Thoái hóa, gai cột sống, khi nào cần phẫu thuật?

Một số trường hợp có thể cần phẫu thuật

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cơ sở 3, tỷ lệ mắc thoái hóa cột sống tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt ở những người có thói quen ngồi lâu hoặc thường xuyên phải khom lưng.

“Gai cột sống là một trong những biểu hiện của thoái hóa cột sống. Ban đầu, người bệnh có thể không thấy triệu chứng rõ ràng, chỉ cảm giác đau mỏi dọc theo cột sống và lan ra các cơ. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây chèn ép mạch máu và thần kinh, dẫn đến tăng mức độ đau và tê bì ở tay chân, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống”, bác sĩ Thúy Hằng cho biết.

Thoái hóa, gai cột sống - khi nào cần phẫu thuật? - Ảnh 1.

Tỷ lệ mắc thoái hóa cột sống tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt ở những người có thói quen ngồi lâu hoặc thường xuyên phải khom lưng

Ảnh: Như Quyên

Theo đó, nguyên nhân gây bệnh có thể do nhiều yếu tố như gien, chế độ ăn uống, bị béo phì, lớn tuổi, chủng tộc, sức cơ, hoạt động thể lực quá mức, thói quen ít vận động và làm việc sai tư thế, mang vác nặng.

Điều trị thoái hóa cột sống chủ yếu là phương pháp nội khoa bảo tồn, tuy nhiên người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật trong một số trường hợp sau:

  • Thiếu hụt thần kinh tiến triển.
  • Chèn rễ thần kinh hoặc tủy sống.
  • Đau không đáp ứng điều trị.

Phẫu thuật giúp giảm đau, giải phóng thần kinh bị chèn ép, có thể giúp ổn định cột sống. Các phương pháp phẫu thuật gồm cắt một phần đĩa đệm kèm hoặc không kèm cố định các đốt sống, nẹp dính các đốt sống, cắt mảnh ngang và lỗ liên hợp giải áp, cắt bán phần mảnh ngang, tạo hình mảnh ngang.

Lưu ý tỷ lệ biến chứng có thể cao hơn bình thường

Mặc dù có chỉ định phẫu thuật, nhưng trong một số trường hợp, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc quyết định phẫu thuật hay không, do tỷ lệ biến chứng có thể cao hơn bình thường. Các đối tượng cần lưu ý bao gồm người lớn tuổi, người có sức khỏe yếu, hay những người bệnh đang mắc hoặc có tiền sử bệnh lý liên quan đến huyết áp, tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông máu hoặc các bệnh mạn tính khác.

Lái xe lâu cần chú ý những điều này

Phẫu thuật cột sống là một phương pháp phức tạp, đòi hỏi sự chính xác cao và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tay nghề của bác sĩ, trang thiết bị y tế hiện đại, mức độ nghiêm trọng của bệnh và các bệnh lý đi kèm. Trong quá trình phẫu thuật, có thể phát sinh nhiều rủi ro cần phải lưu ý như sau:

  • Nguy cơ nhiễm trùng cao.
  • Gây tổn thương mạch máu.
  • Quá trình thoái hóa cột sống nhanh hơn.
  • Gây tổn thương dây và rễ thần kinh.
  • Biến chứng liệt chi (rất hiếm gặp).

Dù phương pháp điều trị hiện đại có hiệu quả tốt, nhưng nếu người bệnh tiếp tục duy trì tư thế sinh hoạt, làm việc sai lệch và mang vác vật nặng, ngay cả khi các tổn thương đã được hồi phục hoàn toàn, thì chức năng của cột sống vẫn khó phục hồi như trạng thái ban đầu. Điều này khiến bệnh dễ tái phát hoặc tiến triển nặng hơn, đồng thời có thể dẫn đến tình trạng đau nhức kéo dài.

Thoái hóa, gai cột sống - khi nào cần phẫu thuật? - Ảnh 2.

Tập thể dục hằng ngày để các khớp và cột sống được dẻo dai, linh hoạt

ẢNH: AI

Chú ý điều chỉnh lối sống

Bác sĩ Thúy Hằng cho hay, điều quan trọng nhất sau phẫu thuật cột sống là người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý kết hợp với vận động phù hợp để nhanh chóng phục hồi và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát bệnh. Mặc dù có một số bài tập phục hồi chức năng giúp cải thiện tình trạng, nhưng hiệu quả hồi phục sẽ không thể hoàn toàn như trước.

Do đó, dù được điều trị bằng phương pháp nội khoa hay phẫu thuật, người bệnh vẫn cần chú ý thay đổi lối sống và cách sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe cột sống, bao gồm:

  • Giảm cân nếu thừa cân béo phì: Thừa cân béo phì làm tăng tải trọng lên cột sống, nhất là vùng từ thắt lưng xuống chân.
  • Tập thể dục hằng ngày giúp các khớp và cột sống được vận động dẻo dai, linh hoạt, tránh lối sống tĩnh tại dễ gây cứng khớp lại thúc đẩy thừa cân. Mỗi người bệnh nên lựa chọn các môn thể dục, thể thao phù hợp sức khỏe của mình dưới lời khuyên của bác sĩ.
  • Tránh khom lưng, cúi cổ, xách nặng, làm việc nặng.
  • Tránh ngồi lâu, đi hoặc đứng lâu. Chỉ nên duy trì các tư thế tầm khoảng 45-60 phút hoặc vừa với ngưỡng đau của mình, sau đó thay đổi tư thế tầm 3-5 phút rồi lại tiếp tục công việc của mình.
  • Tránh nằm võng, ghế bố, hoặc nệm lún. Hạn chế sử dụng điện thoại, máy vi tính nếu không cần thiết. Mang đai lưng để bảo vệ cột sống thắt lưng.
  • Khi có triệu chứng khó chịu thì người bệnh nên khám và điều trị dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ, tránh uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc sẽ gây nhiều tác dụng phụ và làm các “can thiệp” không đúng cách ở những nơi không uy tín sẽ gây tiền mất tật mang, bệnh nặng lâu khỏi.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao