Đường biên giới giữa hai quốc gia Trung Á dài gần 1.000 km và là đối tượng tranh chấp dai dẳng từ khi cả hai trở thành quốc gia độc lập sau thời Liên Xô. Đụng độ vũ trang ở vùng biên giới nhiều lần xảy ra khiến cả binh lính lẫn thường dân của hai phía thiệt mạng.

Tổng thống Tajikistan Emomali Ramon
Ảnh: reuters
Không phải hai bên không muốn nhanh chóng khắc phục tranh chấp và đạt được thỏa thuận về phân định biên giới chung. Vướng mắc chính là mỗi bên dựa vào bản đồ ở những thời khác nhau. Tajikistan sử dụng bản đồ được ấn hành trong khoảng thời gian từ năm 1924 - 1939, trong khi Kyrgyzstan viện dẫn bản đồ được xuất bản trong giai đoạn 1958 - 1959.
Mức độ sẵn sàng nhượng bộ và thỏa hiệp trong những thập niên qua không đủ để hai bên đạt được thỏa thuận bởi vùng lãnh thổ tranh chấp là thảo nguyên màu mỡ có nguồn nước phong phú, mang tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với ngành nông nghiệp của cả hai bên.
Theo thỏa thuận biên giới mới đạt được, hai bên hoán đổi diện tích lãnh thổ khoảng 25 km² và coi một số tuyến đường dọc biên giới là những tuyến đường chung, tức là không của riêng ai mà thuộc về cả hai. Điều này lâu nay chưa từng có tiền lệ trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ và phân định biên giới giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Thỏa thuận cũng mở đường cho hai bên thông thương biên giới, mở lại đường bay trực tiếp, ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương.
Thỏa thuận này còn giúp Tajikistan và Kyrgyzstan cùng nhau hình thành cặp bài trùng mới về an ninh và ổn định cho khu vực, tăng thế và lực cho từng bên thông qua hợp tác với nhau trong xử lý quan hệ của họ với các đối tác bên ngoài, đặc biệt với Nga, Trung Quốc, Mỹ và EU.