Gia đình 4 đời may cờ Tổ quốc, bán hơn 1.000 cờ/ngày cận lễ

Tăng ca sản xuất cờ Tổ quốc

Những ngày tháng 4 lịch sử, bà Đặng Thị Đàn (69 tuổi) nói không khí tại xưởng may cờ Tổ quốc của gia đình ở làng nghề Từ Vân (xã Lê Lợi, H.Thường Tín, Hà Nội) rộn ràng hơn bao giờ hết.

Gia đình 4 đời may cờ Tổ quốc, bán hơn 1.000 cờ/ngày cận lễ - Ảnh 1.

Bà Đặng Thị Đàn, mẹ ông Phục, một trong số ít những người thêu cờ Tổ quốc

ẢNH: MINH NHÂN

Hơn 20 nhân công làm việc hết công suất, hòa cùng tiếng máy khâu, máy cắt, sản xuất cả ngàn lá cờ mỗi ngày để kịp trả hàng nhân dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.

"Từ khi sinh ra, hình ảnh cờ đỏ sao vàng đã in sâu trong tâm trí tôi", ông Nguyễn Văn Phục (50 tuổi, con trai bà Đàn) - thế hệ thứ 4 gìn giữ nghề thiêng liêng này - tâm sự.

Điện thoại đặt hàng reo liên tục, chủ xưởng bận đến mức không có thời gian nghỉ ngơi. Ông vừa bọc cẩn thận từng lá cờ, vừa chỉnh máy cắt vải, rồi hướng dẫn từng nhân viên về đường kim mũi chỉ.

Gần đến ngày lễ 30.4, xưởng tuyển thêm người, tận dụng những nhân công nhàn rỗi trong làng, đào tạo người trẻ. Họ tăng ca đến tối mới sản xuất kịp lượng đặt hàng của các địa phương trên khắp cả nước.

"Ngày thường, xưởng sản xuất khoảng 800 lá cờ, thì gần ngày lễ, con số này tăng gấp rưỡi", ông Phục nói, cho biết sản phẩm đa dạng từ cờ thêu, cờ may đến băng rôn, khẩu hiệu.

Chủ xưởng cho biết có khoảng 10 công đoạn để làm ra một lá cờ Tổ quốc, một trong những khâu đầu tiên và quan trọng nhất là chọn vải từ làng La Khê (Q.Hà Đông). Ông nói vải tốt, màu sắc đẹp, tươi mới có thể may nổi bật từng đường kim mũi chỉ.

Gia đình 4 đời may cờ Tổ quốc, bán hơn 1.000 cờ/ngày cận lễ - Ảnh 2.
Gia đình 4 đời may cờ Tổ quốc, bán hơn 1.000 cờ/ngày cận lễ - Ảnh 3.

Xưởng sử dụng thiết bị cắt vải hiện đại chuẩn xác, giúp cải thiện năng suất

ẢNH: MINH NHÂN

Hộ sản xuất còn trang bị máy móc hiện đại, lập trình tự động trên máy tính nên độ chính xác cao, tốc độ cắt vải nhanh, chi tiết, sắc nét hơn, giúp cải thiện năng suất.

"Chúng tôi không chỉ may cờ chuẩn xác, mà còn gửi gắm vào đó lòng thành kính với Tổ quốc. Từ việc chọn vải, căn chỉnh ngôi sao vàng cho đến tỷ lệ, kích thước… tất cả đều phải đạt tiêu chuẩn và mang tính chuẩn mực tuyệt đối", ông Phục cho hay.

Gìn giữ nghề truyền thống

Không đơn thuần là một nghề thủ công, may cờ ở làng Từ Vân được xem như một sứ mệnh dù chỉ còn gần 10 hộ lành nghề với hơn 100 nhân công.

Bà Đàn kể, làng Từ Vân có nghề thêu tranh dân gian từ thế kỷ 16 nhưng nghề thêu, may cờ thì mới có từ năm 1945. Năm đó, để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa, Ủy ban cách mạng đã về làng đặt may cờ đỏ sao vàng.

Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, những người thợ may, nghệ nhân trong làng Từ Vân được tuyển vào hợp tác xã trên phố Hàng Bông để sản xuất cờ Tổ quốc.

"Đó là thời khắc lịch sử và cũng là dấu mốc "khai sinh" nghề may cờ của làng Từ Vân", bà Đàn kể.

Gia đình 4 đời may cờ Tổ quốc, bán hơn 1.000 cờ/ngày cận lễ - Ảnh 5.
Gia đình 4 đời may cờ Tổ quốc, bán hơn 1.000 cờ/ngày cận lễ - Ảnh 6.

Công đoạn in hình ngôi sao lên lá cờ

ẢNH: MINH NHÂN

Sau năm 1975, đặc biệt là khi mở cửa kinh tế, nhiều người trong làng gác lại nghề may cờ đi buôn bán mang lại thu nhập cao hơn. Nghề dần mai một, bà Đàn dặn con trai phải học nghề truyền thống của gia đình. Ông Phục nối nghiệp, bắt đầu học từ những mũi chỉ thêu cờ.

Để bắt kịp nhu cầu của thị trường, vợ chồng ông Phục đã ứng dụng máy móc hiện đại vào việc may cờ, để sản phẩm đẹp và chính xác, năng suất cao hơn. Những đợt cao điểm, ông chỉ giữ lại các đơn đặt cờ may còn đơn đặt cờ thêu được phân chia cho các nghệ nhân trong làng.

Bà Đàn nói thêu cờ đòi hỏi sự tỉ mỉ và chỉn chu, trước tiên cần biết thêu từng sợi chỉ vàng trên khung vải đỏ. Người thợ lành nghề phải thêu sao cho tay phải giật đều, chỉ bóng, mặt căng, phẳng, theo hàng.

Gia đình 4 đời may cờ Tổ quốc, bán hơn 1.000 cờ/ngày cận lễ - Ảnh 7.

Thêu cờ đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉn chu

ẢNH: MINH NHÂN

Để hoàn thiện một lá cờ thêu tay mất tới 2 ngày, với những người chưa thạo nghề có khi mất đến cả tuần. Do đó, giá thành bán tại xưởng của một lá cờ thêu tay từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng, tùy kích cỡ, cao hơn nhiều lần so với cờ được may bằng máy.

"Thêu tay đem lại nét mềm mại cho lá cờ mà máy móc không thể", bà Đàn nói.

Đối với những người dân làng Từ Vân, may cờ Tổ quốc là vinh dự. Mỗi lá cờ được làm ra đều mang đến niềm tự hào vì mang một phần linh hồn của dân tộc.

Ông Phục khoe đã từng may lá đại kỳ 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc để treo ở cột cờ Lũng Cú, H.Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - cực bắc của Tổ quốc.

"Sinh ra trong gia đình truyền thống làm nghề may cờ Tổ quốc, niềm vui của tôi là được nhìn thấy những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp mọi miền đất nước", ông Phục chia sẻ.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao