Lương thưởng tết 'xót ruột' vì bị trừ thuế

Ai cũng bị trừ thuế thu nhập cá nhân

Tuần qua, Cẩm Hà (nhân viên văn phòng ở TP.HCM) rất mừng khi nhận được lương tháng 13 và một khoản tiền thưởng dịp Tết Ất Tỵ 2025. Cô cho biết đây là năm thứ hai đi làm sau khi tốt nghiệp ĐH nên cũng là lần đầu có lương, thưởng do làm tròn 1 năm (năm trước làm chưa đủ nên không có lương tháng 13). Tuy nhiên, cầm tháng lương 13 lại thấp hơn các tháng trước khiến cô ngỡ ngàng. Khi được kế toán giải thích, Hà mới biết là bị tạm trừ 10% thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Lương thưởng tết 'xót ruột' vì bị trừ thuế- Ảnh 1.

Mọi khoản lương, thưởng Tết âm lịch đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân

ẢNH: NGỌC THẮNG

Chính phủ cần xem xét tăng mức GTGC cho người nộp thuế nhanh chóng. Hiện nay nên quy định mức GTGC theo 4 lần lương tối thiểu vùng là phù hợp nhất đối với VN. Hằng năm lương tối thiểu vùng sẽ được Chính phủ điều chỉnh và cũng sẽ dựa trên quy mô kinh tế, thu nhập bình quân của người dân… và đã có sự cân nhắc của các bộ ngành liên quan. Khi đó, tự động cơ quan thuế sẽ áp dụng mức GTGC tương ứng mà không cần phải có đề xuất hay động thái nào khác.


Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang

Chúng ta có thể đề xuất chỉnh sửa ngay những quy định không phù hợp bất kỳ lúc nào, nhất là để đảm bảo cho đời sống của nhiều người dân không bị ảnh hưởng. Việc sửa đổi này có thể thực hiện nhanh mà không cần phải chờ để sửa toàn diện cả luật Thuế TNCN.

Luật sư Trương Thanh Đức

"Chưa kịp vui với lương thưởng tết thì bị trừ thuế. Trong năm vừa qua lương của em cũng bị tạm trừ thuế 10%. Kế toán nói qua tết xong thì sẽ làm thủ tục để hoàn lại thuế vì theo ước tính thu nhập của em không vượt mức quy định lên ngưỡng chịu thuế. Biết là có thể nhận lại được nhưng mà bị trừ trước không thấy vui", Hà chia sẻ.

Tương tự, chị Thu Hồng (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết: Cuối năm, công ty cũng chi tiền lương, thưởng thì bất kỳ khoản nào cũng bị trừ thuế TNCN. Cụ thể, ngoài lương tháng 13 đã bị trừ như các tháng trong năm thì cá nhân chị còn được thưởng 4 triệu đồng do đạt danh hiệu xuất sắc cũng chỉ còn thực nhận 3,6 triệu đồng. Tổng cộng số tiền thuế bị tạm khấu trừ cho cả lương, thưởng dịp tết 2025 của chị lên hơn 2 triệu đồng. Chị chia sẻ, dù năm nào cũng bị tạm trừ nhưng năm nay cảm thấy "xót" hơn vì mấy ngày cuối năm chị bắt đầu mua sắm những đồ cần thiết cho mùa tết thì thấy đa số hàng hóa đã tăng giá so với ngày thường và cũng tăng mạnh so với tết năm trước. Thậm chí đến giờ này chị vẫn chưa mua quà tết cho hai bên nội ngoại và phải tính toán, cân đong xem có còn đủ để tự thưởng cho mình chiếc đầm mới hay không...

Trường hợp với anh Trung Tú tại TP.HCM thì Tết Ất Tỵ 2025 cũng chỉ được nhận thêm tháng lương 13. Năm nay công ty chi lương tháng 13 từ đầu tháng 12 vừa qua và anh bị khấu trừ thuế TNCN lên đến mức thuế suất tối đa 35% khi cộng chung thành 2 tháng lương. Mặc dù được xem là có thu nhập thuộc dạng khá nhưng anh cho rằng nếu tính ra thì lương tháng 13 thực nhận sau thuế chỉ mới vừa đủ để cả gia đình 4 người mua vé máy bay hai chiều đi về thăm ông bà tại một tỉnh miền Bắc trong dịp tết. Còn lại các khoản quà tặng, lì xì con cháu hay biếu ông bà thì phải tiết kiệm trong cả năm mới đủ.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng theo quy định tại luật Thuế TNCN, mọi khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động đều thuộc diện thu nhập chịu thuế. Trong đó bao gồm các khoản tiền lương tháng 13, 14... hay tiền thưởng tết. Điều này có nghĩa là người lao động nhận tiền lương, thưởng tết bằng tiền mặt, bằng quà hay hình thức khác (ví dụ cổ phiếu) vẫn sẽ được tính gộp vào thu nhập từ tiền lương, tiền công để làm cơ sở tính thuế. 

Mức tạm khấu trừ thuế bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào doanh nghiệp, thấp thì 10% hoặc có nơi sẽ thu đủ theo từng tháng thì sẽ trừ cao hơn. Đối với người làm việc thời hạn ngắn (lao động dưới 3 tháng) cũng sẽ bị tạm khấu trừ 10% (tương tự như đối với thu nhập vãng lai). Chỉ ngoại trừ một số khoản tiền thưởng đặc thù đã có quy định rõ là được miễn thuế như tiền thưởng kèm theo danh hiệu thi đua do nhà nước phong tặng; tiền thưởng từ các giải thưởng quốc gia, quốc tế được nhà nước công nhận; tiền thưởng liên quan đến sáng chế, phát minh, cải tiến kỹ thuật…

Gánh nặng chi tiêu cản bước về quê: Người mẹ rơm rớm 'mong trúng số để...'

Xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh

Lương, thưởng tết bị trừ thuế TNCN một lần nữa lại khiến mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) lạc hậu của luật thuế này gây bức xúc.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét: Có quá nhiều quy định về thuế TNCN đang bất hợp lý. Chẳng hạn, thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên khiến nhiều cá nhân, người lao động mới được thưởng thêm tí tiền dịp Tết âm lịch đã bị tạm trừ ngay 10%. Nếu doanh nghiệp nào áp dụng đúng quy định, tính đủ thuế TNCN trong tháng thì có người sẽ bị trừ thuế suất lên mức đến 30% hay thậm chí 35% khi có thêm lương, thưởng tết. Ví dụ, nếu bình thường lương của một cá nhân là 15 triệu đồng/tháng, sau khi GTGC thì chỉ đóng ở bậc 1 là thuế suất 5% trên mức 4 triệu đồng (sau khi trừ GTGC 11 triệu đồng). 

Nếu doanh nghiệp trả thưởng tết thêm hai tháng lương thì tổng cộng trong tháng 1 cá nhân này nhận lên đến 3 tháng lương là 45 triệu đồng. Khi đó, thuế TNCN có thể sẽ bị thu thuế lên đến 25% nếu doanh nghiệp thu đủ theo từng tháng. Mức thuế tạm thu này sẽ phải đợi đến tháng 3.2026 mới tính chung cả năm 2025, sau quyết toán và cá nhân mới có thể được hoàn trả lại nếu số thuế phải nộp trong năm thấp hơn. Người lao động bị "thiệt thòi" do biểu thuế TNCN quá dày nên khi nhận lương, thưởng sẽ bị tăng thuế suất phải nộp. Hơn nữa, mức GTGC cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc được quy định cố định đến hiện nay đã quá lạc hậu khi mọi hàng hóa đều tăng giá.

"Chính phủ cần xem xét tăng mức GTGC cho người nộp thuế nhanh chóng. Hiện nay nên quy định mức GTGC theo 4 lần lương tối thiểu vùng là phù hợp nhất đối với VN. Hằng năm lương tối thiểu vùng sẽ được Chính phủ điều chỉnh và cũng sẽ dựa trên quy mô kinh tế, thu nhập bình quân của người dân… và đã có sự cân nhắc của các bộ ngành liên quan. Khi đó, tự động cơ quan thuế sẽ áp dụng mức GTGC tương ứng mà không cần phải có đề xuất hay động thái nào khác", luật sư Trần Xoa đề xuất.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Nếu căn cứ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để cộng dồn sau nhiều năm khi tăng đủ 20% mới điều chỉnh mức GTGC thì quá lâu. Bởi chỉ số CPI những năm vừa qua chỉ tăng ở mức thấp. Đáng nói là chỉ số CPI lại có quá nhiều mặt hàng, bao gồm cả ăn uống bên ngoài, chi tiêu du lịch, xây dựng nhà cửa… Trong khi đó, những hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân thường tăng cao hơn rất nhiều so với chỉ số CPI. Đời sống của nhiều gia đình có thu nhập trung bình đã bị tác động mạnh nhưng với quy định không thay đổi thì khiến họ thêm khó khăn. Đây là điều chưa hợp lý.

Vì vậy, ông Đức đề xuất nên xem xét nâng mức GTGC cho người nộp thuế và người phụ thuộc càng sớm càng tốt trong khi chờ sửa đổi nhiều quy định trong luật Thuế TNCN. Việc sửa đổi mức GTGC nên được tính theo cơ sở lương tối thiểu vùng thì hợp lý hơn là dựa trên CPI. Hằng năm, mức lương tối thiểu vùng đã được Chính phủ tính toán và cân nhắc hợp lý về nhiều khía cạnh từ mức thu nhập và chi tiêu của người dân. Đồng thời lương tối thiểu vùng được cập nhật thường xuyên sẽ hợp lý hơn khi làm cơ sở để tính mức GTGC cho người nộp thuế TNCN.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao