Bác sĩ: Người trẻ hãy bảo vệ thận qua từng bữa ăn

Tiến sĩ - bác sĩ Ngô Thị Kim Oanh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 cho biết, thói quen ăn mặn kéo dài là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu làm tổn thương cấu trúc cầu thận. Khi lượng natri đưa vào cơ thể vượt quá ngưỡng xử lý sinh lý, thận buộc phải tăng cường hoạt động để bài tiết lượng muối dư thừa. Quá trình này dẫn đến tăng áp lực lọc tại cầu thận, kích hoạt hệ renin–angiotensin–aldosterone, từ đó làm tăng huyết áp và thúc đẩy xơ hóa mô kẽ thận.

Người trẻ thường không nhận ra lượng natri "ẩn" trong chế độ ăn hằng ngày, đặc biệt là từ các loại thực phẩm công nghiệp như nước chấm, đồ hộp, thức ăn nhanh... Tình trạng tăng natri mạn tính này không chỉ gây tăng huyết áp mà còn làm tăng bài tiết protein niệu - một chỉ dấu sớm của tổn thương thận mạn.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người trưởng thành nên tiêu thụ ít hơn 5 g muối mỗi ngày, tương đương khoảng 2.000 mg natri. Tuy nhiên, khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy trung bình người Việt đang tiêu thụ gấp đôi ngưỡng khuyến cáo này.

Bác sĩ: Người trẻ hãy bảo vệ thận qua từng bữa ăn - Ảnh 1.

Cần chú ý chế độ ăn uống cân bằng, giảm muối, nên ưu tiên đạm có giá trị sinh học cao như cá, trứng...

ẢNH: LÊ CẦM

Đạm động vật và chế độ giàu protein - con dao hai lưỡi

Protein là dưỡng chất thiết yếu nhưng nếu tiêu thụ vượt nhu cầu, đặc biệt từ nguồn đạm động vật, sẽ gây ra gánh nặng chuyển hóa cho thận. Trong chế độ ăn hiện đại, nhiều người trẻ lựa chọn lối sống "ăn nhiều thịt - ít tinh bột" với mục tiêu giảm cân, tăng cơ. Tuy nhiên, khi lượng protein vượt mức 1,6 g/kg thể trọng/ngày, thận phải tăng lọc để đào thải các sản phẩm chuyển hóa như ure, creatinin và axit uric.

Tình trạng lọc quá mức kéo dài (hyperfiltration) gây tổn thương nội mô cầu thận, tăng sinh tế bào trung mô, dẫn đến xơ hóa mô kẽ - tiến trình nền tảng của suy thận mạn.

Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm bổ sung đạm như whey protein, bột casein hoặc thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc cũng là yếu tố đáng lo ngại, vì nhiều sản phẩm có chứa tạp chất hoặc chất kích thích có thể gây độc cho thận mà người dùng không hề hay biết.

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư thận ở trẻ em

Ở người khỏe mạnh, mức đạm khuyến nghị từ 0,8-1 g/kg/ngày là phù hợp. Riêng với người có yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, tiền tiểu đường, béo phì, tiền sử gia đình có bệnh thận), nên tham khảo ý kiến chuyên gia để điều chỉnh lượng đạm phù hợp và ưu tiên đạm có giá trị sinh học cao như cá, trứng, sữa ít béo, đạm thực vật từ đậu nành, đậu hũ.

Đường tinh luyện và nước ngọt - thủ phạm gián tiếp gây hại cầu thận

Một chế độ ăn giàu đường tinh luyện không chỉ ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose mà còn gây ra tổn thương cầu thận thông qua nhiều cơ chế. Việc thường xuyên sử dụng trà sữa, nước ngọt có gas, bánh ngọt, các loại đồ uống năng lượng (energy drink) làm tăng nguy cơ đề kháng insulin và hội chứng chuyển hóa - những yếu tố nguy cơ cao của tiểu đường loại 2.

Khi glucose máu tăng cao mạn tính, cơ chế lọc tại cầu thận sẽ bị rối loạn, dẫn đến tăng áp lực nội cầu, dày màng đáy và hình thành viêm vi cầu thận tăng sinh. Biểu hiện lâm sàng có thể bắt đầu từ microalbumin niệu và tiến triển dần đến đạm niệu rõ, giảm mức lọc cầu thận (GFR), cuối cùng là suy thận giai đoạn cuối.

Vì vậy, người trẻ nên giảm tối đa tiêu thụ đường bổ sung, đặc biệt từ thức uống công nghiệp, đồng thời tăng cường thực phẩm tươi và nguyên bản, tránh thói quen dùng đường như một "phần thưởng" sau mỗi ngày làm việc.

Chế độ ăn bảo vệ thận và chức năng thận cho người trẻ

Theo bác sĩ Oanh, chế độ ăn giảm muối là nền tảng đầu tiên trong bảo vệ chức năng thận. Người trẻ nên tập thói quen giảm dần lượng muối, nước mắm, bột nêm trong nấu ăn hằng ngày. Thay vì sử dụng gia vị mặn, có thể tăng cường sử dụng các loại gia vị tự nhiên như hành, tỏi, gừng, sả, tiêu, rau thơm để tăng hương vị món ăn mà không cần thêm muối.

Việc tiêu thụ thịt đỏ và phủ tạng động vật nên được giới hạn. Khuyến nghị là không quá 1–2 lần mỗi tuần. Đây là nhóm thực phẩm giàu đạm và purin, nếu ăn nhiều có thể gây tăng gánh nặng chuyển hóa cho thận, đồng thời tăng nguy cơ tăng axit uric và rối loạn lipid máu.

Ngược lại, người trẻ nên ưu tiên đạm lành mạnh từ nguồn cá biển, trứng, sữa ít béo và các loại đạm thực vật như đậu hũ, đậu nành, đậu đen. Các loại đạm này vừa ít gây độc tích nitơ, vừa dễ tiêu hóa, ít ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận.

Rau xanh và trái cây tươi là nhóm thực phẩm không thể thiếu. Mỗi ngày nên cung cấp ít nhất 300–500 g rau và quả chín. Những loại rau như cải bó xôi, rau muống, rau dền, cùng các loại trái cây ít đường như táo, lê, thanh long, sẽ cung cấp chất chống oxy hóa giúp bảo vệ nhu mô thận khỏi tổn thương mạn tính. Tuy nhiên, nếu người bệnh đã có rối loạn kali máu, cần được bác sĩ điều chỉnh lượng phù hợp.

Về ngũ cốc, người trẻ nên chuyển sang sử dụng các loại ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, yến mạch, bánh mì đen, khoai lang luộc. Các thực phẩm này có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ và giúp cải thiện chuyển hóa, đồng thời hỗ trợ điều hòa huyết áp và đường huyết - hai yếu tố then chốt trong phòng bệnh thận mạn.

Lượng nước uống mỗi ngày nên được cá nhân hóa tùy vào nhu cầu hoạt động và môi trường. Trung bình nên uống từ 1,5 đến 2 lít nước lọc/ngày. Không nên ép uống quá nhiều nước nếu cơ thể không có nhu cầu, đặc biệt ở người có dấu hiệu phù hoặc tổn thương thận tiềm ẩn.

"Cuối cùng, chất béo cũng cần được kiểm soát. Người trẻ nên hạn chế sử dụng mỡ động vật, da gà, nội tạng, thay vào đó dùng dầu thực vật có lợi như dầu ô liu, dầu hạt lanh, dầu cá - vốn giàu omega-3 có vai trò kháng viêm và bảo vệ mạch máu thận", bác sĩ Oanh khuyến cáo.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao