Bác sĩ Chu Thị Dung, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, trả lời: Anh Long thân mến! Với biểu hiện khàn giọng kéo dài trong 3 tháng kèm theo sụt cân không rõ nguyên nhân, đây là những triệu chứng mà y học gọi là dấu hiệu cảnh báo đỏ, tức là những dấu hiệu có khả năng liên quan đến bệnh lý nghiêm trọng, cần được thăm khám và đánh giá chuyên khoa sớm.

Có nhiều nguyên nhân gây khàn giọng kéo dài
Ảnh: AI
Khàn giọng kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh gì?
Bác sĩ Dung cho biết, khàn giọng là biểu hiện của sự thay đổi trong hoạt động của thanh quản, nơi chứa 2 dây thanh âm. Trong điều kiện bình thường, âm thanh được tạo ra khi không khí đi qua dây thanh, làm chúng rung lên. Bất kỳ sự thay đổi nào ảnh hưởng đến chức năng này đều có thể gây khàn giọng.
Một số nguyên nhân thường gặp gây khàn giọng kéo dài gồm:
Viêm thanh quản mạn tính: Do hút thuốc, môi trường ô nhiễm, nói nhiều, la hét, hoặc do nhiễm vi khuẩn, virus kéo dài.
Trào ngược dạ dày - thực quản (GERD): Axit từ dạ dày trào ngược lên vùng hầu họng làm kích thích thanh quản.
Polyp, hạt xơ hoặc u lành tính của dây thanh: Gặp ở người sử dụng giọng nói thường xuyên như ca sĩ, giáo viên.
Tổn thương dây thần kinh thanh quản: Có thể do sau phẫu thuật tuyến giáp, phẫu thuật tim, hoặc do khối u chèn ép.
Ung thư thanh quản, hạ họng hoặc tuyến giáp: Khàn giọng kéo dài là một dấu hiệu điển hình trong các trường hợp này.
Ung thư thực quản: Không phải là nguyên nhân phổ biến gây khàn giọng, tuy nhiên, nếu khối u thực quản lan rộng và chèn ép dây thần kinh quặt ngược thanh quản (một nhánh của dây thần kinh phế vị), thì có thể gây khàn giọng.
Khàn giọng kéo dài có phải dấu hiệu của ung thư thực quản?
Khàn giọng không phải là triệu chứng đặc trưng của ung thư thực quản. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi khối u ở đoạn giữa hoặc đoạn trên thực quản phát triển lớn, nó có thể chèn vào dây thần kinh điều khiển giọng nói (dây thần kinh quặt ngược), dẫn đến tình trạng khàn tiếng.
Ngoài ra, sụt cân không rõ nguyên nhân cũng là dấu hiệu nghi ngờ của các bệnh lý ác tính, trong đó có ung thư thực quản.
Như vậy, tuy không phải là triệu chứng thường gặp nhất của ung thư thực quản, nhưng khàn giọng kéo dài kèm sụt cân vẫn là dấu hiệu quan trọng cần được đánh giá để loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là ung thư vùng đầu cổ hoặc vùng thực quản - thanh quản.
Các dấu hiệu cần đi khám sớm
Theo bác sĩ Dung, anh Long nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu xuất hiện một hoặc nhiều trong các triệu chứng sau:
- Khàn giọng kéo dài hơn 3 tuần.
- Sụt cân không rõ lý do.
- Nuốt vướng, nuốt đau.
- Ho kéo dài, đặc biệt là ho ra máu.
- Khó thở, đau tức ngực.
- Cảm giác nghẹn ở cổ.
- Xuất hiện hạch vùng cổ.
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng, cần nội soi, chụp phim và làm thêm xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.

Nếu xuất hiện triệu chứng khó thở, đau tức ngực, nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt
Ảnh: AI
Nên khám ở đâu tại TP.HCM?
Bác sĩ Dung cho biết, anh Long đang sinh sống tại TP.HCM, có thể đến một số bệnh viện uy tín dưới đây để được thăm khám và chẩn đoán toàn diện:
- Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM.
- Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
- Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM (nếu khàn giọng kéo dài, kèm mệt mỏi và sụt cân nhanh).
- Bệnh viện Chợ Rẫy...
Lời khuyên từ chuyên gia
Anh Long nên đi khám càng sớm càng tốt, nhất là khi tình trạng khàn giọng đã kéo dài đến 3 tháng và có dấu hiệu sụt cân. Nếu nguyên nhân lành tính như viêm thanh quản hoặc trào ngược dạ dày - thực quản thì điều trị sớm sẽ giúp phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu có tổn thương nghiêm trọng hơn như khối u hoặc thần kinh bị chèn ép, việc phát hiện sớm sẽ giúp tiên lượng và điều trị tốt hơn.
Trong thời gian chờ đi khám, anh nên:
- Hạn chế nói to, nói nhiều để tránh làm tổn thương thêm dây thanh.
- Tránh hút thuốc, uống rượu, hoặc các chất gây kích thích thanh quản.
- Tránh ăn thức ăn cay nóng, chua hoặc nhiều dầu mỡ (nếu có dấu hiệu trào ngược).
- Uống nhiều nước ấm, giữ ấm cổ họng.
Chúc anh sớm được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
'Bệnh gì, khám đâu?' - Giúp bạn đi khám đúng chỗ, đúng bệnh
"Khàn giọng kéo dài nên khám khoa nào?", "Nhức đầu liên tục là dấu hiệu bệnh gì?", "Có cần đi bệnh viện tuyến trên không?"…, những câu hỏi rất thường gặp, nhưng lại khiến không ít người lúng túng, chậm trễ trong việc thăm khám và điều trị.
Từ nhu cầu thực tế đó, chuyên mục Sức khỏe chính thức ra mắt tiểu mục mới mang tên "Bệnh gì, khám đâu?", với mong muốn trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy trong việc nhận biết sớm bệnh và chọn đúng nơi khám.
Hiểu đúng triệu chứng - đỡ lo bệnh tật
Tiểu mục "Bệnh gì, khám đâu?" cung cấp thông tin ngắn gọn, dễ hiểu về các dấu hiệu bất thường thường gặp như: Ho kéo dài, mất ngủ, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… Qua đó, bạn đọc sẽ biết triệu chứng đó có thể là dấu hiệu của bệnh gì, khi nào cần đi khám và mức độ cần lưu ý ra sao.
Gợi ý nơi khám uy tín, phù hợp
Không dừng lại ở việc giúp bạn hiểu bệnh, tiểu mục còn đưa ra gợi ý về cơ sở y tế phù hợp, từ bệnh viện công đến phòng khám tư nhân có chuyên khoa liên quan...
Câu hỏi của bạn đọc có thể gửi về địa chỉ email: [email protected].