Lần đầu thăm Điện Kremlin kể từ khi đắc cử Tổng thống Iran hồi tháng 7.2024, ông Masoud Pezeshkian cho biết Nga-Iran có lẽ sẽ chốt được thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân kế tiếp ở Iran với sự giúp đỡ của Nga, theo Reuters.
Nga từng hỗ trợ Iran xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này ở Bushehr và đưa vào hoạt động từ năm 2013.
Về phần mình, Tổng thống Putin cho biết hai ông đã thảo luận toàn bộ các lĩnh vực hợp tác song phương và tiến tới ký kết hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện.
"Chúng tôi đã mất nhiều thời gian làm việc và tôi vô cùng hài lòng là mọi thứ đã hoàn tất", Hãng thông tấn TASS dẫn lời nhà lãnh đạo Điện Kremlin.
Hiệp ước được dự kiến sẽ đóng vai trò bước ngoặt trong quan hệ Nga-Iran và mở ra các cơ hội mới ở những lĩnh vực như quân sự, chống khủng bố, năng lượng, tài chính, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, khoa học và công nghệ.
Tehran sẽ không còn là thủ đô Iran?
Hiệp ước Nga-Iran kéo dài 20 năm, dự kiến không bao gồm điều khoản quốc phòng song phương giống như với Belarus và CHDCND Triều Tiên, nhưng Reuters dẫn lời giới quan sát cho rằng nhiều khả năng phương Tây vẫn cảm thấy quan ngại khi chứng kiến Moscow và Tehran ngày càng xích gần nhau.
Iran và Nga khẳng định sự siết chặt quan hệ song phương không nhằm trực tiếp đối phó nước nào.
Điện Kremlin không trả lời câu hỏi liệu nước này có mua tên lửa Iran hay không, nhưng cho hay hợp tác với Tehran bao gồm "những lĩnh vực nhạy cảm nhất".
Trong quá khứ Nga đã cung cấp cho Iran các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 và truyền thông Iran từng đề cập Tehran muốn mua thêm những loại vũ khí tối tân như S-400 và tiêm kích hiện đại của Nga.