Tôn vinh sự tiến bộ và hợp tác vì một tương lai khỏe mạnh hơn

Những bước tiến cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh

Khi hai cô con gái song sinh của tôi chào đời cách đây hơn 5 năm, cả hai bé đều cần được chăm sóc y tế chuyên khoa ngay sau khi chào đời. Tôi cũng cần sự chăm sóc chuyên khoa cho sức khỏe trong suốt thời gian được coi là thai kỳ có nguy cơ cao.

 - Ảnh 1.

WHO hợp tác với Bộ Y tế ứng phó các đợt bùng phát bệnh sởi gần đây tại Việt Nam

ẢNH: WHO

Tôi luôn biết ơn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà tôi và các con đã nhận được, giúp các con có khởi đầu cuộc sống khỏe mạnh nhất có thể, điều mà mọi em bé đều xứng đáng có được và mọi bậc cha mẹ đều mong muốn.

Ở Việt Nam và trên toàn thế giới, những bước tiến lớn đã được thực hiện trong cải thiện sức khỏe cho phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nhưng không phải tất cả phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ sơ sinh đều nhận được sự chăm sóc như gia đình tôi đã nhận được và điều này cần thay đổi.

Ngày 7.4 hằng năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kỷ niệm Ngày sức khỏe thế giới, cũng là ngày kỷ niệm thành lập vào năm 1948, để tôn vinh những tiến bộ hướng tới sức khỏe tốt hơn, cũng như nhấn mạnh nhu cầu cần nỗ lực nhiều hơn trong một số lĩnh vực.

Chủ đề của năm nay "Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng", Ngày sức khỏe thế giới tập trung vào chăm sóc sức khỏe chất lượng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trên toàn thế giới. Việc đầu tư vào sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh không chỉ cần thiết cho sức khỏe, mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế. Cứ 1 USD Mỹ đầu tư vào sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh có thể mang lại lợi nhuận lên tới 20 USD Mỹ.

Ngày nay, một em bé sinh ra ở Việt Nam có cơ hội sống sót sau 4 tuần đầu đời cao hơn bao giờ hết. Năm 2000, cứ 1.000 ca sinh thì có 15 trẻ sơ sinh tử vong; đến năm 2023, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 10 ca tử vong.

Số phụ nữ tử vong khi mang thai và sinh con ở Việt Nam ước tính đã giảm gần một nửa trong những thập kỷ gần đây, từ 83 phụ nữ tử vong/100.000 trẻ sơ sinh được sinh ra vào năm 2000 xuống còn 48 ca tử vong vào năm 2023.

Tiến bộ ấn tượng này nhờ vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở; công tác tiêm chủng và những cải thiện đáng kể về dinh dưỡng, nước sạch và điều kiện vệ sinh.

Điều này đạt được do sự lãnh đạo và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, của Bộ Y tế, trình độ chuyên môn và sự tận tâm của đội ngũ nhân viên y tế ở các cấp với sự phối hợp hiệu quả từ các cơ quan ban ngành, và sự hỗ trợ từ các đối tác. WHO tự hào khi được trở thành đối tác trong những nỗ lực này.

Vượt ra ngoài lĩnh vực bà mẹ và trẻ em

Công việc của WHO tại Việt Nam trong gần 50 năm qua còn bao gồm nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau nhằm giúp người dân Việt Nam có sức khỏe tốt hơn và giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe.

 - Ảnh 2.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam trò chuyện cùng bà ngoại đưa cháu gái đi tiêm chủng định kỳ tại xã Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk

ẢNH: WHO

Từ năm 1981, khi Việt Nam triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR), WHO đã sát cánh cùng Việt Nam giúp đảm bảo mọi trẻ em được bảo vệ khỏi các bệnh như sởi, bạch hầu, ho gà và viêm não Nhật Bản. TCMR bao phủ giúp Việt Nam xóa sổ bệnh đậu mùa, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh và được WHO xác nhận là quốc gia không có bệnh bại liệt.

Sau những gián đoạn trong tiêm chủng do đại dịch Covid-19, WHO đã có các hỗ trợ giúp khôi phục tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em, ngay cả ở những vùng xa xôi nhất và trong đợt bùng phát bệnh sởi hiện tại.

Trong đại dịch Covid-19, WHO hỗ trợ khẩn cấp hỗ trợ kỹ thuật cho những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ nhằm bảo vệ sức khỏe, xã hội và nền kinh tế. Những bài học từ kinh nghiệm về đại dịch giúp chúng ta tăng cường hệ thống an ninh y tế, bao gồm công tác chuẩn bị và ứng phó đại dịch.

Để giúp ngành y tế ứng phó với thời tiết cực đoan, như cơn bão Yagi, WHO tiếp tục làm việc để tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững với môi trường của các cơ sở y tế, bao gồm việc cải thiện khả năng tiếp cận nguồn nước sạch và hiệu quả năng lượng.

Trong những nỗ lực này, chúng tôi vô cùng biết ơn sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và đối tác trong nước và quốc tế, các tổ chức cộng đồng, các quỹ từ thiện, các tổ chức học thuật và các cơ quan Liên Hiệp Quốc.

Tăng cường hợp tác để giải quyết những khoảng cách còn lại

Mặc dù chúng ta đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khoảng cách về sức khỏe.

Ví dụ, còn rất nhiều người mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh lao hoặc HIV không được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán và điều trị. Chúng ta cần cải thiện dịch vụ chăm sóc tại tuyến y tế cơ sở; tăng cường hơn nữa vai trò của bảo hiểm y tế, bao gồm giảm chi phí tự trả của bệnh nhân cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chúng ta cũng cần làm nhiều hơn nữa để giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm như hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, dinh dưỡng không hợp lý và hoạt động thể chất không đầy đủ.

Cải thiện sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, đảm bảo trẻ em được tiêm vắc xin đầy đủ, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bảo vệ người dân khỏi tai nạn giao thông, giải quyết các nguy cơ sức khỏe do biến đổi khí hậu, giúp mọi người sống lành mạnh hơn, đưa các dịch vụ y tế chất lượng đến gần hơn với nơi người dân sống, chuẩn bị và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, là công việc cốt lõi của WHO.

Tổng giám đốc WHO, tiến sĩ Tedros thường nói: "Một người khỏe mạnh cầu mong nhiều thứ: tiền bạc, thành công, hạnh phúc. Nhưng một người bệnh chỉ cầu nguyện một điều: có sức khỏe tốt".

Vào Ngày sức khỏe thế giới năm nay, chúng tôi tự hào tiếp tục công việc cùng Chính phủ Việt Nam để mang lại sức khỏe tốt hơn và tạo ra tương lai tươi sáng hơn, WHO cũng có cùng mong muốn cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và cho mọi người dân Việt Nam: sức khỏe tốt cho tất cả mọi người.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao