Lãi suất Mỹ về đâu?

Dự kiến hôm nay (14.7, theo giờ Mỹ), số liệu kinh tế Mỹ mới nhất sẽ được công bố để giới đầu tư có thể đánh giá rõ ràng hơn về tác động từ các chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump.

Giữa sức ép, Fed chia rẽ

Lãi suất điều hành của Mỹ hiện ở mức 4,25 - 4,50% kể từ sau khi tạm ngừng cắt giảm vào tháng 1 vừa qua vì lo ngại tác động do chính sách của Tổng thống Trump đối với nền kinh tế Mỹ.

 - Ảnh 1.

Nỗi lo giá cả gia tăng khiến Fed chưa hạ lãi suất cơ bản

ẢNH: HOÀNG ĐÌNH

Phần lớn giới hoạch định chính sách trong Fed có xu thế chưa muốn sớm cắt giảm lãi suất điều hành. Theo Reuters, "phần lớn những người tham gia" tại cuộc họp của Fed mới đây đều dự báo cắt giảm lãi suất sẽ phù hợp vào cuối năm nay, vì những tác động từ chính sách thuế đối ứng đối với nền kinh tế đến giờ chỉ là "tạm thời hoặc khiêm tốn".

Tuy nhiên, rõ ràng có sự chia rẽ trong 19 thành viên Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), được hiểu như hội đồng điều hành chính sách của Fed, về lãi suất điều hành. Cụ thể, 9 trong số 19 thành viên đề xuất từ nay đến cuối năm có thể giảm 0,5 điểm phần trăm của lãi suất điều hành, có 2 thành viên đề nghị giảm 0,25 điểm phần trăm và số thành viên cho rằng chưa nên giảm lãi suất ngay.

Trong khi đó, Tổng thống Trump suốt những tháng qua đã chỉ trích mạnh mẽ Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không hạ lãi suất. Chủ nhân Nhà Trắng kêu gọi ông Powell từ chức và cho rằng đối phương không cắt giảm lãi suất chỉ vì "trò chơi chính trị".

Nhiều ẩn số

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed lại khẳng định lạm phát vẫn còn là thách thức không nhỏ đối với kinh tế Mỹ, nên chưa thể giảm lãi suất điều hành vì lo ngại giá tiêu dùng tăng cao. Đáp trả lại, phía Nhà Trắng trích dẫn số liệu kinh tế những tháng qua không tăng cao để cho rằng chính sách thuế đã không khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Thế nhưng, giới hoạch định chính sách cho rằng vì các nhà bán lẻ đã nhập khẩu hàng hóa dự trữ và thời gian qua phần lớn mức thuế bị tạm ngưng áp dụng nên chưa thấy được tác động thực sự đối với hàng hóa trên thị trường.

Trong khi đó, Bloomberg ngày 12.7 dự báo sau nhiều tháng lạm phát thấp, người tiêu dùng Mỹ có thể đã bắt đầu trải qua mức tăng giá nhanh hơn trong tháng 6 khi các công ty bắt đầu chuyển chi phí hàng hóa nhập khẩu cao hơn liên quan đến thuế quan.

Theo một cuộc khảo sát do Bloomberg với các nhà kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng "cốt lõi", bao gồm giá hàng hóa và dịch vụ nhưng không tính chi phí thực phẩm và năng lượng, đã tăng 0,3% trong tháng 6, cao nhất trong 5 tháng qua. Trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi chỉ tăng 0,1%. Tính theo năm, chỉ số này đã tăng 2,9%, mức cao nhất kể từ tháng 1. Chỉ số giá "cốt lõi" gần đây được đánh giá là phù hợp hơn chỉ số lạm phát truyền thống vì biến động chi phí thực phẩm và năng lượng không hoàn toàn thể hiện hết bản chất. Giới kinh tế gia dự báo khi chính thức áp dụng thuế đối ứng và hàng hóa dự trữ giảm dần thì ảnh hưởng sẽ rõ ràng hơn với lạm phát.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Tập đoàn tài chính JPMorgan Jamie Dimon mới đây đưa ra cảnh báo lãi suất điều hành ngược lại có thể tăng lên trong năm nay. JPMorgan nói chung và cá nhân ông Dimon nói riêng là người có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính Mỹ.

Vị này cho biết quan điểm của ông về khả năng tăng lãi suất hơn nữa là "cao hơn bất kỳ ai khác". "Thị trường đang đánh giá chỉ 20% cơ hội về việc lãi suất điều hành tăng lên. Nhưng tôi cho rằng có đến 40 - 50% khả năng xảy ra", ông Dimon phát biểu tại một sự kiện do Bộ Ngoại giao Ireland tổ chức. Lý giải cho nhận xét, ông chỉ ra là vì áp lực giá cả, thuế quan, chính sách di cư của chính phủ Mỹ và thâm hụt ngân sách cũng gây lạm phát. Ông nói thêm rằng việc tái cấu trúc thương mại toàn cầu và nhân khẩu học toàn cầu cũng là một loại "lạm phát". Ông cảnh báo trên thị trường tài chính đang có sự tự mãn và nhiều người đang thiếu nhạy cảm.

Hỗ trợ lãi vay cho người mua ô tô

Trong đạo luật ngân sách vừa thông qua, Mỹ sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay đối với người mua ô tô được sản xuất tại nước này. Theo đó, số tiền hỗ trợ tối đa sẽ lên đến 10.000 USD và không giới hạn đối với dòng xe mang nhãn hiệu của Mỹ, mà chỉ cần được sản xuất tại Mỹ.

Tuy nhiên, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép gần đây khiến cho chi phí sản xuất ô tô của nước này tăng cao, nên giới phân tích cho rằng tác động của chính sách hỗ trợ lãi vay trên không đạt hiệu quả tương xứng.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao