Vào cao điểm ô nhiễm không khí

Thường xuyên rất xấu và nguy hại

Tình trạng ô nhiễm không khí ở 2 thành phố lớn của VN tiếp tục diễn biến xấu. Bằng mắt thường, người dân ở Hà Nội và TP.HCM có thể nhìn thấy bầu không khí đậm đặc bụi mịn như sương mù kéo dài gần như suốt cả ngày. Thậm chí, nhiều người có thể cảm nhận rõ hít thở có phần khó khăn, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, mắt và da nếu phải ra ngoài trời thường xuyên. Nhà cửa thì thường xuyên xuất hiện bụi bẩn.

Cảm nhận của người dân trùng khớp với số liệu quan trắc. Đặc biệt như ngày 7.1, Hà Nội đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí với chỉ số AQI là 271. Trong khi đó, TP.HCM đứng ở vị trí thứ 5 với chỉ số AQI là 191. Cụ thể, tại TP.Hà Nội có 8 trạm đo xoay quanh mức rất xấu là 300 và 2 trạm mức nguy hại khi chỉ số AQI vượt 400. Đáng nói, đây không phải là trường hợp cá biệt mà chỉ là một trong những chuỗi ngày ô nhiễm không khí đáng báo động. Trước đó, ngày 2.1, dù đứng thứ 2 thế giới về mức độ ô nhiễm không khí nhưng chỉ số AQI tại Hà Nội lại lên tới con số 290. Có đến 7 trạm đo ở Hà Nội có chỉ số AQI trên 300 - ngưỡng nguy hại tới sức khỏe đối với tất cả mọi người. Cá biệt, tại trạm Hồ Tây, chỉ số AQI đạt tới 461.

Nếu xét về con số thì mức độ ô nhiễm ở TP.HCM có thể chưa bằng Hà Nội nhưng cũng đang ở mức báo động. Cụ thể, ngày 7.1 tại TP.HCM có 3 trạm đo chất lượng không khí cho kết quả mức rất xấu với chỉ số AQI trên 200, 7 trạm khác ở mức cảnh báo đỏ và tiệm cận mức AQI 200.

Vào cao điểm ô nhiễm không khí- Ảnh 1.

TP.HCM vào những ngày chìm trong bụi mịn

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo báo cáo của Bộ TN-MT, trong 10 năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn đã tăng lên mức "đáng lo ngại", tập trung tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, kết quả quan trắc cho thấy ở nhiều vùng nông thôn miền Bắc có những đợt chất lượng không khí suy giảm xuống mức nghiêm trọng, bụi mịn PM 2,5 tăng cao, có trạm vượt 3,5 lần giới hạn quy chuẩn. Thời gian qua, diễn biến ô nhiễm không khí gia tăng trở lại khi các hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Chính phủ và Quốc hội cùng vào cuộc

Hôm qua 9.1, chỉ số ô nhiễm ở Hà Nội có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức xấu. Cụ thể, vào thời điểm khoảng 8 giờ 30 phút, Hà Nội đứng thứ 6 thế giới về mức độ ô nhiễm không khí với AQI là 186. Tuy nhiên, tại một số điểm đo vẫn ở mức rất cao như khu vực Quảng Khánh AQI 238, Tô Ngọc Vân AQI 221, Hồ Tây AQI 210, Quảng Bá AQI 205...

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Ngày 9.1, bộ phận không khí lạnh tăng cường sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở khu vực phía đông Bắc bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực bắc Trung bộ và một số nơi ở phía tây Bắc bộ và trung Trung bộ.

Vào cao điểm ô nhiễm không khí- Ảnh 2.

Một số tuyến đường tại Hà Nội thường xuyên bụi mù mịt

ẢNH: ĐÌNH HUY

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường khiến độ ẩm tăng là điều kiện lý tưởng cho bụi mịn và hơi nước bám chặt vào nhau, gây nên tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài. Theo các chuyên gia, "mùa ô nhiễm không khí" ở các tỉnh phía bắc thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Vào các ngày không khí lạnh về, kèm theo mưa rào nhẹ và đặc biệt là trời ít gió thì mức độ ô nhiễm không khí sẽ gia tăng.

Trong các cuộc họp gần đây của Chính phủ và Quốc hội, chủ đề ô nhiễm không khí cũng được đặc biệt quan tâm. Đơn cử ngày 8.1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết: Năm 2025, Chính phủ sẽ xây dựng và triển khai đề án khắc phục ô nhiễm không khí ở các đô thị. Đây là một trong những nội dung trong việc chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển xanh.

Vào cao điểm ô nhiễm không khí- Ảnh 3.

Tại Hà Nội, nhiều trạm đo ghi nhận chất lượng không khí ở mức nguy hại

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH NGÀY 2.1

Trước đó vào ngày 7.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp và cho ý kiến kế hoạch và đề cương của Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động. Chỉ cần một ngày không lau là mặt bàn, mặt kính đã bị phủ một lớp bụi, ảnh hưởng lớn đến đường hô hấp, sức khỏe của người dân. Các ý kiến đề nghị đoàn giám sát cần đánh giá tổng thể nguyên nhân và nguồn ô nhiễm; rà soát nguồn phát thải công nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất lớn và cả việc đốt rơm rạ, phế phẩm nông nghiệp.

Tại cuộc họp, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cũng thừa nhận ô nhiễm không khí là vấn đề nhức nhối của Hà Nội. Thời gian qua, Chính phủ và UBND TP.Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa thực sự hiệu quả. Theo ông, chúng ta cần học tập bài học kinh nghiệm của các nước và có hành động quyết liệt hơn. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí hiệu quả, cần bắt đầu từ việc sửa đổi luật, nghị định, kèm theo đó là ý thức và hành động quyết liệt của chính quyền địa phương. Bộ TN-MT cũng đã có kế hoạch chi tiết để cùng đoàn giám sát giúp cuộc giám sát thiết thực, chỉ ra giải pháp.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh ở Bắc bộ, bắc và trung Trung bộ trời tiếp tục rét kéo dài đến ngày 12.1. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến từ 9 - 12 độ C, vùng núi từ 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C. Ở khu vực bắc Trung bộ nhiệt độ phổ biến 10 - 13 độ C và ở khu vực từ Quảng Bình đến Huế phổ biến 14 - 17 độ C. Tại Hà Nội, từ ngày 11 - 12.1, trời rét đậm, nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 9 - 12 độ C.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao