TTPVHCC P.An Đông, đồng tình với phương án ủy quyền việc ký sao y, chứng thực về cho TTPVHCC nhằm giảm tải công việc cho Thường trực UBND phường. "Nếu được ủy quyền, người dân chỉ cần ngồi chờ khoảng 15 phút là có kết quả", ông Tới nói thêm.
Bà Nguyễn Diệp Bích Hạnh, Phó chủ tịch UBND P.Bến Thành, nhận định việc ủy quyền cho TTPVHCC, sử dụng con dấu của trung tâm sẽ tạo sự đồng bộ từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả cho người dân, thời gian giải quyết cũng nhanh hơn. Theo tìm hiểu, luật đã cho phép ủy quyền nhưng các phường, xã vẫn đang chờ Sở Tư pháp hướng dẫn chung để áp dụng thống nhất cho 168 phường xã, đặc khu toàn TP.HCM. Cũng theo bà Hạnh, việc phân cấp, ủy quyền phải song song với kiện toàn bộ máy để vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Khi 3 tỉnh, thành nhập lại, người dân được trực tiếp giải quyết hồ sơ hành chính nhanh nhất thì chỉ có cấp phường, xã; nếu phải đi về cấp tỉnh thì sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí đi lại.
Đối với người dân, nhận kết quả đúng hẹn hoặc sớm hơn là yếu tố đầu tiên khi đánh giá sự hài lòng về chất lượng phục vụ hành chính. Do vậy, việc rút ngắn thời gian giải quyết TTHC khi bỏ khâu trung gian cấp huyện như trước đây được nhiều bộ, ngành quan tâm khi xây dựng bộ TTHC. Đơn cử như thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài, Bộ Tư pháp đã rút gọn từ 10 ngày làm việc (khi còn cấp quận) còn 5 ngày làm việc. Nhiều lãnh đạo phường cho biết trong quá trình vận hành thực tiễn, từng bộ phận sẽ nghiên cứu những khâu, quy trình nội bộ có thể rút gọn hơn để kiến nghị cắt giảm.
GIAO VIỆC SONG HÀNH NÂNG TẦM CÁN BỘ
Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho rằng để giảm tải cho lãnh đạo cấp phường, xã và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC cho nhân dân, thủ tục sao y, chứng thực nên được phân cấp, ủy quyền cho TTPVHCC giải quyết, ký luôn với điều kiện tuân thủ pháp lý. "Việc phân cấp, ủy quyền nếu được thực hiện bài bản và có lộ trình cụ thể sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân tại TP.HCM", ông Đức nhìn nhận.
Đồng tình với việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, song ông Lê Minh Đức lưu ý việc này chỉ hiệu quả khi trình độ, năng lực, cơ sở vật chất của cán bộ, công chức tương xứng với thẩm quyền được giao. Việc phân cấp, ủy quyền mà không đi kèm với việc nâng cao năng lực cán bộ và đầu tư cơ sở vật chất sẽ giống như việc giao một chiếc xe đua cho người không biết lái hoặc lái trên đường gồ ghề, không những không phát huy được tốc độ mà còn dễ gây tai nạn. Vì vậy, để việc phân cấp, ủy quyền thành công và bền vững, cần có một chiến lược đồng bộ.
"Không thể chỉ đơn thuần giao việc mà không đi kèm nâng tầm người thực hiện và trang bị công cụ cho cán bộ, công chức", ông Đức phân tích, đồng thời nhấn mạnh việc đầu tư vào con người và cơ sở vật chất là một phần không thể tách rời của quá trình phân cấp, ủy quyền. Đây chính là chìa khóa để đảm bảo rằng việc giảm tải cho cấp trên thực sự mang lại hiệu quả, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Về năng lực cán bộ, công chức, bà Mai Thị Hồng Hoa cho biết đội ngũ nhân sự làm việc tại TTPVHCC của phường đạt chuẩn về năng lực, có khả năng tham mưu hồ sơ tiếp nhận ban đầu khi trình ký. Nhân sự trưởng phòng, phó ban chuyên môn được lựa chọn chặt chẽ, nắm vững nghiệp vụ nên hoàn toàn đảm bảo chất lượng nếu được ủy quyền. "Trong trường hợp UBND TP.HCM cho phép ủy quyền từ chủ tịch UBND phường xuống công chức tư pháp - hộ tịch có kinh nghiệm trên 3 năm như trước đây thì phường vẫn có nhân sự đáp ứng yêu cầu", bà Hoa chia sẻ thêm.
Phục vụ là trên hết
Để xây dựng TTPVHCC thành "trung tâm của nền hành chính phục vụ", mang lại sự hài lòng tối đa cho người dân và xứng đáng là diện mạo của nền hành chính hiện đại, cần quan tâm cải thiện đồng bộ nhiều vấn đề. Trong đó, cần đảm bảo các quy định về thẩm quyền, quy trình giải quyết TTHC tại TTPVHCC rõ ràng, minh bạch, thuận lợi nhất cho người dân. Các quy định về phân cấp, ủy quyền cần được cụ thể hóa và có cơ sở pháp lý vững chắc. Đặc biệt, cán bộ, công chức cần phải thay đổi tư duy và thái độ phục vụ thân thiện, chuyên nghiệp hơn với tinh thần "lấy người dân làm trung tâm", "phục vụ là trên hết". Ngoài ra, hệ thống thông tin giải quyết TTHC đảm bảo kết nối thông suốt giữa các sở, ban, ngành, địa phương, cho phép tra cứu thông tin, theo dõi tiến độ hồ sơ trực tuyến nhanh chóng.
Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM
Nhắc việc để trả kết quả đúng hạn
Theo khảo sát tại các TTPVHCC, việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP.HCM. Các hồ sơ người dân, DN nộp trực tuyến hay trực tiếp đều được cập nhật lên hệ thống, lãnh đạo phường theo dõi được việc phân bổ về từng phòng chuyên môn, công chức thụ lý giải quyết.
Tại TTPVHCC P.Cát Lái, một công chức được phân công làm công tác kiểm soát TTHC, chuyên theo dõi tiến độ thụ lý của các phòng chuyên môn. Công chức phòng chuyên môn được khuyến khích thụ lý hồ sơ trong thời gian sớm nhất, khoảng trong vòng 6 giờ kể từ khi TTPVHCC chuyển về. Trong trường hợp quá 8 giờ mà hồ sơ chưa được thụ lý, công chức TTPVHCC sẽ nhắc trên hệ thống. Tương tự, trước 2 ngày đến hạn trả kết quả, công chức này cũng sẽ làm động thái nhắc việc để phòng chuyên môn chủ động rà soát hồ sơ, trả kết quả đúng hạn.

2.168 thủ tục tại TP.HCM tập trung ở lĩnh vực nào ?
Nguồn: UBND TP.HCM - ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN