Nhiều điểm cần làm rõ
Một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ KH-ĐT đề xuất là chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech). Theo đó, Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro đối với sandbox trong hoạt động fintech, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hóa. Các giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính sẽ được thực hiện từ ngày 1.7.2026. Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.

Bộ KH-ĐT đề xuất thí điểm cho giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính tại VN
Ảnh: T.N
Tuy nhiên, góp ý về đề án xây dựng nghị quyết này, Bộ Tài chính cho rằng hiện nay chưa có quy định về tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Trong khi đó, việc quản lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa sẽ theo quy trình từ phát hành, sở hữu, giao dịch, cấp phép cung cấp dịch vụ, bảo mật thông tin, việc sử dụng trong các giao dịch dân sự, vấn đề quản lý để đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia. Do còn nhiều nội dung cần nghiên cứu trước khi ban hành chính sách, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH-ĐT sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định việc triển khai thí điểm các chính sách liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa mà không đề cập các chính sách cụ thể. Đồng thời, do việc triển khai chính sách về tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính có nhiều nội dung cần nghiên cứu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, có ảnh hưởng tác động đến đảm bảo an ninh tài chính nên đề nghị bỏ quy định về thời gian thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ ngày 1.7.2026.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng bày tỏ băn khoăn nếu cho phép giao dịch tiền mã hóa thì lựa chọn những đồng nào? Hiện nay ngoài Bitcoin là đồng tiền được nhiều tổ chức chấp nhận thì còn lại hàng trăm đồng tiền số khác được phát hành từ những đơn vị khởi nghiệp, không có gì bảo chứng. Tiền số vẫn chưa được giao dịch ở nhiều quốc gia. Hơn nữa, VN vẫn là một quốc gia rất thận trọng về thị trường tài chính. Ngay như vấn đề truyền thống như trái phiếu địa phương mà các tỉnh thành cũng chưa được quyền phát hành. Chính sự thận trọng đó đã giúp VN không bị chao đảo trong các cuộc khủng hoảng tài chính thế giới như các năm 1997 hay 2008. Tài sản mã hóa, tiền mã hóa là xu hướng nhưng đi kèm rủi ro lớn và cần thiết phải nghiên cứu rất sâu. Theo ông Hiển, giao Chính phủ quy định việc triển khai thí điểm các chính sách liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa là hợp lý và không nhất thiết phải đặt ra ngay thời gian giao dịch cụ thể.
Trung tâm tài chính có còn hấp dẫn?
Nếu lập trung tâm tài chính nhưng chưa có giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa thì có hấp dẫn hay không? Theo TS Trần Hùng Sơn, Trường ĐH Kinh tế Luật, nên cân nhắc cấp phép hoạt động thử nghiệm cho các sàn giao dịch tiền mã hóa đã được các nước như Mỹ, Anh, các thành viên EU và các quốc gia khác chấp nhận. Việc này cũng sẽ tạo cơ sở thu thuế đối với hoạt động đầu tư này. Những sàn giao dịch có sẵn đã được các quốc gia cấp phép rồi thì sẽ dễ hơn và cũng thu hút được nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia. Ông Sơn nhận định đã gọi là chính sách thí điểm có kiểm soát thì chúng ta cần đưa ra luôn khi trung tâm tài chính hình thành và đây sẽ là một chính sách góp phần phát triển trung tâm tài chính của VN.

Vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về cấp phép giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa tại VN
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đồng quan điểm, luật sư Trần Anh Đức, Công ty luật A&O Shearman, cho hay đã có nhiều đối tác nước ngoài quan tâm tìm hiểu đến lĩnh vực fintech tại VN, trong đó bao gồm việc có được mở sàn giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa hay không? Giao dịch tài sản mã hóa và tiền mã hóa cũng được một số trung tâm tài chính trên thế giới chấp thuận nhưng cũng có nơi chưa cho phép. Tuy nhiên, VN giờ mới hình thành trung tâm tài chính nên có thể cho thí điểm giao dịch ở phạm vi hẹp; đây cũng là điểm hấp dẫn để thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài. Luật sư Đức nhấn mạnh: "Đã gọi là thí điểm, cơ chế sandbox thì VN có quyền hoàn toàn giới hạn số tiền giao dịch, loại tài sản mã hóa được giao dịch và ngay cả đối tượng nào được phép giao dịch. Nếu lo ngại rủi ro thì giai đoạn đầu sẽ áp dụng ở phạm vi khá hẹp và dần dần mở rộng hơn nhưng vẫn trong trung tâm tài chính. Tương tự, các cơ chế sandbox cho fintech cũng nên thoáng hơn".
Trong khi đó, xoay quanh cơ chế sandbox đối với hoạt động fintech, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hóa, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng hiện Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ để ban hành quy định về cơ chế sandbox cho fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Do đó, Bộ KH-ĐT nên đề xuất mở rộng hơn về sandbox cho fintech bao gồm cả 3 lĩnh vực là ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Cả ba lĩnh vực này đều thuộc thị trường tài chính nên cần thiết phải mở rộng và phù hợp khi cho thí điểm trong các trung tâm tài chính của VN. Bên cạnh đó, cần cân nhắc có cần thiết lập sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa hay không khi các tài sản này đều là giao dịch điện tử, giao dịch số được thực hiện trên môi trường số. Đồng thời, trước khi cho phép đưa vào giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa cần phải làm rất rõ về nội hàm của nó.
Theo Bộ KH-ĐT, việc triển khai chính sách sandbox sẽ tạo ra môi trường phát triển an toàn cho fintech tại VN, cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro, giúp xây dựng trung tâm tài chính hiện đại, cạnh tranh, bền vững. Mô hình sandbox giúp các startup fintech thử nghiệm ý tưởng với chi phí thấp hơn và ít rủi ro pháp lý. Cơ chế này cũng tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi thấy các mô hình kinh doanh được thử nghiệm trong môi trường có kiểm soát. Sandbox giúp doanh nghiệp fintech thử nghiệm các mô hình mới như blockchain, tài sản mã hóa, ngân hàng số mà không phải tuân theo các quy định truyền thống ngay lập tức; tạo cơ hội phát triển thị trường tài chính số, VN có thể trở thành điểm đến cho các startup fintech trong khu vực. Các trung tâm tài chính lớn như Singapore, Hồng Kông, Anh, Úc đều có mô hình sandbox để thúc đẩy fintech. Nếu VN triển khai sandbox hiệu quả sẽ thu hút thêm nguồn vốn đầu tư quốc tế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường fintech khu vực. Tuy nhiên, cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ để ngăn ngừa lừa đảo tài chính.