Bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã

Sáng 12.2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh

ẢNH: GIA HÂN


Ông Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo luật sẽ bãi bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã, nhằm đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách, Bộ Tư pháp cho biết từ năm 2016 - 2023, số lượng văn bản quy phạm pháp luật do cấp xã ban hành tại Việt Nam là rất khác nhau.

Trong 8 năm này, 21/63 tỉnh có cấp xã không ban hành nghị quyết; 17/63 tỉnh có cấp xã không ban hành quyết định; một số tỉnh, cấp xã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật nào. Ngược lại, tại một số tỉnh, cấp xã còn ban hành số lượng khá lớn văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp nhận định, ở cấp xã người làm công tác xây dựng pháp luật vừa thiếu về số lượng, vừa thiếu kiến thức và kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Thực tế trên cho thấy việc bãi bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã là cần thiết.

Song song với bãi bỏ thẩm quyền của cấp xã, dự thảo luật bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật, bên cạnh hình thức nghị định như bấy lâu nay.

Khắc phục "độ trễ" so với thực tiễn

Liên quan đến dự án luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), một nội dung được nhiều người quan tâm, đó là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn có "độ trễ" nhất định, dẫn đến tình trạng nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết để khắc phục "độ trễ" của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật so với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, dự thảo luật đưa ra 2 nhóm giải pháp.

Thứ nhất là đổi mới căn bản quy trình lập chương trình xây dựng pháp luật để bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời phản ứng chính sách.

Luật sửa đổi tách quy trình xây dựng chính sách ra khỏi chương trình lập pháp hằng năm để giao cho Chính phủ hoặc cơ quan trình chịu trách nhiệm nghiên cứu, thông qua chính sách làm cơ sở cho việc quy phạm hóa văn bản luật trước khi trình Quốc hội.

Cùng với đó, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chương trình lập pháp hằng năm theo nguyên tắc chỉ đưa vào chương trình những dự án được Chính phủ hoặc cơ quan trình xây dựng bảo đảm chất lượng.

Thứ hai là dự thảo luật quy định quy trình thông qua các đạo luật trong 1 kỳ họp.

Đặc biệt, dự thảo quy định rõ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục rút gọn và bổ sung quy trình thông qua văn bản trong trường hợp đặc biệt đối với các dự án, dự thảo văn bản xử lý các tình huống khẩn cấp và quan trọng quốc gia sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao