Bộ Tư pháp cho biết, trong 6 tháng qua (từ 1.10.2024 đến hết tháng 3.2025), các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 255.261 việc, đạt tỉ lệ gần 51%.
Số tiền thi hành xong đạt hơn 57.683 tỉ đồng, tăng gần 10.088 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2024.
Riêng với thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng và kinh tế, Bộ Tư pháp phản ánh "đạt kết quả đáng khích lệ". Các cơ quan đã thi hành xong 2.061 việc với số tiền gần 9.800 tỉ đồng.

Bộ Tư pháp nhận định, vụ án Vạn Thịnh Phát là đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng có trong tiền lệ
ẢNH: T.N
Bộ Tư pháp cho hay, so với những năm trước, công tác thi hành án dân sự thời gian qua phải giải quyết nhiều bài toán. Đó là việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; số việc, số tiền phải thi hành đều tăng; vướng mắc, phát sinh do cơ quan phối hợp đã bị giải thể hoặc sáp nhập; nhiều vụ việc giá trị phải thi hành án đặc biệt lớn, số lượng đương sự lên đến hàng chục nghìn người...
Dù vậy, toàn hệ thống thi hành án dân sự đã khắc phục khó khăn, đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt nhằm duy trì sự ổn định. Kết quả như đã nêu, thi hành xong về tiền tăng cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ thi hành.
Trong công tác thu hồi tài sản từ án tham nhũng và kinh tế, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tham mưu Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp (nay là Đảng ủy Bộ Tư pháp) ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 77 của Bộ Chính trị về "Đề án phương án, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố".
Cùng đó là có văn bản đề nghị UBND TP.Đà Nẵng phối hợp xử lý tài sản Sân vận động Chi Lăng (trong vụ Phạm Công Danh), các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đối với các vụ việc thuộc Ban chỉ đạo T.Ư theo dõi (vụ án Giang Kim Đạt, Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, Công ty AIC...).
Bộ Tư pháp nhấn mạnh đến vụ án Vạn Thịnh Phát, được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng có trong tiền lệ. Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM rà soát, dự liệu các khó khăn để đề xuất lãnh đạo bộ chỉ đạo kịp thời.
Điển hình như ban hành kế hoạch tổ chức thi hành vụ việc; liên tục tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc với các cơ quan thi hành án dân sự, họp liên ngành T.Ư; tham mưu Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng thành lập ban chỉ đạo liên ngành để tổ chức thi hành vụ việc…