Vì lợi ích bảo vệ thế giới
Nhóm cố vấn khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nguồn gốc của các tác nhân gây bệnh mới (gọi tắt: SAGO), gồm 27 chuyên gia quốc tế độc lập, đa ngành, vừa công bố báo cáo mới nhất về nguồn gốc của SARS-CoV-2, vi rút gây ra đại dịch Covid-19. "Trọng tâm của các bằng chứng có sẵn cho thấy sự lây lan từ động vật sang người, trực tiếp từ dơi hoặc thông qua vật chủ trung gian", theo báo cáo.
Trước đó, SAGO đã công bố những phát hiện và khuyến nghị ban đầu trong một báo cáo vào ngày 9.6.2022. Báo cáo mới nhất cập nhật đánh giá đó dựa trên các thông tin chưa công bố và các nghiên cứu thực địa, phỏng vấn.

4 loài dơi móng ngựa đã ghi nhận mang các chủng vi rút Corona gần giống SARS-CoV-1 và SARS-CoV-2
ẢNH: TƯ LIỆU VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VN
Tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Y tế thế giới vào cuối năm 2020, các quốc gia thành viên của WHO đã thông qua nghị quyết đề nghị WHO nghiên cứu nguồn gốc của SARS-CoV-2. Tháng 7.2021, SAGO chính thức ra mắt với 2 nhiệm vụ: (1) thiết kế một khuôn khổ toàn cầu để điều tra nguồn gốc của các tác nhân gây bệnh mới nổi và tái phát; (2) áp dụng khuôn khổ đó để đánh giá bằng chứng khoa học nhằm xác định nguồn gốc của Covid-19.
Theo WHO, hiểu được nguồn gốc của SARS-CoV-2 và cách nó gây ra đại dịch là điều cần thiết để giúp ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai. WHO và SAGO cam kết xem xét bất kỳ thông tin mới nào nếu có, sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ bằng chứng nào về nguồn gốc của Covid-19. SAGO nỗ lực nghiên cứu về nguồn gốc của Covid-19, nhưng đến thời điểm hiện tại, phần lớn thông tin cần thiết để đánh giá đầy đủ mọi giả thuyết vẫn chưa được cung cấp. Mọi giả thuyết đều phải được đưa ra thảo luận, bao gồm cả sự lan truyền từ động vật sang người và rò rỉ trong phòng thí nghiệm. WHO kêu gọi bất kỳ quốc gia nào có thông tin về nguồn gốc của Covid-19 tiếp tục chia sẻ thông tin đó một cách công khai, vì lợi ích bảo vệ thế giới khỏi các đại dịch trong tương lai.
WHO công bố báo cáo mới về nguồn gốc Covid-19, kêu gọi Trung Quốc thông tin thêm
VN nghiên cứu về Covid-19
Trong nước, đã có một số nghiên cứu về mối liên quan giữa kiểu gien SARS-CoV-2 với đặc điểm lâm sàng ở bệnh nhân (BN) Covid-19. Trong đó, một nghiên cứu phân tích kết quả giải trình tự hệ gien SARS-CoV-2 ở 700 BN Covid-19 tại bệnh viện tuyến T.Ư (700 mẫu lấy từ tháng 1.2021 - 5.2022). Trong 700 mẫu có 50 mẫu nhiễm biến thể Alpha, 350 mẫu nhiễm Delta và 300 mẫu nhiễm Omicron.
Theo nghiên cứu, nhóm BN nhiễm biến thể Alpha có triệu chứng lâm sàng phổ biến là tiêu chảy. Triệu chứng đau họng và ho khan ưu thế hơn ở nhóm nhiễm biến thể Omicron. Nhóm nhiễm biến thể Delta đặc trưng là rối loạn khứu giác, vị giác và khó thở; đồng thời có nguy cơ diễn biến nặng, nguy kịch và tỷ lệ tử vong cao.
Các giám sát gần đây nhất tại VN (tháng 6.2025) cho thấy lưu hành chủ yếu gây Covid-19 là chủng NB.1.8.1 chiếm 87,5% trong các ca bệnh Covid-19 tại Hà Nội (tương đồng với kết quả giám sát tại khu vực miền Bắc và TP.HCM).
NB.1.8.1 được phát hiện năm 2025, là biến chủng phụ của biến chủng XDV.1. NB.1.8.1 thuộc dòng Omicron JN.1, được hình thành từ tái tổ hợp gien giữa biến chủng JN.1 và biến chủng XDE. NB.1.8.1 có thể lây truyền hơn các biến thể trước đó, với các triệu chứng thường gặp là: đau họng, ho nhẹ, sốt, đau nhức cơ, nghẹt mũi.