Mới đây, Nhật Bản lần đầu thử tên lửa đối hạm Type-88 do nước này tự sản xuất và có tầm bắn hơn 100 km. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản phóng thử một tên lửa đối hạm tại nước này.

Nhật Bản thử nghiệm tên lửa Type-88 tại đảo Hokkaido của nước này hồi cuối tháng 6
Ảnh: JGSDF
Nỗ lực ngăn cản Trung Quốc
Tuy nhiên, tham vọng của Nhật Bản không chỉ dừng lại với loại tên lửa trên. Từ Type-88, Nhật Bản đang nâng cấp phiên bản đối hạm Type-12 có tầm bắn lên đến 1.000 km. Trong đó, Type-12 sẽ có cả phiên bản khai hỏa từ tàu ngầm và Nhật cũng đang hướng đến tự chủ về tên lửa chống hạm được phóng từ máy bay. Bộ Quốc phòng nước này cũng đã trao cho tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi hợp đồng phát triển các loại tên lửa dẫn đường đối hạm và tấn công mặt đất. Dự kiến hợp đồng sẽ từng bước hoàn thành vào năm 2028 và sớm triển khai. Từ năm ngoái, Nhật Bản cũng đã thử nghiệm tại Mỹ loại tên lửa siêu vượt âm có tốc độ Mach 5, tức nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh, đạt tầm bắn khoảng 800 km. Tốc độ Mach 5 cho phép tên lửa Nhật Bản có thể vượt qua nhiều hệ thống phòng thủ. Không dừng lại ở đó, Nhật Bản đang nâng cấp loại tên lửa này đạt tầm bắn đến 3.000 km.
Trả lời Thanh Niên vào hôm qua 8.7, GS Stephen Robert Nagy (ĐH Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận xét: "Các cuộc thử tên lửa của Nhật Bản là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm ngăn cản Trung Quốc theo đuổi một số mục tiêu dài hạn. Đầu tiên, Nhật Bản đang đầu tư vào các hệ thống phòng thủ tên lửa để ngăn chặn quân đội Trung Quốc nỗ lực quân sự nhằm thống nhất Đài Loan. Thứ 2, Nhật Bản lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng hải quân hoặc hỗn hợp tàu tuần duyên và tàu buôn để chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh và Tokyo đang tranh chấp. Đây là một điểm chiến lược trong chuỗi đảo thứ nhất vốn có thể giúp Nhật Bản hỗ trợ Đài Loan hoặc Philippines nếu xảy ra xung đột. Thứ 3, việc Nhật Bản thử tên lửa là một phần trong nỗ lực dài hạn nhằm chứng minh với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Tokyo đang rất coi trọng vấn đề an ninh của mình và không phải chỉ hưởng lợi khi dựa vào các đảm bảo an ninh của liên minh Mỹ - Nhật".
"Trong tương lai, Tokyo sẽ tiếp tục đầu tư vào các hệ thống an ninh quốc phòng để ngăn chặn Trung Quốc và cả CHDCND Triều Tiên", GS Nagy dự báo thêm.
Bước ngoặt về chính sách của Tokyo
Cũng trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá đây là lần đầu tiên Nhật Bản tiến hành phóng tên lửa tầm xa tại nước này. Trước nay, Nhật Bản tiến hành các cuộc huấn luyện về tên lửa như vậy tại Mỹ, nên sự thay đổi lần này thể hiện 3 điều quan trọng.
Đầu tiên, dù từng tránh phát triển tên lửa tầm xa, Nhật Bản đã quyết định phát triển loại tên lửa này vào năm 2020. Khi đó, nước này quyết định sở hữu khả năng phản công (có nghĩa là khả năng tấn công tầm xa) như một chính sách. Mặc dù Nhật Bản đã có kế hoạch nhập khẩu vũ khí tầm xa của Mỹ, nhưng giải pháp này không khả thi vì vấn đề chi phí. Nên Nhật Bản đã cải tiến tên lửa đất đối đất Type 12 hiện tại thành tên lửa có tầm bắn hơn 1.000 km được phóng từ mọi nơi trên bộ, trên biển và trên không. Và nước này đang có kế hoạch triển khai tên lửa đầu tiên vào năm 2025.
Thứ 2, Nhật Bản trước nay không phát triển tên lửa tầm xa vì các nước láng giềng lo ngại. Nhưng lần này, bất chấp sự chỉ trích của Nga, Nhật Bản vẫn phóng thử tên lửa đất đối hạm Type 88. Điều này cho thấy sự kiên quyết của Nhật Bản.
Thứ 3, đây là một phần trong động thái chiến lược của Nhật Bản đối với Mỹ, Úc và Ấn Độ. Gần đây, cả 4 nước đều cố gắng tăng cường năng lực tấn công. Như Úc, họ đang có kế hoạch sở hữu tàu ngầm hạt nhân có thể mang tên lửa Tomahawk. Ấn Độ đang phát triển nhiều loại tên lửa tầm xa. Nhiều bên trong khu vực như Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines… cũng đang theo đuổi năng lực tên lửa tầm xa. Nếu các bên đều sở hữu khả năng tên lửa tầm xa, Trung Quốc cần phải chia nhỏ chi tiêu quân sự của họ để phòng thủ trên nhiều mặt trận. Nên chiến lược trên của Nhật và các đồng minh, đối tác sẽ trở thành biện pháp răn đe hiệu quả đối với Trung Quốc.