
Anh Lê Khánh Hoàng, thí sinh vừa đạt IELTS 9.0
ẢNH: NVCC
Chủ động tìm sự hướng dẫn
Anh Lê Khánh Hoàng (29 tuổi), ngụ TP.HCM mới (gồm TP.HCM, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương cũ), hiện là giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Bắt đầu thi IELTS từ năm 2017 nhưng đến lần thi thứ 5 vào hôm 1.7, anh mới chính thức chinh phục điểm IELTS 9.0 với kết quả tuyệt đối kỹ năng đọc, nghe; kỹ năng nói, viết đạt 8.5. Đây là thành quả từ việc tự học dưới sự hướng dẫn từ những nhà chuyên môn, theo anh Hoàng.
Tốt nghiệp cử nhân ngành sư phạm Anh Trường ĐH Sài Gòn và sau đó là thủ khoa thạc sĩ ngành ngôn ngữ học ứng dụng ở ĐH Curtin (Úc), chàng trai TP.HCM chia sẻ cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của anh là được tham gia chương trình đào tạo giáo viên dạy ôn thi IELTS vào năm 2 ĐH. "Trải nghiệm này cùng với việc đi thi IELTS lần đầu giúp tôi có cơ sở tự học tốt hơn và hoàn thiện dần các kỹ năng", anh Hoàng nhớ lại.
Thời phổ thông, anh Hoàng kể mình chỉ học ở trường công và chưa từng đăng ký tham gia khóa nào tại các trung tâm ngoại ngữ. Việc tiếp xúc với tiếng Anh, do đó, bắt đầu từ các bộ phim chiếu trên mạng, từ Cartoon Network đến Netflix. "Những phim đó lúc thì có phụ đề, lúc không, nhưng nghe riết tự nhiên cũng dần hiểu người ta nói gì. Loại phim tôi thích nhất là về luật hay chính trị, nơi diễn viên thường xuyên tranh luận với nhau", anh Hoàng nói.
Cú sốc đầu tiên của nam giáo viên diễn ra vào lần đầu thi IELTS, khi chỉ đạt 6.0 nói dù lúc đó tràn đầy tự tin. Thời điểm này, anh Hoàng kể mình chưa nhận thức được tầm quan trọng của các âm cuối (như s/es) hay âm /i:/... nên "nhiều lúc nói người ta không hiểu", buộc anh phải luyện lại bằng cách bắt chước cách nói của người bản xứ (shadowing) và học thêm ý nghĩa các chủ điểm ngữ pháp, từ vựng dùng trong từng tình huống khác nhau.
"Một phần tôi cũng ôn tập qua học viên của mình vì phải giải thích, sửa lỗi sai cho các bạn chứ không có nhiều cơ hội luyện tiếng Anh. Vì phải thường xuyên tra cứu để phản hồi học viên nên riết tôi nhớ luôn từ điển ghi thông tin đó ở chỗ nào, từ vựng đó có nghĩa số mấy...", anh Hoàng kể. "Bản thân tôi thích đi thi theo kiểu tự nhiên, vô hỏi gì nói đó chứ không ôn tập nhiều".

Anh Khánh Hoàng tham gia trình bày tại hội thảo quốc tế về giảng dạy tiếng Anh quy mô hàng đầu thế giới diễn ra ở Florida, Mỹ vào năm 2024
ẢNH: NVCC
Sau khi đạt điểm 8.0 kỹ năng nói vào năm 2019, anh Hoàng bắt đầu trau dồi thêm kỹ năng viết, khi này mới chỉ đạt 7.5. Nam giảng viên mua sách của một tác giả chuyên hướng dẫn luyện thi IELTS sau đó chủ động xin đánh giá bài làm từ chính tác giả này. Ngoài ra, anh còn học thêm từ đồng nghiệp trong cơ quan, cũng như quen thuộc với tiếng Anh học thuật hơn nhờ tham gia nghiên cứu ở bậc cao học.
"Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi nghĩ khả năng tự học dù quan trọng thế nào cũng cần có hướng dẫn đúng đắn từ ban đầu. Trên mạng, thông tin và mẹo ôn luyện về IELTS rất nhiều, nhưng không phải nguồn nào cũng chính xác. Nếu học sai hướng sẽ dễ thành thói quen khó sửa. Do đó, các bạn nên tìm nơi để xây dựng nền tảng và nền tảng tốt rồi thì việc tự học sẽ dễ dàng, suôn sẻ hơn", anh Hoàng đúc kết.
Chủ nhân IELTS 9.0 khuyên gì?
Ở kỹ năng nói, giảng viên Lê Khánh Hoàng khuyên thí sinh không học thuộc lòng mà hãy tập trung phản xạ, vì "giám khảo được huấn luyện để phát hiện ra câu trả lời mẫu và sẽ trừ điểm nặng". Giám khảo cũng không chỉ để ý thí sinh phát âm từng từ đúng hay sai mà còn quan tâm đến các yếu tố chunking (chia câu thành đoạn nhỏ), rhythm (nhịp điệu), intonation (ngữ điệu) và stress (trọng âm).
"Nhiều bạn cũng hay sợ trả lời I don't know (tôi không biết) sẽ bị trừ điểm, nhưng thật ra không sao cả. Như hôm thi vừa rồi, giám khảo hỏi tôi vì sao Việt Nam thường chỉ dạy môn hội họa tới THCS mà không dạy tới THPT, tôi nói thẳng là I don't know, that's just how our school system works (tạm dịch: Tôi không biết, hệ thống trường học của chúng tôi vận hành như thế đó), giám khảo cũng Ok và qua câu tiếp theo", anh nhớ lại.
"Giám khảo chỉ chấm khả năng ngôn ngữ chứ không chấm kiến thức, trừ khi những gì bạn nói không thống nhất với nhau hoặc lạc đề", nam giảng viên nhấn mạnh.

Anh Khánh Hoàng cùng các đồng nghiệp Việt Nam tại một hội thảo quốc tế về giảng dạy tiếng Anh tổ chức ở Campuchia năm 2023
ẢNH: NVCC
Với kỹ năng viết, câu hỏi Task 1 của anh Hoàng trong đợt thi mới đây là biểu đồ đường về các loại phạm tội ở hai khu vực, còn Task 2 yêu cầu trình bày quan điểm chính phủ nên trợ giá cho rau củ quả hay đánh thuế thực phẩm không lành mạnh thì tốt hơn.
Ở Task 1, vì gặp dạng biểu đồ mà dữ liệu có thay đổi theo thời gian nên trong phần tóm tắt tổng quan (overview), anh Hoàng nêu rõ xu hướng chung, chỉ ra sự giống, khác nhau và so sánh thứ hạng các đường. Còn trong thân bài, nam giảng viên viết theo từng đường thay vì theo từng mốc thời gian để tránh lặp từ. "Ở Task 2, tôi viết mỗi đoạn một lập luận, chủ yếu diễn giải và dùng dẫn chứng cụ thể để làm rõ ý", anh kể.
"Nhiều bạn sợ gặp dạng này mà không chọn một trong hai sẽ bị trừ điểm, nhưng thật ra đề hỏi ý kiến thì mình cứ nghĩ gì viết đó thôi, không cần theo ý của người ra đề. Các bạn cũng hay sợ mỗi đoạn phải có 2-3 ý mới đủ, nhưng cố gắng nghĩ ra 2-3 ý tưởng để nhét trong 1 đoạn mà không phát triển mỗi ý rõ ràng cũng sẽ làm điểm thấp đi", anh nhấn mạnh.
Ở kỹ năng đọc với nghe, chàng trai TP.HCM nhận định đã phải đối diện với đề khó. Dành lời khuyên cho thí sinh ở phần đọc, anh dặn nên đọc hết văn bản để hiểu ý, đừng chỉ nhìn vào mỗi câu đầu và câu cuối rồi chọn luôn. Ở phần nghe, nam giảng viên khuyên thí sinh tập ghi chú thông tin, đừng chỉ để ý tới từ khóa trong câu hỏi.

Anh Khánh Hoàng nhận bằng thạc sĩ từ ĐH Curtin (Úc) với thành tích thủ khoa vào năm 2023
ẢNH: NVCC
Bên cạnh IELTS 9.0, thạc sĩ Hoàng trước đó từng đạt chứng chỉ CPE hạng A, được cơ quan ngoại giao Mỹ đài thọ tham gia một số hội nghị về giảng dạy tiếng Anh (TESOL) ở Mỹ và Campuchia để chia sẻ về chủ đề dùng AI (trí tuệ nhân tạo) trong hoạt động sư phạm. "Trong tương lai tôi dự định học lên tiến sĩ, nhưng còn phải nghiên cứu và khám phá thêm để xem bản thân thật sự thích gì trước khi ra quyết định", anh Hoàng chia sẻ.