Nợ xấu "từ trên trời rơi xuống"
Hai năm trước, anh Nguyễn Văn Hòa (trú Q.Cầu Giấy, Hà Nội) từng "tá hỏa" khi nộp hồ sơ làm thủ tục vay tiền mua nhà thì phát hiện mình có khoản nợ xấu tại một công ty tài chính. Trước đó, anh chưa từng làm hồ sơ vay tiền. Ngay lập tức liên hệ công ty tài chính, anh mới phát hiện CMND mình làm mất thời gian trước đã bị kẻ gian lợi dụng để làm hồ sơ vay tiền.
Khi xác định rõ đây là trường hợp giả mạo khoản vay, anh Hòa không bị đòi tiền, được hoàn tất hồ sơ để điều chỉnh thông tin dư nợ tín dụng. Dù vậy, anh Hòa cũng gặp không ít phiền hà khi mất nhiều thời gian, công sức làm rõ câu chuyện, đồng thời bị ảnh hưởng tới tiến độ vay tiền tại ngân hàng.
"Tôi hoàn toàn không biết gì về khoản nợ trên trời rơi xuống đó. Nếu như không vì có nhu cầu vay tiền và kịp thời phát hiện, không biết còn chuyện gì có thể xảy ra. Từ đó tới nay, tôi luôn rất cẩn trọng bảo vệ thông tin cá nhân, đồng thời cũng để tâm hơn tới chuyện kiểm tra lịch sử tín dụng", anh Hòa nói.
Vài năm trở lại đây, tình trạng đánh cắp thông tin cá nhân của người khác để làm giả hồ sơ vay tiền từ các tổ chức tài chính, ngân hàng diễn ra ngày càng nhiều với thủ đoạn tinh vi. Dù đã hạn chế hơn nhiều, song vẫn còn trường hợp đối tượng dùng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký giả mạo tài khoản ngân hàng nhằm giải ngân các khoản vay rồi chiếm đoạt.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, đánh giá hiện nay việc mua bán thông tin cá nhân diễn ra nhan nhản, dễ dàng. "Khi đã có thông tin cơ bản của khách hàng như họ tên, CCCD, địa chỉ, số tài khoản…, đối tượng lừa đảo sử dụng để tiến hành vay tiền. Ngân hàng có thể vô tình cấp hạn mức tín dụng hoặc cho vay một khoản nào đó. Người bị hại hoàn toàn không biết gì", ông Hiếu nói.
Chủ động "phòng bệnh hơn chữa bệnh"
Việc bất ngờ nhận được thông báo phải thanh toán khoản vay, hoặc bị nợ xấu trong khi chưa từng vay vốn... được các chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ gây ra tác hại lớn cho cá nhân, bởi người dân bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm. Chiều ngược lại, các công ty tài chính, ngân hàng cũng bị tổn thất nghiêm trọng về tài sản và uy tín thương hiệu. Cả 2 đều là nạn nhân, mất rất nhiều thời gian để xử lý hậu quả.
"Hậu quả với các cá nhân bị đánh cắp thông tin rồi vay khống tiền rất lớn. Bởi cá nhân có lịch sử tín dụng không tốt thường rất khó có thể vay tiền hoặc phải vay với mức lãi suất rất cao", ông Hiếu nhìn nhận.
Để tránh những câu chuyện "tá hỏa", ngỡ ngàng, bỗng dưng thành "con nợ" và phải giải quyết loạt rắc rối đi kèm, giải pháp được cơ quan quản lý nhà nước cũng như giới chuyên gia tài chính khuyến cáo là mỗi cá nhân phải nâng cao ý thức "phòng bệnh hơn chữa bệnh", chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình.
Bên cạnh đó, chủ động tra cứu, nắm rõ lịch sử tín dụng cũng là giải pháp hiệu quả. Dẫn ví dụ tại Mỹ, ông Hiếu cho biết hiện có 3 công ty thông tin tín dụng tư nhân lớn ở Mỹ bao gồm Equifax, Experian và TransUnion. Họ theo dõi, tạo ra các báo cáo tín dụng gồm lịch sử tín dụng và các thông tin tài chính khác. Họ có khoảng vài chục tiêu chí để chấm điểm tín dụng. Thông thường, điểm tín dụng dao động từ 400 - 800. Ai có mức điểm cao là người dễ dàng đi vay, còn nếu có điểm tín dụng từ 500 trở xuống thường rất khó vay, thậm chí không vay được.
"Các ngân hàng chủ động cung cấp thông tin cho 3 đơn vị kể trên nên hệ thống của họ rất chính xác. Luật về tài chính của Mỹ bắt buộc các đơn vị này phải cung cấp miễn phí báo cáo lịch sử tín dụng cho công dân Mỹ mỗi năm một lần. Đương nhiên, nếu khách hàng có nhu cầu tra cứu thông tin thường xuyên hơn sẽ phải trả mức phí phù hợp", ông Hiếu nói.
Trên thực tế, tại Việt Nam cũng có đơn vị cung cấp dịch vụ tương tự như 3 công ty tại Mỹ là Công ty cổ phần Thông tin tín dụng Việt Nam (PCB). Việt Nam cũng bắt buộc công ty thông tin tín dụng tư nhân phải cung cấp miễn phí báo cáo lịch sử tín dụng cho công dân mỗi năm một lần. PCB hiện có ứng dụng "Thông tin tín dụng" để giúp khách hàng lấy báo cáo tín dụng miễn phí mỗi năm một lần, từ lần 2 là 20.000 đồng/báo cáo.
Theo tìm hiểu, PCB còn đang cung cấp gói giải pháp "Phòng chống trộm cắp thông tin định danh - ID365", cho phép khách hàng cá nhân tự kiểm tra và theo dõi thông tin tín dụng thường xuyên.Gói giải pháp này gồm cảnh báo phòng chống gian lận thông tin định danh, cảnh báo qua email khách hàng đăng ký và báo cáo tín dụng trả về kèm theo. Với mức chi phí 180.000 đồng/6 tháng, khách hàng có thể nhận về 6 báo cáo tín dụng và cảnh báo qua email bất cứ khi nào thông tin định danh của khách hàng được sử dụng hoặc một khoản vay mới được giải ngân, các thay đổi liên quan đến tình trạng hợp đồng vay…
"Nhìn chung, khách hàng có thể có cái nhìn toàn diện về lịch sử tín dụng, bao gồm thông tin định danh, thông tin những khoản vay, lịch sử thanh toán. Điều này giúp ngăn chặn các trường hợp gian lận thông tin để yêu cầu vay vốn tại các tổ chức tín dụng, làm tổn hại đến uy tín tín dụng của khách hàng; phát hiện và xử lý kịp thời các thông tin tín dụng không chính xác của khách hàng", đại diện PCB thông tin.
Để nâng cao hiểu biết về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, giúp mỗi người dân biết cách bảo vệ mình hơn trong bối cảnh lừa đảo ở lĩnh vực này ngày càng gia tăng, theo ông Hiếu, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình giáo dục tài chính cá nhân.
Trong đó, phải truyền thông rõ để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc nắm rõ lịch sử tín dụng, biết cách tra cứu ra sao khi cần thiết. Ví dụ, họ có thể làm việc đó ở đâu, như thế nào, có thể tìm đến đơn vị, doanh nghiệp nào uy tín, đáng tin cậy…