Nguy cơ cá ngừ 'hết đường' vào Mỹ

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Cục Quản lý đại dương và khí quyển Mỹ (NOAA) mới ra thông báo về phán quyết sơ bộ không công nhận tương đồng về các biện pháp quản lý và bảo tồn thú biển của Việt Nam đối với 12 nghề khai thác hải sản, bao gồm: nghề lưới rê, lưới cuốn, lưới vây, câu, lưới kéo đơn/ đôi… khiến các loài hải sản bị ảnh hưởng bao gồm cá ngừ mắt to/ vây xanh/ vây vàng/vằn, cá kiếm, mực, cá mú, cá thu, cá hồng, cua...

Nguy cơ cá ngừ 'hết đường' vào Mỹ- Ảnh 1.

Cá ngừ của Việt Nam đứng trước nguy cơ không vào được thị trường Mỹ vì luật Bảo vệ động vật có vú ở biển

ẢNH: CHÍ NHÂN

Điều này liên quan tới luật Bảo tồn các loài động vật có vú ở biển hay còn gọi là luật Bảo vệ thú biển (MMPA), được ban hành ngày 1.1.2017. Theo luật này, Mỹ áp dụng quy định "công nhận tương đồng trong khai thác" với các sản phẩm nhập khẩu. Luật áp dụng cho tất cả các nước đang xuất khẩu sản phẩm hải sản khai thác biển vào nước này.

Luật yêu cầu phải quản lý, kiểm soát việc đánh bắt ngẫu nhiên các loài thú biển (như hải cẩu, cá voi, bò biển, lợn biển, rái cá…) của một số nghề cá được nêu tại Danh sách nghề cá nước ngoài (LOFF).

Theo phán quyết sơ bộ mà NOAA mới đưa ra, Việt Nam chưa có sự đảm bảo chắc chắn về việc triển khai các biện pháp quản lý, giám sát để hạn chế gây sát thương, đánh bắt không chủ ý đối với thú biển, đồng thời đảm bảo sự tương thích so với các quy định của Mỹ.

"Việt Nam mới chỉ dự kiến một số hoạt động giám sát thú biển bị đánh bắt không chủ ý mà chưa ban hành thành quy định cụ thể", NOAA đánh giá. Cơ quan này cũng yêu cầu Việt Nam khẩn trương bổ sung bằng chứng và tiến độ thực hiện kế hoạch quản lý đối với các nghề khai thác, đảm bảo tương thích với quy định của Mỹ trước ngày 1.4.2025. Kết luận cuối cùng sẽ được công bố trước ngày 30.11.2025.

Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất trên thế giới. Đối với ngành cá ngừ Việt Nam, Mỹ là đối tác nhập khẩu hàng đầu, luôn chiếm trên 35% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong suốt 10 năm qua.

Xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ lập đỉnh vào năm 2022 với kim ngạch đạt gần 487 triệu USD. Năm 2024 là 388 triệu USD. Về sản phẩm, Mỹ luôn dẫn đầu về nhập khẩu cá ngừ đóng hộp và thịt/loin cá ngừ của Việt Nam.

VASEP cho biết: "Nếu sản phẩm hải sản bao gồm cả cá ngừ, có nguồn gốc từ các nghề khai thác không được công nhận tương đồng với quy định của Mỹ sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 1.1.2026".

Xuất khẩu tôm, cá tăng mạnh trong quý 1

Trong quý 1/2025, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch 2,45 tỉ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 3, giá trị xuất khẩu đạt gần 889 triệu USD, dù vẫn tăng gần 20% nhưng đà tăng trưởng có dấu hiệu chững lại so với hai tháng đầu năm.

Tôm tiếp tục là mặt hàng chủ lực với kim ngạch gần 932 triệu USD, tăng gần 36%. Sự tăng trưởng vượt bậc này đến từ nhu cầu tăng mạnh thị trường lớn như Trung Quốc (Tết Nguyên đán), Mỹ và EU, nơi các hiệp định thương mại như EVFTA đang phát huy hiệu quả. Cá tra cũng đóng góp 465 triệu USD, tăng 13%. Giá nguyên liệu ổn định cùng chiến lược đẩy mạnh sản phẩm giá trị gia tăng đã giúp tôm và cá tra duy trì vị thế dẫn đầu.

Trái ngược với bức tranh lạc quan trên thì hải sản biển lại đối mặt thách thức lớn. Cụ thể là mặt hàng cá ngừ, trong tháng 3 chỉ đạt 83 triệu USD, giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ; lũy kế quý 1 đạt 223 triệu USD chỉ tăng 3,6%.

Dù tăng nhẹ, nhưng mặt hàng này đang chịu nhiều áp lực từ quy định IUU của châu Âu. Trong đó quy định kích thước cá ngừ tối thiểu 0,5m đã khiến cho nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu bị thắt chặt. Hiện nay, EU vẫn áp dụng thẻ vàng với lĩnh vực khai thác hải sản của Việt Nam.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao