Không để chính sách visa chậm trong kỷ nguyên mới của đất nước

Độ mở chính sách của Việt Nam xếp cuối bảng?

Nhìn lại quá trình mở cửa của ngành du lịch sau đại dịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ bày tỏ tiếc nuối khi Việt Nam đã đánh mất thời cơ vàng đưa du lịch tiến kịp và vượt các nước trong khu vực ASEAN, nguyên nhân chính là do chính sách mở cửa visa quá chậm. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang tiến vào kỷ nguyên mới, ông Kỳ hy vọng, chính sách visa không bị chậm thêm một lần nữa.

Không để chính sách visa chậm trong kỷ nguyên mới của đất nước- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Corporation tại hội thảo

ẢNH: ĐỘC LẬP

Trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2025 đạt 8% và trên 10% trong giai đoạn tiếp theo, dịch vụ được xác định đóng góp 8 - 8,5% và du lịch đóng góp 3,4 - 3,6% năm 2025. Ngành du lịch cũng đặt mục tiêu đầy tham vọng để trở thành động lực kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển bền vững của đất nước. Các định hướng chiến lược giai đoạn 2025 - 2030 gồm tăng trưởng lượng khách quốc tế đạt 25 - 30 triệu lượt khách vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng trung bình 10 - 12% mỗi năm, củng cố vị thế Việt Nam trong top điểm đến châu Á. Doanh thu du lịch góp 36 tỉ USD vào GDP, tương đương 12 - 14% tổng GDP quốc gia, thông qua việc tối ưu hóa chi tiêu của du khách.

Mặt khác, Đảng và Nhà nước đã xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển của kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Trong đó, du lịch là ngành có tỷ trọng đóng góp kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân lớn nhất - trên 90%. Như vậy, du lịch phải được xác định là ngành trọng điểm cần tập trung phát triển.

Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân so sánh trong thị trường ASEAN, Việt Nam đang đứng thấp nhất về chỉ số phát triển du lịch và lữ hành, về cạnh tranh điểm đến trực tiếp cũng như các chính sách xúc tiến, quảng bá. Riêng về chính sách visa, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhìn nhận Việt Nam có điểm mạnh đó là áp dụng evisa tới 80 quốc gia, nhiều hơn các nước. Thời gian lưu trú cho các thị trường miễn visa từ 30 - 45 ngày, không phải ở mức thấp so với mức trung bình từ 30 - 90 ngày của các nước. Giá visa nhập cảnh vào Việt nam cũng thấp hơn các nước - 25 USD, trong khi để xin visa vào các nước phải tốn 30 - 60 USD.

Chính sách visa có tác động gì đến quyết định của du khách?

Tuy nhiên, nếu so về số lượng các nước được miễn visa và thời gian làm thủ tục thì Việt Nam vẫn còn khá "yếu". Việt Nam hiện chỉ miễn thị thực cho 25 quốc gia trong khi Thái Lan đã mở rộng số quốc gia được miễn thị thực từ 57 lên 93 và nâng số quốc gia được áp dụng cấp thị thực tại cửa khẩu từ 19 lên 31. Malaysia cũng miễn thị thực cho 158 quốc gia... Thời gian xử lý thủ tục xin evisa của các nước cũng chỉ khoảng 1 - 2 ngày, có nước xử lý chỉ trong 14 tiếng, nhưng vào Việt Nam phải mất từ 3 - 5 ngày. Độ linh hoạt điều chỉnh chính sách của các nước cũng hơn Việt Nam. Điển hình như Thái Lan, chỉ trong 90 ngày sau đại dịch, nước này đã có 15 lần thay đổi chính sách visa.

"Điều đó cho thấy các nước chỉ coi chính sách visa là công cụ để kéo khách vào nên có thể linh động thay đổi liên tục. Còn Việt Nam thì coi visa là "khóa", mà để "mở khóa" thì sẽ lâu. Mở visa không phải câu chuyện mới. Chúng ta đã nói chuyện này từ rất nhiều năm trước, đã có rất nhiều kiến nghị xác đáng, nhưng tại sao kiến nghị miệt mài vẫn không giải quyết được?" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu vấn đề.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, chính sách visa sẽ được thiết kế dựa theo quan điểm của Chính phủ muốn phát triển du lịch đến đâu, có thật sự muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hay không. Nếu quan điểm giữa các bộ, ngành còn khác nhau thì chính sách không thể xây dựng được. Chỉ khi định vị được mức độ đóng góp, mục tiêu phát triển của ngành du lịch thì chính sách mới "may đo" và quyết định nhanh được. "Nếu Chính phủ coi du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn thì visa là chìa khóa đầu tiên cần mở để đón khách vào" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.

Không để chính sách visa chậm trong kỷ nguyên mới của đất nước- Ảnh 2.

Những ý kiến đóng góp trong hội thảo sẽ được Báo Thanh Niên ghi nhận, tổng hợp và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết

ẢNH: ĐỘC LẬP

Mở visa linh hoạt dưới nhiều loại hình

Với quan điểm trên, lãnh đạo Vietravel đề xuất: Bên cạnh hình thức miễn thị thực theo quốc tịch, Việt Nam có thể cân nhắc triển khai các chính sách miễn visa linh hoạt, hướng đến những nhóm khách có giá trị cao và nhu cầu đặc thù. Cụ thể, có thể áp dụng miễn visa từ 15 đến 30 ngày cho các đối tượng như khách cao cấp (mức chi tiêu từ 2.000 - 5.000 USD), khách MICE, nhóm du khách trẻ gen Z dưới 35 tuổi, hoặc khách đi thăm thân - với hình thức xác minh qua hóa đơn, thư mời hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ.

Đối với khách đặt tour trọn gói qua các doanh nghiệp uy tín như Vietravel, Saigontourist, hoặc quá cảnh tại các sân bay quốc tế (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng), có thể áp dụng chính sách miễn visa trong thời gian từ 15 đến 72 giờ. Bên cạnh đó, các chương trình đặc biệt như "Welcome Back to Vietnam" dành cho khách quốc tế từng đến Việt Nam trong vòng 5 năm, hay chính sách miễn visa theo mùa thấp điểm kéo dài 30 ngày cũng có thể góp phần tăng trưởng lượng khách trở lại.

Riêng với Phú Quốc, tiếp tục duy trì chính sách miễn visa 30 ngày cho du khách nhập cảnh trực tiếp từ nước ngoài và mở rộng truyền thông về quyền lợi của người mang thẻ APEC - được miễn thị thực 60 ngày cho mục đích công tác. Ngoài ra, có thể tính toán mở visa theo sự kiện, mở theo mùa... và có kế hoạch dài hạn để các địa phương và doanh nghiệp đủ thời gian quảng bá, xúc tiến tới các thị trường.

"Để chính sách đạt hiệu quả tối đa, cần có sự phối hợp đồng bộ trong chiến lược triển khai - từ nâng cấp hạ tầng du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và trải nghiệm khách hàng, đến tăng cường hoạt động quảng bá thông qua các nền tảng số, đặc biệt là OTA và mạng xã hội. Với định hướng này, Việt Nam không chỉ mở rộng thị phần khách quốc tế mà còn định vị hình ảnh một điểm đến cởi mở, thân thiện và hấp dẫn trên bản đồ du lịch toàn cầu" - ông Kỳ nhấn mạnh.



Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao