Nhiều hộ gia đình, nhà đầu tư quan tâm trở lại
Theo Quyết định 768 ngày 15.4 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch phát triển nguồn điện lực quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỷ lệ 28 - 36% vào năm 2030; định hướng đến năm 2050 lên đến 74 - 75%. Thế nên, điều chỉnh Quy hoạch điện 8 nêu rõ sẽ tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.
Đặc biệt, ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời (ĐMT), trong đó có ĐMT trên mái nhà dân, trung tâm thương mại, mái các công trình xây dựng, mái nhà xưởng, khu công nghiệp, tại các cơ sở sản xuất kinh doanh… tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia. ĐMT tập trung phải kết hợp với lắp đặt pin lưu trữ với tỷ lệ tối thiểu 10% công suất và tích trong 2 giờ. Dự kiến đến năm 2030 tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ đạt 26.066 - 38.029 MW; ĐMT khoảng 963.000 MW (gồm ĐMT mặt đất là 837.400 MW, mặt nước 77.400 MW và mái nhà 48.200 MW)…
Cũng trong tháng 4, Bộ Công thương đã ban hành quyết định phê duyệt khung giá phát điện áp dụng cho loại hình nhà máy ĐMT. Trong đó, giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng với nhà máy ĐMT mặt đất không có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa cho các khu vực dao động từ 1.012 - 1.382,7 đồng/kWh; ĐMT nổi không có hệ thống pin tích trữ cho các khu vực từ 1.228,2 - 1.685,8 đồng/kWh; ĐMT mặt đất có hệ thống pin tích trữ, mức tối đa cho các khu vực từ 1.149,86 - 1.571,98 đồng/kWh; ĐMT nổi có hệ thống pin tích trữ, mức tối đa cho các khu vực từ 1.367,13 - 1.876,57 đồng/kWh. Đặc biệt, mức giá tối đa của khung giá phát điện loại hình nhà máy ĐMT có hệ thống pin tích trữ có công suất tối thiểu 10% công suất nhà máy và thời gian lưu trữ/xả là 2 giờ; tỷ trọng sản lượng điện sạc chiếm 5% sản lượng nhà máy ĐMT.
Việc có khung giá phát ĐMT là tiền đề quan trọng để nhà đầu tư quyết định quay lại với loại hình đầu tư này sớm hơn. Trong thực tế, từ sau khi có Nghị định 135/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; kế đó là các nghị định hướng dẫn luật Điện lực về phát triển năng lượng tái tạo, nhiều hộ gia đình bắt đầu đầu tư lắp ĐMT mái nhà để sử dụng. Đặc biệt, một số doanh nghiệp từng có nhu cầu lắp điện để phục vụ sản xuất đã tái khởi động việc tìm hiểu để lắp ĐMT.

Hệ thống điện mặt trời tại đảo Trường Sa
ẢNH: EVNSPC
Ông Nguyễn Tấn Tài, chủ đầu tư trại gà tại Bình Dương, cho hay cơ sở ông đang làm việc với công ty cung cấp tấm pin mặt trời và pin dự trữ điện để lắp hệ thống ĐMT trên mái trại nuôi gà. "Giá điện sản xuất tăng, trong khi chăn nuôi trong mấy năm gần đây lỗ nhiều hơn lãi. Chúng tôi từ 3 trại nay gom còn 1 trại, trại thì chạy quạt gió suốt ngày suốt đêm, giờ điện sản xuất tính cả thuế giá trị gia tăng dùng bình thường gần 2.000 đồng/kWh, giờ cao điểm gần 3.500 đồng/kWh. Chi phí tiền điện dùng cho sản xuất tăng, nên tôi muốn lắp ĐMT để tiết kiệm và cũng làm mát mái nhà trang trại", ông Tài cho biết.
Ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ năng lượng Alena, thông tin sau khi một số chính sách mới liên quan năng lượng tái tạo được ban hành, lượng khách hàng tìm các giải pháp tiết kiệm điện gia tăng. Theo ông Ánh, nếu đầu tư đúng mức, ĐMT mái nhà có thể giúp khách hàng tiết kiệm đến 50 - 70% tiền điện mỗi tháng; đặc biệt khi điện sạch là xu thế bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
Khuyến khích người dân lắp ĐMT để dùng
Trong bối cảnh tiêu thụ điện mùa nắng tăng cao, chi phí sản xuất của doanh nghiệp cần co kéo để cạnh tranh hàng hóa trong nước và xuất khẩu, ĐMT mái nhà tự sản tự tiêu là giải pháp quan trọng và cấp thiết.
Mới đây, tại tọa đàm về năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp, do Báo Người Lao động tổ chức, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực VN (EVN), thông tin hệ thống điện quốc gia đang phải huy động đa dạng các nguồn điện, trong đó có những nguồn có chi phí rất cao như điện chạy từ dầu (giá thành 4.000 - 5.000 đồng/kWh). Thế nên khi người dân và doanh nghiệp đầu tư ĐMT mái nhà theo mô hình tự sản tự tiêu sẽ giúp giảm nhu cầu điện lưới, từ đó giảm gánh nặng đầu tư truyền tải và hạn chế huy động các nguồn điện giá cao.
"Điều này không chỉ có lợi cho hệ thống mà còn tiết kiệm trực tiếp chi phí cho người sử dụng", ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh và cho rằng với hộ gia đình, lợi ích dễ thấy nhất là tiết kiệm tiền điện hằng tháng, đặc biệt trong mùa nắng nóng. Còn đối với doanh nghiệp, ngoài việc giảm áp lực tăng chi phí sản xuất, ĐMT tự sản tự tiêu giúp tăng khả năng cạnh tranh, giúp doanh nghiệp nói riêng và VN nói chung tiến gần hơn đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thi công lắp đặt điện mặt trời mái nhà
ẢNH: ĐỘC LẬP
Tại TP.HCM, nắng nóng liên tục trong tháng 4 đẩy chi phí tiền điện của người dân tăng mạnh. Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), nhấn mạnh với loạt chính sách liên quan ĐMT được quy định gần đây, đặc biệt là Nghị định 135/2024, Nghị định 58/2025 mới đây, tình hình quan tâm đến loại hình điện tái tạo này đã có sự chuyển biến tích cực. Ngành điện TP đã chủ động khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020 khi Quyết định 11 và 13 có hiệu lực. Tính đến năm 2021, TP.HCM có hơn 14.000 hệ thống ĐMT mái nhà với tổng công suất khoảng 350 MWp. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế rõ ràng sau thời điểm đó, việc đầu tư cho ĐMT áp mái bị chững lại.
"Trong vài tháng gần đây, đã có khoảng 500 khách hàng, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn quay lại đầu tư hệ thống ĐMT mái nhà với công suất gần 46 MWp. Con số này tương đương khoảng 15% so với giai đoạn cao điểm trước năm 2021. Đáng lưu ý, các doanh nghiệp lớn như Samsung và nhiều nhà máy tại khu công nghiệp cũng đang lên kế hoạch triển khai hệ thống ĐMT trên mái nhà xưởng, hứa hẹn góp phần tăng đáng kể sản lượng ĐMT tại TP.HCM", ông Bùi Trung Kiên thông tin, đồng thời khuyến khích người dân nếu lắp hệ thống ĐMT nên lắp thêm hệ thống lưu trữ để có thể chủ động hơn khi điện gặp sự cố mất điện.
Chuyên gia năng lượng Trần Văn Bình đánh giá một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, rõ ràng, thống nhất… thì nguồn điện tái tạo sẽ tăng tốc tốt bởi VN có nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời vô cùng phong phú.
Phát triển năng lượng sạch không chỉ mang lại lợi ích về mặt môi trường mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Việc tăng tốc nguồn năng lượng sạch sẽ là lợi thế lớn để giúp VN thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Ngoài các chính sách mới ban hành gần đây, cần xây dựng các chính sách ưu đãi, cơ chế giá điện hợp lý và đặc biệt phải có chính sách ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Đã điều chỉnh Quy hoạch điện 8, cũng cần quyết liệt hơn để nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện để đảm bảo khả năng tiếp nhận nguồn năng lượng tái tạo của người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Chuyên gia năng lượng Trần Văn Bình