Chiêu trò tình cảm
Một buổi chiều giữa tuần, anh V.V, làm việc tại Q.3 (TP.HCM), bất chợt nhận được tin nhắn tài khoản Viber từ những người hoàn toàn xa lạ. Anh V. kể: "Tôi rất ít khi trả lời tin nhắn của người không quen biết qua mạng xã hội mà chỉ trò chuyện với người đã lưu số, kết bạn. Bữa đó, bỗng dưng có một người - nhìn trên hình đại diện thấy không quen - nhắn: "Bạn cũ, bạn còn nhớ tôi là ai không?". Sau đó có thêm một người nữa, nhắn một câu "anh ơi" rất thân thiết. Tôi thử vào xem ảnh đại diện của người này thì thấy là một cô gái có dáng người khá xinh xắn nhưng quay mặt đi. Nhiều người cho biết chiêu trò này có thể là hình thức bắt đầu làm quen để lừa đảo, tôi cảnh giác nên không bắt chuyện, đồng thời chia sẻ cho người thân thiết biết để cảnh giác với những tin nhắn kiểu như vậy".

Một tin nhắn “đi lạc” với mục đích làm quen sau đó dẫn dụ để lừa đảo trực tuyến
Trong cùng thời điểm, chị N.T.H.N (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng nhận được những tin nhắn "tình cờ" với nội dung: "Chào em, ngày mai bên em có lịch hẹn ký hợp đồng với bên anh, em tranh thủ gửi địa chỉ với thời gian trước để anh sắp xếp nha". Thấy chị N. không phản hồi, số điện thoại lạ tiếp tục nhắn: "Em có thấy tin nhắn thì phản hồi lại cho anh nhé". Trao đổi với PV Thanh Niên, chị H.N khẳng định không có quan hệ làm ăn hay ký kết hợp đồng gì với ai, và những tin nhắn nói trên không biết là vô tình hay cố ý nhầm lẫn. "Đối với người có nhiều kinh nghiệm như tôi thì đây là tin nhắn làm phiền, nhưng sẽ có một số người tò mò trả lời và dần dần làm quen với người giấu mặt đó", chị nói.
Tương tự, chị P.T.X (Q.3, TP.HCM) cũng nhận được những tin nhắn "đi lạc" với nội dung: "Hello sắp tới tôi về VN, Tuấn là người đón tôi ở sân bay đúng không?". Chị X. cho biết tin nhắn này từ số điện thoại lạ, nội dung cũng chẳng liên quan gì đến chị, nhưng chị thắc mắc là tại sao gần đây, số tin nhắn nhầm lẫn lại xuất hiện nhiều đến như vậy?
Mang câu hỏi này gửi đến ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC, thuộc dự án Chongluadao.vn) và chuyên gia an ninh mạng khẳng định: "Đây là hình thức lừa đảo tình cảm, bắt đầu bằng những tin nhắn lạc địa chỉ để rồi làm quen, kết bạn sau đó dẫn dụ để lừa đảo. Đối tượng thường giới thiệu là quân nhân, nhân viên chính phủ, nhân viên ngoại giao nước ngoài hoặc Việt kiều… để tạo lòng tin; đa phần có hoàn cảnh gia đình éo le, vợ mất…". Theo ông Hiếu, đa phần các đối tượng này sau khi tạo được niềm tin, làm quen một thời gian sẽ đưa nạn nhân vào các bẫy đầu tư chứng khoán, tiền ảo, hoặc có thể gửi đường link chứa mã độc để xâm nhập tài khoản ngân hàng.
Thực tế, cơ quan công an đã nhận được trình báo về nhiều vụ lừa đảo trực tuyến có tình huống xuất phát ban đầu tương tự như trên. Có nhiều trường hợp, sau một thời gian làm quen, đối tượng lừa đảo dùng những lời lẽ quan tâm, hỏi han, thậm chí hẹn hò rồi hứa tặng tiền, quà có giá trị cao để phối hợp với kẻ khác gạt tiền đóng phí. Gần đây thì xuất hiện nhiều trường hợp dụ dỗ góp vốn đầu tư, tham gia các sàn ảo để lừa đảo. Theo cơ quan công an, hầu hết nạn nhân là phụ nữ, đủ các nhóm tuổi, thông thường là phụ nữ cô đơn (chưa kết hôn hoặc hôn nhân không hạnh phúc), phụ nữ trung niên, cao tuổi không sinh sống cùng con cái nhưng có tài sản nhàn rỗi.
Ông Ngô Minh Hiếu khuyến cáo: "Hầu hết các trường hợp lừa đảo tình cảm dụ dỗ đầu tư đều xuất phát từ những tin nhắn làm quen, quan tâm ngọt ngào như vậy. Cách tốt nhất để tự bảo vệ là tuyệt đối không trả lời, lập tức khóa/chặn ngay những tài khoản hoặc số điện thoại lạ có nội dung nhắn nhầm hoặc làm quen, đặc biệt, đối với những tài khoản mạng xã hội có hình đại diện là trai xinh gái đẹp thì cần phải đề phòng hơn".
Cơ quan công an cũng khuyến cáo: Các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số CCCD, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc chỉ quen biết qua mạng xã hội, chưa biết rõ nhân thân, lai lịch, cảnh giác đối với các trường hợp nhắn tin làm quen qua mạng xã hội, dụ dỗ đầu tư sinh lời cao hoặc hứa hẹn tặng quà đắt tiền từ nước ngoài…
Cảnh giác với công cụ AI
Đưa ra khuyến cáo với cộng đồng mạng, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế thuộc Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cảnh báo: "Mấy ngày gần đây, các ứng dụng chỉnh sửa ảnh bằng AI đột nhiên hot trở lại trên các nền tảng mạng xã hội, mới nhất là ứng dụng chỉnh sửa quần áo, trang phục theo các mẫu có sẵn. Trào lưu sử dụng ứng dụng (app) để tạo ra các hình ảnh gây cười hoặc độc đáo có thể ngay lập tức thu hút người dùng. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý là những ứng dụng kiểu này sẽ đòi hỏi quyền truy cập thư mục ảnh trên thiết bị. Đây là quyền hết sức nhạy cảm và nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân là rất cao".

Bộ Công an gửi cảnh báo về tình trạng ghép hình ảnh nhạy cảm bằng AI nhằm tống tiền nạn nhân
Ảnh: Khang Ka
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, với sự phát triển của AI hiện nay thì hình ảnh là loại dữ liệu rất có giá trị. AI có thể cho biết một người là ai, sở thích thế nào, thường đi những đâu, thậm chí là quen những ai... chỉ thông qua các bức ảnh. Do vậy, tình trạng thu thập ảnh và bán lại cho các công ty khai thác, sử dụng dữ liệu là khá phổ biến. Hậu quả trước mắt, có thể người dùng sẽ nhận nhiều quảng cáo làm phiền, lâu dài có thể ảnh bị lợi dụng để phục vụ các mục đích khác như lừa đảo, tống tiền.
Theo một số chuyên gia an ninh mạng, bên cạnh thu thập thông tin cá nhân, các ứng dụng AI còn có thể cắt ghép hình ảnh của người dùng, ghép mặt vào các video clip có nội dung nhạy cảm để lan truyền với ý đồ xấu.
"Nếu không thực sự biết rõ về nguồn gốc, xuất xứ, bạn không nên tải về các ứng dụng kiểu này. Không gian mạng nguy hiểm, nhưng dữ liệu có bị lộ lọt hay không một phần do ý thức của chính bạn", ông Vũ Ngọc Sơn khuyến cáo.
Hôm qua 21.2, Bộ Công an thông qua hệ thống tin nhắn SMS cũng đưa ra cảnh báo với nội dung cụ thể hơn: "Bộ Công an cảnh báo xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng các hình ảnh, video của người dân được công khai trên không gian mạng để chỉnh sửa, cắt, ghép tạo nội dung nhạy cảm nhằm đe dọa, tống tiền. Người dân cần cảnh giác khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có nội dung tống tiền thì không chuyển tiền khi bị đe dọa; khi phát hiện dấu hiệu bị lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất và phản ánh qua ứng dụng VNeID".
Qua theo dõi, giám sát tình hình phản ánh tin nhắn rác đến giữa tháng 2.2025, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng VN (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin cho biết đang nổi lên những "chiêu thức" lừa đảo từ tin nhắn và cuộc gọi rác. Trong đó nổi lên là hành vi giả mạo thương hiệu công ty bảo hiểm để gửi tin nhắn/gọi điện thoại với nội dung "được nhận tiền bảo hiểm" hoặc đề nghị "thanh toán tiền bảo hiểm" nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Đối tượng lừa đảo sử dụng số điện thoại lạ, giả mạo gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại dẫn dụ khách hàng liên hệ nhân viên của công ty bảo hiểm hoặc các tổ chức bảo hiểm để nhận tiền bảo hiểm hoặc liên hệ công an xác minh mặc dù có khách hàng chưa tham gia bảo hiểm.
Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo: Người dân không cung cấp hợp đồng bảo hiểm; không cung cấp CCCD; không cung cấp số tài khoản cá nhân và các chứng từ cá nhân khác… và cần vào các trang web chính thống của công ty bảo hiểm để tra cứu thông tin khi cần thiết.