Theo đó, hàng hóa từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia xuất sang Mỹ sẽ chịu thuế 25%; Nam Phi, Bosnia và Herzegovina 30%; Indonesia 32%; Bangladesh và Serbia 35%; Campuchia và Thái Lan 36%; Lào và Myanmar 40%. Hầu hết mức thuế mới đều thấp hơn hoặc tương đương mức được công bố hôm 2.4, theo CNBC.
Ông Trump: Hạn chót áp thuế không đổi, 'tiền khủng' sẽ vào ngân khố
Đồng thời, Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh dời thời hạn áp thuế từ ngày 9.7 sang ngày 1.8. Ông cho biết có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy vào tình hình. Nếu nước nào áp thuế đáp trả Mỹ, phần đó sẽ được cộng vào mức thuế nói trên. Chủ nhân Nhà Trắng kêu gọi công ty tại những nước nói trên sản xuất hàng hóa tại Mỹ để không bị đánh thuế.
Nhà lãnh đạo cũng lưu ý mức thuế đối ứng này là riêng biệt với các loại thuế ngành mà Mỹ đang áp dụng như thép, nhôm và ô tô. Thêm nữa, hàng hóa trung chuyển để né thuế sẽ bị đánh thuế cao hơn. Tổng thống Trump nói rằng mốc 1.8 có thể được cân nhắc lại nếu có tiềm năng đạt thỏa thuận với các nước. Trong khi đó, Nhà Trắng thông báo sẽ tiếp tục công bố thuế đối ứng với các đối tác khác trong những ngày tiếp theo.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt giơ bức thư thông báo thuế đối ứng của Mỹ gửi lãnh đạo Nhật Bản
Ảnh: Reuters
Hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tuyên bố chính phủ muốn tránh "một sự thỏa hiệp dễ dàng" và sẽ làm hết sức để bảo vệ lợi ích. Ông hy vọng Tokyo sẽ đạt thỏa thuận cùng có lợi với Washington. Đài NHK dẫn lời một quan chức Nhật nói sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ nhằm đạt thỏa thuận toàn diện, gồm thuế ô tô.
Cùng ngày, Chánh văn phòng tổng thống Hàn Quốc phụ trách chính sách Kim Yong-beom yêu cầu các bộ ngành liên quan dồn toàn lực cho việc đàm phán với Mỹ, "đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu", theo Yonhap. Trong cuộc gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick tại Washington D.C, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo yêu cầu phải đính kèm điều khoản miễn trừ hoặc giảm mức thuế 25% đối với ô tô và 50% đối với thép vào thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa hai nước.