Khám khớp, phát hiện nhiễm sán lợn
Ông Nguyễn Văn H. cho biết, cuối năm 2024, ông bị đau dữ dội ở khớp khuỷu tay. Nghĩ mình bị bệnh khớp, ông H. đi khám ở bệnh viện địa phương. Thế nhưng, từ kết quả chụp X-quang, bác sĩ cho biết ông có nhiều sán ở phần mềm và được chuyển tuyến về điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. "Khi khám chuyên sâu, qua các kết quả chụp của tôi, bác sĩ phát hiện sán đã lên não rồi", ông H. kể.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư điều trị bệnh nhân nhiễm giun lươn
ẢNH THANH ĐẶNG
Ông cho biết, trước khi được phát hiện bệnh sán lợn, ông có ăn tiết canh, gỏi cá làm từ cá sống, rau sống. "Trước thời điểm điều trị bệnh sán, thi thoảng tôi còn bị đau đầu, đau nhói như dùi đâm và thỉnh thoảng thấy choáng váng. Sau đợt điều trị bệnh tôi đã giảm hẳn, đỡ hẳn đau đầu, tay không đau nữa", ông H. cho biết thêm.
Cùng điều trị ấu trùng sán lợn tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, một bệnh nhân quê Bắc Giang phản ánh: "Triệu chứng bệnh ban đầu là tôi bị tê ở cánh tay nên đi khám ở bệnh viện địa phương. Khi có kết quả chụp X-quang, các bác sĩ đã phát hiện rất nhiều đốm trắng ở cẳng tay và chẩn đoán tôi bị sán nên chuyển tôi về điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ".
Bệnh giun rồng hiếm gặp 'tái xuất' tại Việt Nam sau hơn 20 năm
Khi khám tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, qua triệu chứng và kết quả xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng sán lợn. Các ấu trùng này nằm rải rác trong phần mềm (cơ) cẳng tay của bệnh nhân.
Bệnh nhân cho biết, trước lần điều trị này, hồi năm 2018 ông bị đau đầu dữ dội, co giật, gia đình đưa ông đi khám tại bệnh viện tuyến T.Ư tại Hà Nội do tưởng bị ông động kinh.
"Khi đó, tôi được bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ, sau đó chẩn đoán là u não. Nhưng sau khi mổ não và các xét nghiệm sau mổ, các bác mới phát hiện khối u đó là ổ sán lợn", nam bệnh nhân cho hay.
Trước khi phát hiện bệnh, bệnh nhân cũng thường ăn tiết canh, rau sống. Ông cho rằng, đây chính là nguồn cơn căn bệnh của mình.
Dễ chẩn đoán nhầm là khối u
TS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng NIMPE, cho biết bệnh nhân nhiễm giun sán thường có triệu chứng âm thầm và dễ bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh khác, trong đó có các trường hợp có nang sán ở não, gan nhưng lại được chẩn đoán u não, u gan.
Ông Cảnh đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh do ký sinh trùng mới nổi, tăng lên có nguyên nhân ô nhiễm môi trường sống. Kết quả lấy mẫu xét nghiệm giám sát trong các năm qua cho thấy, có địa phương tỷ lệ phân bò nhiễm giun sán lên tới 30%, là nguồn lây truyền sang người nếu vệ sinh môi trường, cá nhân không đảm bảo.
Hoặc có địa phương, trong số mẫu cá lấy từ hồ, tỷ lệ cá nhiễm sán lá gan bé có nơi lên tới 70% trong số cá được xét nghiệm. Nếu ăn gỏi cá này, rất dễ bị lây truyền.
Với rau, ông Cảnh lưu ý, rất cần nấu chín, đặc biệt các rau thủy canh vì các rau có thể nhiễm trứng giun, sán. Nếu rửa rau trong bồn, chậu rửa thường trứng giun, sán nổi trên mặt nước, vẫn bám vào rau khi chúng ta vớt lên, do vậy cần rửa dưới vòi nước chảy để rửa trôi.
Vẫn theo TS Hoàng Đình Cảnh, khi ký sinh trùng vào máu, nó dừng ở đâu thì gây bệnh ở đó. Phổ biến là ngoài da, ấu trùng "dừng chân" sinh sôi ở dưới da gây ngứa. Trường hợp hay gặp nữa là ấu trùng của ký sinh trùng di chuyển đến gan, phát triển thành ổ. Nếu nhìn nhận bình thường trên X-quang hoặc siêu âm có thể nghĩ là u, ung thư gan. Do đó, có bệnh nhân mổ ra cắt u gan thì mới biết đó là khối sán.
Hoặc ấu trùng này cũng hay đi đến não. Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ mỗi năm tiếp nhận khoảng 30 ca bị sán não đến khám. Sán não có thể bị chẩn đoán là u não, hoặc có trường hợp chẩn đoán rối loạn tâm thần do các triệu chứng bệnh gây nên (đau đầu), ảnh hưởng học tập, sinh hoạt. Mắt cũng là một trong những nơi mà ấu trùng sán di chuyển tới, chui vào đáy mắt, gây tổn thương. Nếu không điều trị sớm sẽ gây mù lòa.
TS Cảnh nhận định, bệnh ký sinh trùng mới nổi, tái nổi tăng lên, do thiết bị kỹ thuật chẩn đoán phát triển, nên tìm ra bệnh. Bên cạnh đó, gia tăng ô nhiễm môi trường, trong đó, ấu trùng sán trong động vật, rau cỏ cũng làm nhiễm bệnh. Ví dụ như phân bò chứa ấu trùng sán phát tán ra môi trường nhiễm vào nước, rau, nếu không đảm bảo vệ sinh khi nấu ăn, thì nguy cơ nhiễm ấu trùng này.
Ngoài nhiễm sán, gần đây Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư còn tiếp nhận ca bệnh là cụ ông 72 tuổi ở Hòa Bình, được chuyển trong tình trạng nguy kịch do nhiễm giun lươn lan tỏa.
Khi nhập viện, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dịch não tủy dương tính với vi khuẩn E.coli (vi khuẩn trong đường tiêu hóa, tiết niệu). Kết quả soi dịch dạ dày và đờm của bệnh nhân phát hiện có ấu trùng giun lươn.
Bệnh nhân sau đó được chẩn đoán nhiễm giun lươn lan tỏa kèm theo nhiễm khuẩn huyết và đang được điều trị tích cực, thở máy, sử dụng kháng sinh và thuốc diệt ký sinh trùng nhưng tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Theo bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, giun lươn là ký sinh trùng sống trong đất ẩm. Ấu trùng giun lươn xâm nhập vào cơ thể người qua da, đặc biệt ở bàn chân. Sau khi vào cơ thể, ấu trùng di chuyển theo đường máu tới phổi, đi vào đường hô hấp, theo đờm đi lên họng; hoặc nuốt xuống ruột là nơi chúng trưởng thành, đẻ trứng, nở thành ấu trùng rồi theo phân ra môi trường.
Một số ấu trùng có thể tiến triển trong ruột thành dạng ấu trùng xâm nhập, xuyên qua thành ruột, khiến cho giun lươn có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể.
Với người bệnh suy giảm miễn dịch ấu trùng giun lươn ồ ạt xâm nhập, lan tỏa trong các cơ quan (hệ thần kinh trung ương, da, gan, tim), quá trình di chuyển trong cơ thể người, ấu trùng giun lươn mang theo các vi khuẩn đường ruột, dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não và sốc nhiễm trùng.