Áp dụng thời điểm tính bảng giá đất mới: mỗi nơi một kiểu

Nghệ An khác với TP.HCM, Hà Nội

Liên quan đến vụ việc một gia đình ở Nghệ An chuyển 300 m2 đất vườn sang đất ở bị tính thuế gần 4,5 tỉ đồng, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025 của tỉnh Nghệ An tổ chức chiều 14.7, phóng viên Báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi về việc áp dụng bảng giá đất mới.

Phóng viên nêu câu hỏi vì sao trong các quyết định ban hành bảng giá đất mới của tỉnh Nghệ An áp dụng từ ngày 21.5 vừa qua, không có điều khoản chuyển tiếp.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Duy Nhật, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An, cho rằng trách nhiệm của chính quyền địa phương không có thẩm quyền quy định điều khoản chuyển tiếp. Do đó, theo ông Nhật, thời điểm tính thuế là thời điểm cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Áp dụng thời điểm tính bảng giá đất mới: mỗi nơi một kiểu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Nhật, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An trả lời tại buổi họp báo

ẢNH: K.HOAN

Nghĩa là, người dân nộp đầy đủ hồ sơ trước thời điểm bảng giá đất mới có hiệu lực áp dụng vẫn có thể bị áp mức thuế theo bảng giá đất cao gấp nhiều lần. Điều này lại trái ngược với các quyết định của UBND TP.HCM và UBND TP.Hà Nội, UBND TP.Đà Nẵng… quy định bảng giá đất mới.

Quyết định số 79/2024 ngày 21.10.2024 của UBND TP.HCM quy định bảng giá đất mới có điều khoản chuyển tiếp (điều 3), quy định: "Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất trước thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành, giá đất để tính nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai được tiếp tục thực hiện theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ".

Tương tự, Quyết định số 71/2024 của UBND TP.Hà Nội, Quyết định số 45 ngày 26.5.2025 của UBND TP.Đà Nẵng, Quyết định số 73 ngày 31.12.2024 của UBND tỉnh Quảng Ngãi… cũng có điều khoản chuyển tiếp quy định như trên.

Điều này giúp cho cơ quan chức năng dễ thực hiện và người dân được hưởng lợi khi đã nộp đầy đủ hồ sơ trước thời điểm bảng giá đất mới có hiệu lực. 

Cụ thể, tại TP.HCM, một người dân ở TP.Thủ Đức đã được xem xét áp dụng điều khoản chuyển tiếp này và được tính mức thuế ở thời điểm nộp hồ sơ (trước khi bảng giá mới có hiệu lực áp dụng) và chỉ phải đóng khoảng 1 tỉ đồng thay vì 5,45 tỉ đồng nếu áp theo bảng giá đất mới.

Ông Nguyễn Duy Nhật cũng cho rằng, câu chuyện gia đình bà Nguyễn Thị Hồng chuyển 300 m2 phải nộp gần 4,5 tỉ đồng tiền thuế mà Báo Thanh Niên và các báo đã phản ánh là vấn đề sát thực tiễn, được dư luận, bộ ngành đều quan tâm.

Theo ông Nhật, trước đây, Nghị định 45 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật Đất đai năm 2013, quy định chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao gắn liền với thửa đất ở chỉ nộp 50% tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Còn Nghị định 103/2024 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật Đất đai năm 2024 thì quy định nộp 100% thuế chuyển mục đích.

Áp dụng thời điểm tính bảng giá đất mới: mỗi nơi một kiểu - Ảnh 2.

300 m2 đất của gia đình bà Hồng ở P.Vinh Lộc, Nghệ An phải nộp gần 4,5 tỉ đồng tiền chuyển từ đất vườn sang đất ở

ẢNH: K.HOAN

Hiện nay, tỉnh Nghệ An cùng với một số địa phương trong cả nước đã đề xuất Chính phủ sửa đổi nội dung này. Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì tham mưu Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 103, đã đưa vào dự thảo điều chỉnh sửa quy định chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao gắn liền với thửa đất ở trong hạn mức là 30% và ngoài hạn mức là 50%.

"Đối với trường hợp cha mẹ chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tặng cho con cái không thể tính mức thuế cào bằng. Chúng ta cần có chính sách hợp lý, tạo chỗ ở hợp pháp cho người dân nhưng cũng cần phải có ràng buộc tránh chuyện trục lợi khi chuyển nhượng", ông Nhật nói.

Cần đảm bảo tính công bằng

Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp Trị, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho rằng việc quy định điều khoản chuyển tiếp trong bảng giá đất mới tại các địa phương dù không có văn bản nào quy định bắt buộc phải ban hành, nhưng dựa trên quy định của luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương thì xây dựng điều khoản chuyển tiếp là rất cần thiết.

"Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đều quy định rất cụ thể điều khoản chuyển tiếp theo hướng người dân nộp hồ sơ, có giấy biên nhận thì được hưởng việc áp dụng bảng giá đất cũ thấp hơn bảng giá đất mới. Một số địa phương, trong đó có tỉnh Nghệ An không quy định điều khoản chuyển tiếp đã khiến người dân bị thiệt hại quyền lợi nghiêm trọng", luật sư Lực nói.

Áp dụng thời điểm tính bảng giá đất mới: mỗi nơi một kiểu - Ảnh 3.

Phiếu tiếp nhận hồ sơ của gia đình bà Hồng lập trước thời điểm bảng giá đất mới của Nghệ An có hiệu lực 5 ngày nhưng vẫn phải tính thuế theo giá đất mới

ẢNH: K.HOAN

Luật sư Lực dẫn chứng, trường hợp ông Đặng Hữu Phước ở TP.HCM khi chuyển đổi 224 m2 đất vườn sang đất ở đã nhận được thông báo đóng tiền chuyển đổi mục đích lên tới 5,45 tỉ đồng. Sau đó, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Thủ Đức đã tính lại tiền đất cho ông Phước tại thời điểm nộp hồ sơ, theo giá đất cũ và chỉ phải đóng khoảng 1 tỉ đồng. 

Còn với bà Nguyễn Thị Hồng ở Nghệ An, do UBND tỉnh Nghệ An không quy định điều khoản chuyển tiếp trong quy định về giá đất mới nên phải nộp 4,5 tỉ đồng thay vì theo bảng giá đất cũ chỉ phải nộp khoảng 600 triệu đồng.

"Tình trạng lập quy, xây dựng văn bản pháp quy thiếu đồng đều, mỗi địa phương mỗi kiểu thể hiện sự thiếu tính hệ thống, thiếu thống nhất. Địa phương nào quan tâm sâu sát quyền lợi người dân thì người dân được lợi, địa phương nào bỏ ngỏ điều này thì người dân có phần thiệt thòi", luật sư Lực cho hay.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao