Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay 21.1 tuyên bố vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ nên được tăng cường chứ không nên bị làm suy yếu, theo Reuters. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ WHO trong việc thực hiện các trách nhiệm của tổ chức này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach hôm nay tuyên bố Đức sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống Trump từ bỏ quyết định rút Mỹ khỏi WHO.
Tổng thống Trump 'né' chủ đề gì trong bài diễn văn nhậm chức hoành tráng?
Ông Lauterbach cảnh báo: "Tuyên bố rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới của tân Tổng thống Mỹ là một đòn nghiêm trọng vào cuộc chiến quốc tế chống lại các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu". Ông cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông Donald Trump xem xét lại quyết định này".
Ngoài sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO, Tổng thống Trump ngày 20.1 còn ký sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. "Mỹ sẽ không phá hoại các ngành công nghiệp của mình trong khi Trung Quốc gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt", ông Trump nói trước khi ký sắc lệnh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn hôm nay cho hay Trung Quốc lo ngại về việc Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Ông Quách khẳng định Trung Quốc đang tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu và sẽ cùng nhau thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và carbon thấp trên toàn cầu.
Mỹ hiện là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và việc nước này rút lui làm suy yếu tham vọng toàn cầu nhằm cắt giảm lượng khí thải đó, theo Reuters.
Dù ông Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vẫn tin tưởng rằng các thành phố, tiểu bang và doanh nghiệp Mỹ "sẽ tiếp tục thể hiện tầm nhìn và vai trò lãnh đạo bằng cách nỗ lực vì tăng trưởng kinh tế ít carbon, bền vững, tạo ra nhiều việc làm chất lượng", theo phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Florencia Soto Nino.
"Điều quan trọng là Mỹ vẫn là nước đi đầu trong các vấn đề môi trường. Những nỗ lực chung theo Thỏa thuận Paris đã tạo nên sự khác biệt nhưng chúng ta cần phải cùng nhau tiến xa hơn và nhanh hơn nữa", bà Nino nhấn mạnh.
Mỹ phải chính thức thông báo cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres về việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu và theo các điều khoản của thỏa thuận, việc rút lui sẽ có hiệu lực một năm sau đó.