Sáng 29.4, tại kỳ họp thứ 22, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn.

Nhà xưởng xây trên đất nông nghiệp ở H.Thanh Trì (Hà Nội) vừa bị báo chí phản ánh
ẢNH: KHẮC HIẾU
Theo nghị quyết, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Có 71 hành vi vi phạm hành chính (quy định từ điều 8 đến điều 29 của Nghị định số 123 của Chính phủ) sẽ bị áp dụng mức tiền phạt cao gấp 2 lần quy định tại Nghị định số 123, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điều 24 của luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần cá nhân.
Theo nghị quyết, cá nhân có hành vi chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt từ 20 - 60 triệu đồng với diện tích đất từ 3 ha trở lên.
Đối với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã, theo đề xuất thì cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 300 - 400 triệu đồng với diện tích đất từ 0,1 ha trở lên.
Đối với cá nhân có hành vi chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã thì bị phạt từ 300 - 400 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,5 ha trở lên…

Giám đốc Sở NN-MT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại trình bày tờ trình tại kỳ họp
ẢNH: KHẮC HIẾU
Trước đó, trình bày tờ trình về việc đề nghị ban hành nghị quyết, Giám đốc Sở NN-MT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, việc nâng mức tiền phạt quy định tại khoản 1 điều 33 luật Thủ đô năm 2024 sẽ nâng cao tính răn đe và ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh trên toàn địa bàn.
"Đây là biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, một trong những yêu cầu và đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay", ông Đại bày tỏ.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội Hoàng Thị Thuý Hằng cho biết, việc ban hành nghị quyết là một biện pháp hữu hiệu đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, hạn chế, phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.
Ban Pháp chế nhận định, trong 71 hành vi được nêu trong tờ trình, có nhiều hành vi vi phạm mang tính phổ biến trong thời gian qua; hoặc là những hành vi vi phạm dẫn đến hậu quả khó khắc phục, thậm chí không khắc phục được, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và uy tín của chính quyền các cấp.