Ngày 9.4, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi tên gọi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn tới dự.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn trao quyết định cho Petrovietnam
ẢNH: TTXVN
Petrovietnam viết tắt là PVN, là định danh mới khẳng định đơn vị này là trung tâm của công nghiệp, dịch vụ và năng lượng quốc gia. Trong đó, năng lượng là trụ cột cốt lõi.
Theo quyết định, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo quy định tại luật Dầu khí năm 2022, các hiệp định, văn bản, thỏa thuận và hợp đồng đã ký kết với các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Năm 2024, Petrovietnam đã hoàn thành các chỉ tiêu trọng yếu trên tất cả các lĩnh vực hoạt động như sản xuất xăng dầu, sản xuất điện, sản xuất phân bón. Đặc biệt, chỉ tiêu khai thác dầu thô trong nước đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2024 trước 2 tháng.
Năm 2024 cũng đánh dấu việc 3 năm liên tiếp Petrovietnam phá kỷ lục về tổng doanh thu toàn tập đoàn khi vượt mốc 1 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước dịch Covid-19 (năm 2019) và tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước đạt 165.000 tỉ đồng, tương đương gần 9% tổng thu ngân sách của cả nước.

Petrovietnam và Petronas ký gia hạn chia sản phẩm dầu khí ở lô lô PM3 CAA đến năm 2047
ẢNH: H.P
Tại buổi lễ, Petrovietnam và Petronas đã ký gia hạn hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại lô PM3 CAA thêm 20 năm, kéo dài đến năm 2047.
Ông Lê Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Petrovietnam, cho biết việc gia hạn PSC 20 năm là một quyết định thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp tục hoạt động khai thác dầu khí.
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định, dự án lô PM3 CAA là biểu tượng hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia, đồng thời đánh giá cao Petrovietnam và Petronas khi đã chủ động tìm kiếm những mô hình hợp tác mới.