Hơn 18.000 doanh nghiệp nước ngoài báo lỗ
"Số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu vẫn có chiều hướng tăng trong nhiều năm", Bộ Tài chính cảnh báo từ dữ liệu báo cáo tài chính năm 2023 của các DN FDI với số lượng DN FDI chi phối có dữ liệu báo cáo tài chính đầy đủ để phân tích là 28.918 DN. Trong đó, có đến 16.292 DN báo lỗ, tăng 21,2%; lỗ lũy kế là 18.140 DN, tăng 15%; lỗ mất vốn chủ sở hữu là 5.091 DN, tăng 15,2%. Đáng lưu ý, giá trị lỗ lũy kế hết năm 2023 là 908.211 tỉ đồng, tăng 20%; giá trị âm vốn chủ sở hữu là 241.560 tỉ đồng, tăng 29%. Dữ liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy tổng tài sản của khối DN FDI có vốn chi phối là hơn 9.957.039 tỉ đồng (tăng 6,8% so với năm trước), các khoản vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư của chủ sở hữu đều tăng, song lợi nhuận lại giảm. Đáng nói, lợi nhuận sau thuế giảm gần 16% nên số tiền nộp ngân sách từ khu vực này giảm mạnh.

Theo Bộ Tài chính, cần tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra đối với các dự án FDI hoạt động không hiệu quả hoặc có dấu hiệu vi phạm
Ảnh: Ngọc Thắng
Bộ này cũng chỉ rõ khu vực DN FDI báo lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác hay hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ. Từ đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát cơ chế, chính sách về đầu tư để kiến nghị Chính phủ sửa đổi hoặc ban hành chính sách đầu tư kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, có thể quản lý, ngăn chặn kịp thời các rủi ro có thể xảy ra; kết nối, khai thác, đối chiếu chéo thông tin chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có vốn FDI, chống xói mòn nguồn thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước...
Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh nhận xét: Con số hơn 50% DN FDI lỗ được cảnh báo từ nhiều năm trước. Đáng nói, trong khi doanh thu và lợi nhuận trước thuế của nhiều DN FDI từ hơn 10 năm trước luôn trong tình trạng tăng đều qua các năm thì tỷ lệ DN báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn cũng tiếp tục gia tăng. "Nhìn tổng quan mấy năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nội địa cũng không mấy khả quan, còn tệ hơn khu vực FDI. Trong tháng đầu năm nay, Tổng cục Thống kê cũng cho biết số DN rút lui khỏi thị trường lên trên 58.000 DN, tăng hơn 8%, tập trung chủ yếu ở quy mô vốn nhỏ dưới 10 tỉ đồng và thời gian hoạt động ngắn.
Tương tự, cùng thời điểm báo cáo tài chính của DN FDI năm 2023 nói trên, VN cũng có hơn 172.000 DN rút lui khỏi thị trường. Nếu làm ăn ngon lành, có lãi, phát triển tốt, chẳng DN nào lại đi rời sân chơi. Năm 2024 khốc liệt hơn, có gần 200.000 DN rút khỏi thị trường", ông Ánh dẫn số liệu và cho rằng DN FDI thua lỗ do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Trong đó, không loại trừ một số DN gặp rủi ro kinh doanh trong đại dịch Covid-19, những năm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, nên thua lỗ, thậm chí phá sản. "Tuy nhiên, hiện tượng chuyển giá trong khối DN FDI mà chúng ta không khắc phục được, không ngăn chặn hay thu hẹp mức độ được là điều đáng lo ngại. Bởi nó tạo quá nhiều hệ quả cho nền kinh tế", ông Ánh khuyến cáo.
Thường một DN đầu tư kinh doanh, gồng lỗ đến năm thứ hai, thứ ba đã tính đường khác. Đằng này, DN làm ăn kiểu gì mà lỗ hàng chục năm, vẫn mở rộng đầu tư nhà xưởng, thu nhập nhân viên tăng, công ty vẫn tồn tại và mở rộng tại thị trường VN? Nhà đầu tư đang kỳ vọng gì ở đây? Phải xem ngay lỗ hổng chính sách của chúng ta ở đâu khiến tình trạng này phổ biến và kéo dài đến vậy? Năng lực quản lý hay họ làm quá tinh vi và hợp lý...?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh
Càng lỗ, càng mở rộng đầu tư
Nhìn từ "lịch sử" các vụ chuyển giá né thuế trước đây, chuyên gia Vũ Đình Ánh phân tích: Theo quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, việc DN trong hay ngoài nước đến và đi, giải thể, phá sản… là do tính cạnh tranh, sự đào thải, thanh lọc tất yếu của thị trường. VN có nền kinh tế mở, khoa học công nghệ phát triển nhanh, môi trường kinh doanh cạnh tranh dữ dội hơn đã tạo sức ép không nhỏ cho DN. Trong bối cảnh đó, nhiều DN FDI liên tục thua lỗ nhưng vẫn hoạt động kéo dài, thậm chí còn mở rộng sản xuất thì ngược với quy luật thị trường. Khả năng cao là thực hiện chuyển giá nên lỗ giả, lãi thật. Chuyển giá là hiện tượng phổ biến trên thế giới, nhất là tại các tập đoàn lớn xuyên quốc gia, nhằm tối đa hóa lợi nhuận, né tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN thông qua tối ưu hóa chênh lệch thuế suất.
Trong đó, cách thức chuyển giá điển hình mà các nhà đầu tư ngoài nước thường áp dụng là thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn. Trong quá khứ, một số trường hợp đã được ngành thuế chỉ ra tại các tập đoàn lớn như Adidas VN, Coca-Cola Vietnam, Pepsi Vietnam… Hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra ngoài, như trường hợp của Công ty Trà Đài Loan, Trà Kinh Lộ, Keangnam Vina...
"Chuyển giá và thua lỗ do chuyển giá không chỉ làm thất thu thuế, vấn đề lớn hơn là làm méo mó tính cạnh tranh giữa các DN trong và ngoài nước nói chung. Đó là lý do DN nội địa vốn đã èo uột, lại càng thu hẹp, biến mất. Nó cũng khiến mặt bằng giá cả hàng hóa không thể hiện được tín hiệu thị trường. Đồng thời chèn ép bất công DN nội địa trong khi DN FDI vốn đã được hưởng nhiều ưu đãi vượt trội. Hệ quả là nền kinh tế gánh chịu", chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: Không thể không nghĩ đến việc chuyển giá khi có hiện tượng bất thường. Câu chuyện DN FDI sử dụng công cụ chuyển giá tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách đã được nói đến từ lâu. Nhiều DN đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, song thực tế cho thấy công tác chống chuyển giá gặp nhiều khó khăn. Vì thế, phải có giải pháp quyết liệt, cấp tốc. Để quá lâu sẽ khiến nền kinh tế mất cân đối, bất bình đẳng. "Khi phê duyệt dự án FDI, cơ quan quản lý cần có cơ chế kiểm tra và đánh giá chặt chẽ. Thậm chí cơ quan cấp phép có thể yêu cầu nhà đầu tư cung cấp cơ chế giá giữa công ty mẹ và các công ty con từ nhiều thị trường; kế hoạch đầu tư kinh doanh có lãi và thuế nộp của DN ra sao để có thể đánh giá tác động nguồn thu trong tương lai", ông Thịnh đề xuất.
Các biện pháp chống chuyển giá của VN tương đối đầy đủ và đa dạng, song việc áp dụng không chỉ đòi hỏi trình độ, khả năng quản lý mà còn cả quyết tâm và đạo đức. Trách nhiệm để chống chuyển giá là ở Bộ KH-ĐT trong chức năng thẩm định dự án, nhà đầu tư. Nay sáp nhập 2 bộ KH-ĐT và Tài chính về với nhau, hy vọng là quản lý về hành vi chuyển giá sẽ hiệu quả hơn.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh