Tờ The New York Times hôm qua (15.4) đưa tin ông Christopher Waller, thành viên Hội đồng thống đốc của Fed, vừa đưa ra một số nhận định về tình hình kinh tế Mỹ tại một sự kiện ở bang Missouri.

Kinh tế Mỹ đang đối mặt rủi ro lạm phát
ẢNH: HOÀNG ĐÌNH
Nỗi lo suy thoái
Theo ông Waller, dù Tổng thống Trump đã tạm ngưng áp thuế đối ứng với 75 nền kinh tế trong 90 ngày để đàm phán, nhưng khoản thuế nền 10% trong thuế đối ứng vẫn được thực thi và Mỹ cũng đã ban hành nhiều sắc thuế khác, nên thực tế thì mức thuế hàng nhập khẩu vào nước này hiện vẫn ở mức 25%.
Từ đó, ông đưa ra 2 kịch bản là thuế nhập khẩu Mỹ sẽ tiếp tục ở mức 25% vừa nêu, hoặc giảm xuống chỉ còn 10% sau khi các khoản thuế khác bị loại bỏ dần theo thời gian. Trong cả 2 kịch bản, ông Waller cho rằng tác động của thuế đối với lạm phát sẽ không quá lớn và không kéo dài.
Tuy nhiên, nếu chính quyền Tổng thống Trump duy trì mức thuế quan cao hơn thì tăng trưởng kinh tế Mỹ "có thể sẽ chậm lại và làm tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp". Cụ thể, theo Thống đốc Waller, lạm phát có thể tăng lên khoảng 4% trong năm nay trước khi giảm trở lại mục tiêu 2% của Fed. Ông cũng cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể lên đến 5%, cao hơn đáng kể so với mức 4,2% hiện tại.
Ông Waller mô tả chính sách thuế của Tổng thống Trump có thể là "một trong những cú sốc lớn nhất ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ trong nhiều thập kỷ".
Mới đây, một số nhà phân tích thuộc các tập đoàn tài chính Morgan Stanley hay Goldman Sachs đều dự báo lạm phát của Mỹ sẽ tăng lên và tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống. Thậm chí, mô hình phân tích GDPNow của Fed Atlanta còn dự báo kinh tế nước này chẳng những không tăng trưởng mà thậm chí có thể bị giảm đi ngay trong quý 1/2025.
Ông Trump hé lộ khả năng hoãn thêm thuế giữa căng thẳng thương mại
Căng thẳng giữa Nhà Trắng và Fed
Thời gian qua, Tổng thống Trump đã bất đồng với Chủ tịch Fed Jerome Powell. Chủ nhân Nhà Trắng cáo buộc Fed đã chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất vì động cơ chính trị chứ không phải dựa trên nguyên tắc kinh tế.
Trong đó, viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 4.4, Tổng thống Trump khẳng định: "Đây là thời điểm hoàn hảo để Chủ tịch Fed Jerome Powell cắt giảm lãi suất. Ông ấy luôn "chậm trễ", nhưng bây giờ ông ấy có thể thay đổi hình ảnh của mình. Giá năng lượng giảm, lãi suất giảm, lạm phát giảm, thậm chí giá trứng giảm 69% và việc làm tăng, tất cả đều trong vòng hai tháng. Đây là một chiến thắng lớn cho nước Mỹ. Cắt giảm lãi suất đi, Jerome. Và ngừng chơi trò chính trị!".
Ngược lại, Chủ tịch Fed vẫn giữ vững quan điểm lo ngại lạm phát tăng cao, mà nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách thuế của Tổng thống Trump. Cùng ngày 4.4, ông Powell lên tiếng khẳng định Fed phải có trách nhiệm kiềm chế lạm phát. Theo ông, bối cảnh kinh tế hiện tại của Mỹ không chắc chắn nên việc Nhà Trắng tăng thuế nhập khẩu có thể khiến giá cả hàng hóa tăng cao khiến lạm phát tăng trở lại.
Năm ngoái, Fed đã dần cắt giảm lãi suất điều hành sau một thời gian neo ở mức cao để ứng phó lạm phát do đại dịch Covid-19. Tổng cộng, Fed đã cắt giảm 1 điểm phần trăm. Thế nhưng, từ cuối năm ngoái thì Fed tạm dừng cắt giảm lãi suất do lo ngại chính sách thuế của ông Trump khiến lạm phát quay lại. Lãi suất hiện vẫn ở mức 4,25 - 4,5%.
Theo dữ liệu do Fed New York công bố ngày 14.4, người tiêu dùng Mỹ có thể đối mặt với lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong năm tới. Cụ thể, trong 5 năm tới thì lạm phát ở mức 3% mỗi năm.
Washington tiếp tục đàm phán thương mại với các đối tác
Hãng Reuters đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực để đạt thỏa thuận với Mỹ nhằm đảm bảo có mức thuế quan công bằng. Cụ thể, Ủy viên Thương mại châu Âu Maros Sefcovic ngày 14.4 cho biết ông đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. Tại buổi làm việc, hai bên đặt ra thời hạn 90 ngày để cùng nhau có giải pháp điều chỉnh mức thuế bị coi là chưa hợp lý, ông Sefcovic nêu rõ.
Vị quan chức EU khẳng định khối này vẫn giữ lập trường mang tính xây dựng và sẵn sàng đưa ra thỏa thuận công bằng, bao gồm đề xuất đưa mức thuế nhập khẩu hàng hóa công nghiệp giữa EU và Mỹ về 0%. Đồng thời, hai bên cũng tìm phương án giải quyết những rào cản phi thuế quan. Hiện phía Mỹ chưa lập tức bình luận về cuộc gặp với Ủy viên châu Âu Sefcovic.
Cũng liên quan tình hình đàm phán về vấn đề thương mại giữa Mỹ và các đối tác, Hãng Bloomberg ngày 14.4 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Mỹ và Hàn Quốc sẽ có cuộc đàm phán thương mại vào tuần tới. Mỹ là một trong những đối tác xuất khẩu lớn của Hàn Quốc, đặc biệt trong ngành ô tô. Kim ngạch xuất khẩu ngành này của Hàn Quốc sang Mỹ hồi năm ngoái đạt gần 43 tỉ USD, trong tổng số 131,5 tỉ USD giá trị hàng hóa mà Hàn Quốc xuất khẩu đến Mỹ, theo AFP. Ông Bessent nói Mỹ cũng sẽ đàm phán thương mại với Nhật Bản vào ngày 16.4.
Bảo Hoàng