Không nên 'bắt' thuế thu nhập cá nhân chờ CPI

Quy định lạc hậu nên không thể kéo dài

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 4/2024 của Bộ Tài chính vừa diễn ra, lãnh đạo cơ quan này cho biết sẽ theo dõi sát sao chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để báo cáo điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Không nên 'bắt' thuế thu nhập cá nhân chờ CPI- Ảnh 1.

Cần sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo quy định hiện hành, trong trường hợp CPI biến động trên 20% so với lần điều chỉnh GTGC gần nhất, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh cho phù hợp. Từ lần điều chỉnh GTGC gần nhất (năm 2020) đến nay, cập nhật cả CPI năm 2024 tăng 3,63% thì hiện tại CPI chưa vượt ngưỡng 20%. Dù vậy, theo lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí (Bộ Tài chính), nếu trong năm 2025 CPI có biến động, có thể Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có nghị quyết liên quan đến việc điều chỉnh mức GTGC theo đúng quy định.

CPI tăng bằng và vượt 20% thì đương nhiên phải điều chỉnh tăng GTGC vì luật Thuế TNCN đã quy định rõ. Nhưng theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), quy định cộng dồn CPI lên bằng 20% mới sửa đổi GTGC là không hợp lý. Ví dụ, mức tăng CPI 3% vào năm 2020 sẽ khác mức tăng 3% vào năm 2024 vì quy mô của nền kinh tế đã tăng lên rất nhiều, không phải cứ đơn thuần cộng vào là được.

Tương tự, quan điểm cho rằng mức GTGC cho người nộp thuế hiện nay đã hơn 2,2 lần mức thu nhập bình quân đầu người/tháng, cao hơn so với mức phổ biến các nước đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần cũng không hợp lý. Bởi thu nhập bình quân đầu người của các nước lên đến 6.000 - 7.000 USD/tháng thì chỉ cần mức GTGC bằng 1 lần là đã cao hơn nhiều so với VN.

"Quy định mức GTGC được neo theo chỉ số CPI của VN đã được chỉ ra rất lạc hậu, nên cần sửa nhanh mà không cần chờ sửa luật để đảm bảo đời sống của người nộp thuế trên mức trung bình. Chúng ta cần thay đổi tư duy khi xây dựng chính sách về thuế TNCN. Chính sách thuế này phải theo nguyên tắc lấy thu trừ chi như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì mới hợp lý", ông Thịnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa phân tích, nếu cộng thêm CPI năm 2025 thì cũng không chắc rằng sau 5 năm sẽ tăng hơn 20% theo quy định để điều chỉnh GTGC. Hơn nữa, thực tế rất nhiều hàng hóa đã tăng giá cao hơn nhiều, nhất là nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà người lao động phải chi tiêu hằng ngày. Ví dụ, giá xăng RON 95-III tháng 12.2020 do Petrolimex công bố chỉ ở mức dưới 16.500 đồng/lít (vùng 1) thì đến tháng 12.2024 là 21.000 đồng/lít. Không kể có những đợt biến động lên xuống khá thấp trong thời kỳ đại dịch và sau đó thì giá xăng đã tăng gần 30% trong vòng 4 năm gần nhất. Đây chỉ là một loại hàng hóa mà tất cả người dân đều sử dụng. Trong khi đó có vô số sản phẩm, dịch vụ khác có mức tăng cao hơn trong những năm vừa qua. Vì vậy nếu cứ chờ cho đến khi CPI cộng dồn bằng 20% mới điều chỉnh GTGC thì đời sống nhiều gia đình dù rơi vào diện nộp thuế TNCN nhưng lại không đủ chi tiêu hay không thể tiết kiệm được đồng nào.

"Trong khi chờ sửa đổi toàn diện luật Thuế TNCN dự kiến đến năm 2026 mới được Quốc hội thông qua, thì ngay trong năm nay Chính phủ cần xem xét điều chỉnh mức GTGC cho người nộp thuế. Việc chỉnh sửa này là hợp lý, phù hợp với tình hình KT-XH của VN, đồng thuận với người dân như các chính sách mà Chính phủ đã đưa ra", luật sư Trần Xoa nêu ý kiến.

Sửa luật thuế TNCN, bỏ quy định về CPI

Trước đó, tại Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án luật Thuế TNCN (thay thế) trong tháng 11.2024, Bộ Tài chính đánh giá mức GTGC hiện hành đã được áp dụng từ năm 2020 đến nay, cần đánh giá lại để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện mới. Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú; nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp; xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế...

Theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Hiệp hội DN TP.HCM), khi sửa luật Thuế TNCN, điều quan trọng nhất là phải thay đổi cơ sở tính mức GTGC cho người nộp thuế. Nên quy định mức GTGC bằng 4 lần lương tối thiểu vùng. Lương tối thiểu vùng hằng năm do Chính phủ quy định sau khi đã lắng nghe ý kiến từ đại diện của người lao độngngười sử dụng lao động nên khá phù hợp với tình hình KT-XH chung, có tính đến yếu tố vùng, miền khác nhau.

Quy định này cũng giúp cho chính sách ổn định, đơn giản và dễ thực hiện. Các cơ quan liên quan và Chính phủ sẽ không cần báo cáo, đề xuất lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh khi CPI biến động như hiện nay. Kế đến là giảm từ 7 bậc thuế xuống còn 5 bậc và thuế suất cao nhất giảm từ 35% xuống còn 25%. Đồng thời thu nhập chịu thuế đối với thuế suất cao nhất nâng từ 80 triệu đồng trở lên theo quy định hiện nay lên trên 120 triệu đồng. Bởi các ngưỡng quy định áp dụng theo từng bậc thuế suất hiện nay quá thấp và cũng lạc hậu so với tình hình phát triển của KT-XH VN.

Luật sư Trần Xoa cũng nhấn mạnh cần thiết phải thay đổi về nguyên tắc tính mức GTGC cho người nộp thuế. Nên quy định mức GTGC bằng 4 lần lương tối thiểu vùng. Hằng năm, lương tối thiểu vùng sẽ được Chính phủ điều chỉnh và cũng dựa trên quy mô kinh tế, thu nhập bình quân của người dân… và đã có sự cân nhắc của các bộ, ngành liên quan. Khi đó, tự động cơ quan thuế sẽ áp dụng mức GTGC tương ứng mà không cần phải có đề xuất hay động thái nào khác. Song song đó, biểu thuế TNCN được rút gọn từ 7 bậc xuống còn 4 bậc và thuế suất tối đa chỉ ở mức 30%. Bởi thuế TNDN hiện hành chỉ áp dụng ở mức 20% và thậm chí thấp hơn trong một số lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi. Hơn nữa, các DN chỉ nộp thuế sau khi đã trừ hết các chi phí hợp lý, hợp lệ. Nếu bị thua lỗ, DN còn được chuyển lỗ trong thời gian 5 năm. Ngoài ra, DN còn được giảm thuế thu nhập đến 30% trong những giai đoạn đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh… Trong khi đó, cá nhân nộp thuế thu nhập thì hầu như không có ưu đãi gì.

"Quy định về ngưỡng GTGC cố định sẽ dễ bị lạc hậu. Việc xây dựng luật Thuế TNCN sửa đổi nên hướng đến chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu. Nhà nước không nên lo lắng nguồn thu từ mức thuế này sụt giảm, bởi nếu người làm công ăn lương nộp thuế ít hơn thì lại có tiền nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn. Từ đó tiêu dùng trong nước gia tăng sẽ góp phần kích thích sản xuất, tăng trưởng kinh tế thì các nguồn thu từ các loại phí hay sắc thuế khác sẽ gia tăng", luật sư Trần Xoa phân tích.

Cho người nộp thuế khấu trừ các chi phí thiết yếu

Nên nâng mức GTGC cho người phụ thuộc lên bằng 60% mức GTGC người nộp thuế (hiện nay mức GTGC cho người phụ thuộc bằng 40% mức GTGC người nộp thuế); sửa đổi điều kiện về người phụ thuộc là người có thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng lên là người có thu nhập bằng 1 tháng lương tối thiểu vùng… Thậm chí, song song với việc tăng mức GTGC thì cũng phải xem xét việc cho phép người nộp thuế giảm các chi phí thiết yếu như học hành, khám chữa bệnh, thuê nhà ở và lãi vay mua nhà ở xã hội.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao