Ấn Độ mở kho, Philippines "đè giá", gạo Việt rơi xuống đáy
Từ sau khi Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế bán gạo vào cuối tháng 9.2024 và đặt mục tiêu xuất khẩu 25 triệu tấn gạo, tăng mạnh so với con số 17 triệu tấn của năm 2024, cung cầu gạo đã trở lại cân bằng và giá gạo thế giới liên tục giảm. Đặc biệt từ đầu năm 2025 đến nay, nhu cầu tiêu thụ yếu từ Philippines dẫn đến giá gạo VN lao dốc. Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), tính đến ngày 11.2, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN đang chỉ còn 397 USD - mức thấp nhất thế giới. Trong khi đó, các nước khác vẫn duy trì mức trên 400 USD; cụ thể như Pakistan 401 USD/tấn, Ấn Độ 413 USD/tấn và Thái Lan là 426 USD/tấn.
Ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: Ngày 12.2, giá gạo giảm từ 5 - 10 USD/tấn tùy loại. Cụ thể như OM 5451 còn 470 USD/tấn và ĐT8 là 505 USD/tấn. Giá gạo giảm xuống tới đáy do nhu cầu yếu từ thị trường Philippines và cả Indonesia. "Hiện khách hàng Trung Quốc, châu Phi và một số nước khác tranh thủ mua vào khi giá thấp nhưng cơ bản vẫn chỉ mua cầm chừng vì họ còn muốn đợi giảm thêm khi VN đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân", ông Trọng nói.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2024 khi VN xuất khẩu lượng gạo cao kỷ lục đến 9 triệu tấn thì Philippines tiêu thụ đến 46,1%, đứng thứ 2 là Indonesia với 13,2% và Malaysia xếp thứ 3 với 7,5%. Philippines, khách hàng chủ lực của VN, đang thực hiện mục tiêu giảm giá gạo tại thị trường nội địa với hàng loạt biện pháp khác nhau, trong đó đáng chú ý là việc nước này ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực vào ngày 4.2. Một trong những kế hoạch sẽ được triển khai trong tuần này là Cơ quan Lương thực quốc gia (NFA) sẽ bán gạo dự trữ 350.000 tấn cho các địa phương với giá 33 peso/kg để phân phối lại ra thị trường với giá 35 peso/kg (tương đương khoảng 15.300 đồng/kg), trong khi giá gạo nội địa hiện đang ở mức khoảng 45 - 58 peso/kg. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định giá gạo mà Philippines mong muốn còn thấp hơn rất nhiều so với thị trường nội địa của VN. Do vậy, lợi ích mà VN có được từ việc xuất khẩu gạo vào thị trường này là không đáng kể.
Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice New, thông tin: Mới đây, chính phủ Philippines cũng có các cuộc làm việc với Ấn Độ và cả Campuchia về thúc đẩy phát triển thương mại gạo song phương. Người Philippines rất thích gạo VN, song, gạo là mặt hàng an ninh lương thực nên nước này đang tìm mọi cách để hạ giá. Đây cũng là một phần trong việc chuẩn bị cho kỳ bầu cử sắp tới vào giữa năm nay.
Gạo Việt nên giảm lượng, tăng hiệu quả và giá trị
Theo bà Phan Mai Hương, hiện nay, phân khúc cao cấp vẫn thiếu hàng sốt giá, cụ thể như thị trường Nhật Bản, nhưng không xuất được vì sản phẩm của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Đây là vấn đề cần được định hướng lại từ khâu sản xuất, bởi dù VN trở thành cường quốc xuất khẩu gạo thứ 2, thứ 3 thế giới nhưng hiệu quả mang lại cho nông dân và doanh nghiệp cũng không cao.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo VN (Vinarice), khuyến nghị: Về định hướng lâu dài cho ngành gạo, VN không cần đặt mục tiêu xuất 8 - 9 triệu tấn gạo và để rơi vào tình trạng bấp bênh của thị trường. VN chỉ cần xuất 4 - 5 triệu tấn mỗi năm nhưng sản phẩm có chất lượng và giá trị cao để mang lại lợi ích nhiều hơn cho nông dân và doanh nghiệp. Đây là vấn đề phải xuất phát từ tư duy, định hướng và quy hoạch. Ví dụ như chúng ta quy hoạch thành 4 nhóm. Trong đó, thứ nhất là gạo đặc sản và thứ hai là gạo chất lượng cao. Với 2 nhóm này sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường cao cấp và phục vụ tiêu dùng nội địa. Nhóm thứ ba là gạo dùng để chế biến các sản phẩm bún, bột. Nhóm thứ tư là nếp, phân khúc này thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất lớn. Địa phương nào có điều kiện phù hợp với phân khúc nào sẽ được đẩy mạnh sản xuất theo nhóm đó để tối ưu hóa. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Cho rằng dung lượng thị trường gạo thế giới rất nhỏ và mỏng nên rủi ro của các nhà xuất khẩu rất lớn, từ hơn chục năm trước khi VN đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, GS-TS Bùi Chí Bửu (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam) đã khuyến cáo cần phải giảm lượng xuất khẩu, chuyển sang thị trường rau quả có dung lượng lớn hơn rất nhiều. Bằng chứng là thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả của chúng ta đã cải thiện đáng kể và cao hơn cả gạo, gần bằng với thủy sản. VN cần tiếp tục phát triển theo hướng này. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất và chế biến gạo của doanh nghiệp VN rất tốt, chúng ta có thể chuyển sang hướng thương mại và chế biến gạo giống như ngành điều. "VN cần phải tạo sự khác biệt cho sản phẩm gạo của mình để nâng cao giá trị. Tôi thấy thị trường vẫn còn những phân khúc mà doanh nghiệp có thể khai thác như gạo nếp, gạo đồ cao cấp cho các nhà hàng, gạo thực dưỡng và sản phẩm gạo dạng thực phẩm chức năng", ông Bửu nêu ý kiến.
TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, phân tích: Giá gạo tăng vọt 2 năm qua do yếu tố cung giảm từ Ấn Độ. Nay nguồn cung từ Ấn Độ tăng trở lại nên giá giảm. Đây là điều bình thường về mặt thị trường và sự biến động giá vừa qua chủ yếu do cung chứ cầu không thay đổi nhiều. Chính vì vậy, những năm trước khi có cơn sốt giá gạo, các bộ ngành và Chính phủ cũng định hướng giảm lượng, tăng giá trị gạo xuất khẩu. Theo đó, VN định hướng quy hoạch lại sản xuất và duy trì lượng gạo xuất khẩu từ 3 - 4 triệu tấn và tối đa là 5 triệu tấn. Đồng thời chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao hơn. "Sau cơn sốt giá do tác động từ yếu tố chính trị ở cả nước xuất khẩu và nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới càng cho ta thấy rõ hơn việc định hướng mang tính chiến lược trước đây là đúng và phải quay về với định hướng đó. Phải đa dạng hóa thị trường bằng việc tiếp tục nâng chất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường cao cấp. Hiện tại đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp là hướng đi mang tính mở đường cho cả thị trường gạo thế giới và chúng ta cần quyết tâm thực hiện thành công đề án này", ông Nhân tâm huyết.
Nhật Bản tiếp tục thiếu gạo, sốt giá
Đài NHK dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết giá gạo bán lẻ đang ở mức cao nhất mọi thời đại; trung bình đến 24 USD cho túi 5 kg, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Gạo từ các kho dự trữ đã được bán đi nhanh chóng nhưng giá gạo vẫn sẽ vẫn ở mức cao.