Giao thông công cộng TP.HCM đang 'lột xác'

Hết thời phải lo đổi tiền lẻ đi xe buýt

Sáng qua 11.4, Sở Giao thông công chánh TP.HCM tổ chức lễ công bố thanh toán không tiền mặt theo công nghệ mở "Open-loop" trên xe buýt, đồng thời ra mắt thẻ thanh toán liên thông cho các phương tiện giao thông công cộng.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở Giao thông công chánh TP.HCM - cho biết TP.HCM là một trong những đô thị lớn nhất cả nước, với mật độ dân số cao và lượng phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng. Việc phát triển mạng lưới và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng là giải pháp quan trọng trong chương trình tổng thể đảm bảo trật tự an toàn giao thông của TP, giảm thiểu số lượng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.

Đến nay, TP đang có hệ thống xe buýt 138 tuyến, với khoảng hơn 2.200 phương tiện xe buýt hoạt động, vận chuyển bình quân hơn 350.000 lượt hành khách/ngày và tuyến metro số 1. Tuy nhiên, hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt của TP còn hạn chế các chính sách giá vé liên thông cho hành khách, trong khi người dân chưa có thói quen sử dụng thanh toán tự động. Vì vậy, từ tháng 6.2024, Sở Giao thông công chánh đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý giao thông công cộng phối hợp cùng các đơn vị thực hiện triển khai giải pháp thanh toán không tiền mặt theo hình thức xã hội hóa. Đến nay, giải pháp thanh toán liên thông không tiền mặt đã được triển khai lắp đặt, vận hành trên tuyến metro số 1 và các phương tiện xe buýt thuộc 62/108 tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP theo mô hình thanh toán EMV Open-loop. Dự kiến, tới tháng 5, sẽ có hơn 2.000 phương tiện xe buýt được lắp đặt thiết bị đầu đọc thẻ.

Giao thông công cộng TP.HCM đang 'lột xác'- Ảnh 1.

TP.HCM đang tổ chức kết nối, liên thông các loại hình phương tiện công cộng để tạo thành chuỗi giao thông công cộng hoàn chỉnh thuận tiện nhất

ẢNH: SỞ GIAO THÔNG CÔNG CHÁNH

Nói rõ hơn về hệ thống thanh toán điện tử, đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết tiếp nối thành công trong việc triển khai hệ thống thanh toán không tiền mặt cho tuyến metro số 1, Sacombank tiếp tục đồng hành cùng Sở Giao thông công chánh TP.HCM mở rộng mô hình thanh toán mở (Open-loop) cho toàn bộ hệ thống xe buýt của TP. Đây là giải pháp thanh toán hiện đại, cho phép hành khách sử dụng đa dạng phương thức thanh toán như thẻ ngân hàng, ví điện tử, Apple Pay/Samsung Pay/QR code... để chi trả nhu cầu đi lại chỉ với một chạm. Hiện nay, chủ thẻ Mastercard và Visa của bất kỳ ngân hàng nào trong hoặc ngoài nước phát hành đều có thể thanh toán khi đi xe buýt thông qua thiết bị đầu đọc đặt ngay trên xe. Dự kiến từ tháng 5.2025, hệ thống sẽ tiếp tục mở rộng để chấp nhận thẻ nội địa Napas, sau đó đến JCB, UnionPay...

Sử dụng xe buýt từ thời còn là sinh viên đại học cách đây 10 năm, chị Minh Lam (ngụ Q.7, TP.HCM) vô cùng hào hứng với hệ thống thanh toán 1 chạm. Chị chia sẻ: "Thời đó sinh viên chủ yếu mua vé tháng nên khá tiện, kể cả mua vé lượt thì cũng có nhiều tiền mặt, tiền lẻ. Sau này, mọi hoạt động chủ yếu thanh toán qua app, đi đâu nhiều khi chỉ cần mang cái điện thoại, chỉ trừ mỗi xe buýt. Có lần lên xe mới phát hiện không mang tiền mặt, phải loay hoay nhờ bé sinh viên ghế trên đổi cho 10.000 đồng tiền mặt để trả tiền vé, rất bất tiện. TP.HCM hiện đã có metro, triển khai hệ thống vé điện tử liên thông như này là quá hợp lý".

Người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng giao thông công cộng

Trước khi hiện đại hóa hệ thống thẻ vé, từ nửa cuối năm ngoái, TP.HCM đã bắt đầu tăng tốc công cuộc "đổi màu" 100% xe buýt. Sau 4 năm chỉ có 1 tuyến xe buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) khai thác thí điểm, chỉ trong tháng cuối năm 2024, TP.HCM đã mở thêm 17 tuyến buýt điện mới để "gom" khách cho tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc lột xác hình ảnh xe buýt và tích hợp các loại hình giao thông công cộng. Đến nay, TP.HCM có 168/2.221 xe buýt sử dụng năng lượng điện và 528 xe sử dụng khí thiên nhiên nén (CNG).

Nhìn lại quá trình phát triển giao thông công cộng của TP, Giám đốc Sở Giao thông công chánh Trần Quang Lâm cho biết TP.HCM là một trong những địa phương phát triển sớm nhất giao thông công cộng trên cả nước. Từ sau khi đất nước thống nhất năm 1975, TP đã kế thừa và phát triển mạng lưới xe buýt, từ mô hình hợp tác xã, sau này hình thành, lớn mạnh lên thành các doanh nghiệp xe buýt. Tuy nhiên, TP xác định chỉ xe buýt thì chưa giải quyết được nhu cầu đi lại của một siêu đô thị tới 10 triệu dân. Phải có mạng lưới đường sắt đô thị. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2035, TP phải hoàn thiện ít nhất 7 tuyến đường sắt đô thị với tổng số 355 km, chưa kể tuyến nối trung tâm TP tới Cần Giờ và tuyến kết nối sân bay Long Thành.

Giao thông công cộng TP.HCM đang 'lột xác'- Ảnh 2.

Tuyến metro số 1 giúp tỷ lệ người sử dụng giao thông công cộng tại TP.HCM tăng 7% chỉ trong quý 1

ẢNH: PHẠM HỮU

"Chỉ trong vòng 10 năm nữa thôi, chắc chắn hệ thống giao thông của TP.HCM sẽ cơ bản hiện đại. Hệ thống giao thông công cộng sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ bức tranh giao thông TP. Điều này đã được chứng minh: Từ khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị số 1, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng của TP.HCM tăng đều. Chỉ trong quý 1/2025 ghi nhận tỷ lệ tăng gần 7%. Cùng với đó, việc chuyển đổi các tuyến xe buýt sang xe sử dụng năng lượng xanh, thay đổi diện mạo, chất lượng dịch vụ thì xu hướng người dân chuyển đổi từ giao thông cá nhân sang giao thông công cộng ngày càng rõ nét hơn. Đây là những thành quả bước đầu cho thấy TP đang đi đúng hướng và có những kết quả được định lượng một cách rõ ràng qua các con số biết nói", ông Trần Quang Lâm dẫn chứng.

Lãnh đạo ngành giao thông TP.HCM nhấn mạnh: Hiện nay, TP đang tập trung đầu tư rất mạnh cho hạ tầng. Các tuyến Vành đai 2, 3, 4, các tuyến cao tốc và các trục đường trục quốc lộ… cơ bản hoàn thiện, sẽ hình thành trục hạ tầng xương sống căn cơ của TP trong 10 năm tới. Song, bài học từ Singapore chỉ ra rằng nếu chỉ tập trung phát triển đường bộ thì lượng người đi xe cá nhân sẽ càng tăng. Muốn giải bài toán ùn tắc, bắt buộc phải phát triển giao thông công cộng và hạn chế giao thông cá nhân.

Để làm được điều đó, không chỉ đổi mới mạng lưới xe buýt, hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị mà còn phải có những giải pháp để người dân đi lại thuận lợi, thuận tiện, an toàn với chi phí hợp lý. Hệ thống vé điện tử không chỉ mang ý nghĩa thay cho sử dụng tiền mặt mà còn gián tiếp để TP thu thập được dữ liệu lớn của hành khách, thể hiện xu hướng đi lại của người dân TP cũng như các phương tiện từ các địa phương gần kề. Từ đó xây dựng được các chính sách, đồng thời điều chỉnh hệ thống mạng lưới giao thông công cộng, cơ chế giá vé… sao cho phù hợp.

"Có hệ thống thẻ vé điện tử, sẽ thực hiện được liên thông, giúp người dân đi metro chuyển tiếp sang xe buýt sao cho thuận tiện nhất, hiệu quả nhất, chi phí hợp lý nhất. Đủ hấp dẫn, người dân sẽ tự động chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng giao thông công cộng, hình thành thói quen di chuyển trong một đô thị hiện đại", ông Trần Quang Lâm nói.

Theo kế hoạch, từ năm 2025 - 2029, các xe buýt diesel đã hoạt động từ 15 năm trở lên sẽ dần được thay thế bằng xe điện hoặc phương tiện sử dụng năng lượng xanh. Lộ trình là đến năm 2027 có 32 tuyến buýt với 572 xe chạy dầu diesel chuyển sang điện; năm 2028 thêm 21 tuyến với gần 400 xe; năm 2029 có 19 tuyến với 268 xe. Đến năm 2030, các tuyến còn lại tiếp tục chuyển đổi để đạt 100% xe điện, năng lượng xanh. Đối với các tuyến buýt không trợ giá (nội thành và liên tỉnh), từ năm 2025, tất cả tuyến mới hoặc xe thay thế bắt buộc phải là xe điện.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao