Vận hành hết công suất để trả hàng sớm nhất
Ngay từ sáng 10.4, khi nhận tin Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hàng hóa của hơn 75 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có VN, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex, đã họp triển khai cho toàn bộ nhân viên trong hệ thống tổ chức thu mua nguyên liệu.
"Nhà máy vận hành hết công suất trên tinh thần "làm ngày, làm đêm" để đáp ứng các đơn hàng đã ký và những hợp đồng bị trì hoãn giao hàng trong thời gian qua. Trước mắt tập trung giải quyết nhanh gọn các hợp đồng này trong thời gian 90 ngày. Nếu có hợp đồng mới cũng phải bảo đảm tiến độ giao hàng sớm trong giai đoạn này. Hiện các đối tác đang ưu tiên hợp đồng cũ, nhưng với rủi ro về thuế như vừa qua thì ngay cả người tiêu dùng Mỹ cũng có tâm lý tích trữ hàng hóa. Do vậy, trong thời gian 90 ngày này, chúng tôi dự đoán khả năng sẽ có thêm đơn hàng mới. Tuy nhiên, khó khăn là hiện tại vụ thu hoạch tôm chỉ mới chuẩn bị bắt đầu nên nguồn nguyên liệu còn hạn chế", ông Nguyễn Văn Kịch chia sẻ.

Các doanh nghiệp dệt may cho biết đang tăng tốc làm các đơn hàng kịp trả trong 90 ngày tới
ẢNH: QUỐC TUẤN
Theo ông Nguyễn Văn Kịch, hiện tại các loại hàng hóa vào Mỹ vẫn chịu thuế 10% nên có một số khách hàng nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải chia mức thuế này, một số lại không muốn trả. Đây cũng là thách thức với nhiều DN thủy sản vì tỷ suất lợi nhuận của ngành này rất thấp, chỉ 2 - 3%, cao nhất là 5%.
"Với mức thuế suất hiện tại, DN không có lãi nhưng chúng tôi vẫn làm vì mục tiêu ưu tiên duy trì hoạt động, giữ chân công nhân và thị trường. Về cơ bản, công ty vừa cố gắng giữ chân khách hàng Mỹ và tranh thủ tìm kiếm các thị trường mới, mở rộng vào các thị trường quan trọng như EU, Nhật Bản. Chính sách mới của Tổng thống Donald Trump chỉ trì hoãn áp thuế 90 ngày và ông ấy là người thường khiến mọi người bất ngờ. Do vậy, điều quan trọng hiện nay mà cộng đồng DN kỳ vọng là những kết quả thuận lợi trên bàn đàm phán sắp tới. Một chính sách thương mại ổn định giữa Mỹ và VN thì DN mới có thể xây dựng chiến lược cho mình", ông Kịch nói.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty may Sài Gòn 3, cũng thông tin, các DN trong ngành đang "tạm giãn căng thẳng", nhưng xác định mọi việc không dễ dàng. "Ngay lập tức phải điều chỉnh lại những giải pháp đã được phác thảo trước đây nhằm ứng phó thuế đối ứng bị áp 46%. Song bối cảnh mới lại khiến chúng tôi có niềm tin khác hơn. Đó là sau 90 ngày, có thể mức thuế sẽ khác con số cũ, bởi suy cho cùng, nếu áp thuế đối ứng 46%, DN cả 2 nước đều thiệt hại, không riêng gì DN xuất khẩu từ VN.
Trước mắt, Mỹ vẫn áp ngay mức thuế bổ sung 10%, cộng dồn vào thuế hiện hành, tổng mức thuế hàng dệt may đưa sang Mỹ lúc này khoảng 28%. Trong khi đó, một số thị trường đang cạnh tranh hàng may mặc xuất sang Mỹ như Bangladesh và Ấn Độ có mức thuế cộng dồn lần lượt là 26% và 25%; chi phí sản xuất của họ lại rẻ hơn mình. Nên trong 3 tháng tới, DN dệt may VN một mặt xây dựng giá cạnh tranh với các đối thủ, mặt khác tăng tìm khách hàng mới, thị trường mới để bổ sung và tạo sự ổn định việc làm nửa cuối năm", ông Phạm Xuân Hồng cho biết.
Các DN ngành gỗ cũng phấn chấn hơn bởi việc chính quyền Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày là hoàn toàn phù hợp với kiến nghị của các DN trước đó. Trước mắt, các DN tăng tốc hoàn thành đơn hàng đang dang dở, đẩy nhanh hơn để kịp giao ra cảng. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN, nhấn mạnh Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và đồ gỗ lớn nhất của VN. Ngoài Mỹ, VN xuất khẩu đồ gỗ sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Tuy nhiên, nhiều thị trường chỉ nhập khẩu dăm gỗ, viên nén hoặc gỗ nguyên liệu, còn sản phẩm nội thất hoàn chỉnh thì gần như chỉ có Mỹ tiêu thụ mạnh và ổn định nhất. "Một số DN đã và đang nỗ lực chuyển hướng thị trường và tranh thủ thuế nhập khẩu gỗ giảm để nhập và xuất sang các nước khác; đặc biệt chú trọng phân khúc cao cấp bởi đây là lĩnh vực có lợi nhuận cao", ông Hoài cho biết.
90 ngày rất gấp nhưng có thể thay đổi tình hình
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận xét việc Mỹ tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày có thể mang lại một "khoảng thở", nhưng không đảm bảo sự ổn định lâu dài. Vì vậy, các DN cần xây dựng cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, trong 3 tháng tới, cần linh hoạt, tăng tốc sản xuất và xuất khẩu, tận dụng thời gian miễn thuế để đẩy mạnh xuất khẩu hàng sang Mỹ, tối ưu hóa chi phí và doanh thu. Đàm phán với đối tác Mỹ ký kết thêm hợp đồng, chốt giá và cam kết giao hàng trong giai đoạn chưa bị áp thuế. Tối ưu logistics và chuỗi cung ứng, tận dụng giá cước vận tải hiện hành, chuẩn bị hàng hóa nhanh, linh hoạt hơn trong giao nhận. Điều quan trọng là cần đánh giá rủi ro chính sách, thành lập nhóm theo dõi tình hình đàm phán Mỹ - Trung hoặc Mỹ và các nước để kịp thời điều chỉnh chiến lược.
Về lâu dài, cần giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ bằng cách mở rộng sang thị trường EU, Đông Nam Á, Ấn Độ, Nhật Bản... Tái cấu trúc sản phẩm và định vị thương hiệu, tập trung phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, ít bị cạnh tranh về giá. Tăng cường năng lực nội tại bằng cách đầu tư vào công nghệ, tự động hóa, kiểm soát chất lượng và chuyển đổi số để tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu. "Bài học từ thực tiễn DN đầu tư nước ngoài (FDI) và đa quốc gia đã và đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu để tránh "điểm nóng" về thuế. DN VN nếu chỉ tập trung xuất khẩu thô sang Mỹ sẽ dễ bị tổn thương nếu có chính sách thuế mới hoặc hàng rào kỹ thuật", PGS-TS Ngô Trí Long nói.
Từ Mỹ, GS Augustina Hà Tôn Vinh cho hay, 90 ngày cho các nước là "rất gấp gáp, rất khó khăn" vì phải giải quyết nhiều vấn đề đặt ra. Thế nên, DN và Chính phủ phải có những kịch bản, cam kết thực chất để củng cố lòng tin. Về phía Mỹ, chính đội ngũ cố vấn và cộng sự của Tổng thống Donald Trump cũng phải tận dụng thời gian 90 ngày để ổn định lại vấn đề, đánh giá phản ứng thị trường và quan sát các đối tác có những hành động, cam kết cụ thể nào. Trước mắt, giải quyết vấn đề cán cân thương mại bằng việc tăng nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa từ Mỹ, thay vì ưu tiên các thị trường khác; trong đó có dược phẩm, máy móc, nguyên phụ liệu hàng dệt may.
"Với DN lớn, máy móc thiết bị từ Mỹ thường có giá cao hơn nhiều thị trường khác, nên có chính sách khuyến khích DN đầu tư mua máy móc từ thị trường Mỹ. Tương tự, chi tiêu đầu tư công cho các dự án Chính phủ làm, nên cân nhắc sử dụng thiết bị, công nghệ của Mỹ. Nếu chúng ta thiết lập các vấn đề mua hàng Mỹ trong chi tiêu công, chi tiêu Chính phủ, đây cũng là dư địa cho thương mại hai nước. 90 ngày không dài, nhưng quyết tâm làm, chúng ta có thể thay đổi được tình thế", GS Hà Tôn Vinh nhấn mạnh.
Quyết định của VN trong việc tham gia đối thoại thiện chí với Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ thông qua việc giảm thuế quan và rào cản phi thuế quan cho thấy đây là hướng đi đúng đắn cho đến thời điểm hiện tại. Các nhà hoạch định chính sách cần được ghi nhận vì sự kiên nhẫn và tính thực tiễn trong cách tiếp cận này. Tuy vậy, bất chấp diễn biến tích cực, các thách thức về thuế quan vẫn còn tồn tại. VN, các DN Mỹ và các đối tác thương mại của Mỹ vẫn phải thích ứng với mức thuế 10%, bên cạnh mức thuế 25% đã được áp dụng đối với thép và nhôm.
Phòng Thương mại Mỹ tại VN (Amcham VN)