Hộ kinh doanh gặp khó với hóa đơn đầu vào

Mua 10 đồng, hóa đơn xuất 1 đồng?

Theo phản ánh của nhiều hộ kinh doanh, trong khi họ tuân thủ việc xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng thì việc xuất hóa đơn ở khâu cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Khảo sát thực tế, chiều 5.7, chúng tôi đến khu vực bán vải sỉ lớn trên các tuyến đường quanh chợ Tân Bình, hỏi mua lượng lớn các loại vải linen, vải xô… các cửa hàng vải ở đây đều từ chối xuất hóa đơn điện tử. Lý do chưa hoàn thiện hệ thống xuất hóa đơn. Tại cửa hàng vải D. trên đường Phú Hòa (P.Bảy Hiền thuộc Q.Tân Bình cũ), người bán cho biết chỉ ghi hóa đơn bán hàng của cửa hàng. Khi chúng tôi yêu cầu hóa đơn điện tử, cửa hàng đưa hóa đơn được xuất bởi công ty nhập khẩu vải có địa chỉ trên đường Cộng Hòa với giá tiền thấp hơn nhiều giá trị giao dịch. Tương tự, cửa hàng vải A. trên đường Duy Tân (P.Bảy Hiền, Q.Tân Bình cũ) cũng cho biết chưa khởi tạo hóa đơn điện tử được và từ chối cấp hóa đơn đúng giá bán hàng. 

"Nếu cô muốn lấy hóa đơn, công ty nhập khẩu vải sẽ xuất nhưng đơn giá tính bằng ki lô gam vải và giá thấp hơn nhiều. Chịu thì chúng tôi bán, không thì thôi", người bán vải nói. Tại chợ bán sợi, phụ kiện thời trang Đại Quang Minh, khi được hỏi mua các loại sợi để đan len, tổng giá trị đơn hàng gần 6 triệu đồng, người bán cũng chỉ có hóa đơn bán hàng viết tay.

Hộ kinh doanh gặp khó với hóa đơn đầu vào- Ảnh 1.

Nhiều nơi bán hàng nguyên liệu đầu vào số lượng lớn vẫn "chưa quen" khởi tạo hóa đơn

ẢNH: LAM NGHI

Một số cơ sở may mặc cũng thừa nhận khi mua nguyên phụ liệu hay vải từ các cửa hàng bán vải lớn, nếu yêu cầu xuất hóa đơn điện tử, các cửa hàng đưa hóa đơn xuất từ công ty nhập khẩu vải, giá ghi trên hóa đơn chỉ bằng 1/10 giá bán thực tế. Ví dụ, một số loại vải linen, xô... giá in trên hóa đơn điện tử là 13.000 - 25.000 đồng/kg vải (mỗi kg vải khoảng 1,8 - 2,2 m, tùy loại), tức là chỉ khoảng 6.000 - 12.500 đồng/m, trong khi giá bán ra thực tế tại cửa hàng vải là 60.000 - 140.000 đồng/m, cao hơn gấp 10 lần.

Bà Kim Đán, chủ cơ sở may mặc tại P.Tăng Nhơn Phú (TP.Thủ Đức cũ, TP.HCM), thừa nhận mua vải tại các quầy sạp khu vực quanh chợ Tân Bình đều không có hóa đơn, cho dù mua số lượng lớn. "Các cửa hàng vải vẫn dùng quyển biên lai bán hàng in màu đỏ các dữ liệu tên sạp, địa chỉ, số điện thoại của sạp như lâu nay. Muốn có hóa đơn điện tử, cửa hàng lại chuyển cho một công ty có địa chỉ trên đường Cộng Hòa xuất hóa đơn. Giá trị đơn hàng thường cao gấp 5 - 10 lần trị giá được ghi trên hóa đơn điện tử", bà Kim Đán thông tin.

Ông N.V.B, chủ cơ sở may mặc lớn tại xã Tân An Hội (H.Củ Chi cũ, TP.HCM), cho hay từ khi có quy định đóng thuế theo hóa đơn đầu vào, cơ sở luôn tuân thủ việc xuất hóa đơn cho khách hàng. Song để có đủ hóa đơn mua hàng hóa vải vóc, phụ liệu để có cơ sở trình khi cơ quan quản lý kiểm tra là điều vô cùng khó khăn. 

"Lâu nay cơ sở mua vải tại chợ khu vực Phú Thọ Hòa, chợ Tân Bình (Q.Tân Bình cũ) hay Soái Kình Lâm (P.Chợ Lớn thuộc Q.5 cũ) thường có hóa đơn bán hàng, ghi đúng số mét vải và giá bán. Tuy nhiên, khi hỏi hóa đơn điện tử hợp lệ, cửa hàng bảo chưa xuất được do chưa hoàn thiện hệ thống. Trong khi chúng tôi may áo quần đưa hàng ra chợ và đi tỉnh đều xuất hóa đơn, in bỏ kèm trong gói hàng để nếu quản lý thị trường kiểm tra, nhà xe còn có cơ sở mà khai báo", ông N.V.B kể và băn khoăn : "Chúng tôi bán hàng tuân thủ việc xuất hóa đơn và phải trả thuế 4,5% cho cơ quan thuế. Thế nhưng việc chúng tôi mua hàng hóa đầu vào hóa đơn không đủ, không đúng giá trị thực tế, khi cơ quan quản lý kiểm tra, chúng tôi có bị vi phạm không?".

Tương tự, một chủ cơ sở sản xuất giò chả ở P.Bình Đông (Q.8 cũ, TP.HCM) cũng cho hay cơ sở mua thịt, lá, tiêu, hành, tỏi… tại chợ đầu mối Bình Điền đều chưa có hóa đơn điện tử bán hàng. Trong khi đó, cơ sở bỏ nem, giò sống cho các nhà hàng đều phải xuất hóa đơn điện tử đầy đủ. "Mỗi buổi sáng, chở hàng đi bỏ cho các nhà hàng, quán ăn, tôi đều cho in hóa đơn điện tử mang đi theo, nhỡ có bị cơ quan quản lý hỏi có cái mà trình", chủ cơ sở sản xuất này cho hay nhưng đầu ra đầy đủ còn đầu vào thì hết sức khó khăn.

Rủi ro mua hàng một nơi, hóa đơn một nơi

Luật sư Trần Xoa, Công ty luật Minh Đăng Quang, khẳng định: Hộ kinh doanh không bắt buộc phải có hóa đơn đầu vào, nhưng việc có hóa đơn đầu vào hợp lệ mới chứng minh được nguồn gốc hàng hóa, chi phí hợp pháp. Còn không đủ hóa đơn đầu vào sẽ dễ rơi vào diện sử dụng nguyên liệu bất hợp pháp và bị kiểm tra nhiều hơn. Đặc biệt là khi quyết toán thuế hoặc khi có kiểm tra từ cơ quan thuế, việc không có hóa đơn đầu vào hợp lý khiến hộ kinh doanh mất quyền khấu trừ thuế giá trị gia tăng, nếu có.

Hộ kinh doanh gặp khó với hóa đơn đầu vào- Ảnh 2.

… hoặc khi được yêu cầu cấp hóa đơn, nhiều cửa hàng đưa hóa đơn được xuất bởi công ty nhập khẩu nguyên liệu có giá trị thấp hơn nhiều giá trị giao dịch

ẢNH: LAM NGHI

Ngoài ra, với các hộ kinh doanh có doanh số lớn, LS Trần Xoa khuyên nên "lên đời" doanh nghiệp bởi nếu duy trì hộ kinh doanh sẽ nộp thuế toàn bộ theo doanh số sẽ rất lớn. Đó là chưa kể hóa đơn đầu vào không bảo đảm, nếu bị phát hiện, có thể bị phạt, thu hàng. Trong khi lên doanh nghiệp có lợi hơn khi vừa bảo đảm được hóa đơn đầu vào, chi phí thực tế rõ ràng minh bạch. "Ngay cả việc mua hàng chỗ này, xuất hóa đơn của đơn vị khác cũng rất nguy hiểm. Bởi hiện tại có tình trạng lập công ty ma để bán hóa đơn, sau vài tháng nghỉ luôn… thì cũng sẽ đối diện không ít khó khăn. Theo tôi, hộ kinh doanh đã có doanh thu lớn, nên cố gắng tìm nguồn hàng có hóa đơn hợp pháp. Phải đấu tranh để có được quyền lợi mua hàng này để có thể lên đời doanh nghiệp sớm hơn", luật sư Trần Xoa khuyên.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, cũng đồng tình việc có hóa đơn đầu vào là yêu cầu bắt buộc để chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Đặc biệt với những mặt hàng có nguy cơ gian lận cao như hàng tiêu dùng, điện thoại, mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm chế biến… nếu không có hóa đơn đầu vào thì cơ quan thuế có thể xem đó là hàng lậu, hàng trốn thuế. "Tuy nhiên việc tuyên truyền áp dụng việc khởi tạo hóa đơn đang được thực hiện từng bước, không thể làm ngay, nhưng nếu làm đúng và điều chỉnh hợp lý, sau thời gian mọi thứ sẽ vào guồng và chắc chắn tốt hơn. Nếu có phản ánh từ phía hộ sản xuất rằng khu vực nguyên phụ liệu chưa tuân thủ, cơ quan quản lý phải tìm hiểu để nắm vấn đề, hướng dẫn thực hiện cho đúng", ông Thịnh đề nghị.

Các hộ kinh doanh, trường hợp tạm thời chưa có hóa đơn điện tử, có thể lập bản ghi rõ thông tin, căn cước công dân của bên bán, số lượng hàng hóa thực, giá trị thực tế, địa chỉ... như cách các hộ kinh doanh nông thủy sản áp dụng do phải mua hàng từ các hộ nông dân, ngư dân… để tránh rủi ro vi phạm pháp luật.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao