Tại buổi họp báo thường kỳ quý 4/2024 của Bộ Tài chính chiều 7.1, tại Hà Nội, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí (Bộ Tài chính), thông tin nhiều nội dung về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và tiến độ xây dựng luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).
Theo quy định hiện hành, trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với lần điều chỉnh giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.
"Chúng tôi theo dõi sát sao CPI giai đoạn từ thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020) đến nay. Trên cơ sở diễn biến CPI, cập nhật cả CPI năm 2024 là 3,63%, tính đến thời điểm hiện tại CPI chưa vượt ngưỡng 20%", ông Tuấn nói.
Dù vậy, theo lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí, nếu trong 2025 CPI có biến động, có thể Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có nghị quyết liên quan đến việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo đúng quy định của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết ngày 23.12.2024 về chương trình công tác năm 2025. Trong đó, Bộ Tài chính cũng báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình công tác, có thể tại phiên họp 50 kỳ họp tháng 10.2025 sẽ có nội dung liên quan đến nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh; trong trường hợp CPI từ nay đến cuối năm có những biến động như nội dung đang quy định tại luật hiện hành", ông Tuấn thông tin thêm.
Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 18 - 20 triệu đồng/tháng
Trước đó, tại Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) hồi tháng 11.2024, Bộ Tài chính đánh giá mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đã được áp dụng từ năm 2020 đến nay, cần đánh giá lại để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện mới.
Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với sự biến động của giá cả, sự gia tăng mức sống dân cư cũng như dự báo cho thời gian tới.
Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú. Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp; xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế...
Đề cập tiến độ xây dựng luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), ông Tuấn cho biết, Bộ Tài chính thực hiện đúng quy trình, có công văn ngày 22.11.2024 xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương. Nội dung dự kiến đưa vào khá toàn diện, bao quát, trong đó có những vấn đề liên quan đến thu nhập chịu thuế, giảm trừ gia cảnh, biểu thuế, thuế suất…
"Dự kiến, dự luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10.2025 và thông qua vào kỳ họp tháng 5.2026", ông Tuấn nói.
Liên quan tới mức giảm trừ gia cảnh, thời gian qua cử tri nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM liên tục có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi cho phù hợp tình hình kinh tế - xã hội.
Nhiều chuyên gia khi cho ý kiến xung quanh việc xây dựng luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) cũng nhìn nhận mức giảm trừ gia cảnh hiện quá lạc hậu, cần nhanh chóng điều chỉnh để giảm gánh nặng cho người nộp thuế.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH BCTC, mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế hiện là 11 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng. "Ở các thành phố lớn, lương 11 triệu đồng/tháng không đủ để nuôi bản thân và gia đình cơ bản gồm 2 con. Tôi đề xuất mức giảm trừ gia cảnh phải tăng lên ít nhất 18 - 20 triệu đồng/tháng", ông Thức nói.
Tương tự, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú cũng cho rằng, trong điều chỉnh giảm trừ gia cảnh có thể đưa ra quy định mức giảm trừ gia cảnh được tính bằng 4 lần lương tối thiểu vùng. Ở các thành phố lớn, mức giảm trừ nên ở khoảng 20 triệu đồng/tháng.
"Lương tối thiểu vùng mỗi năm đều điều chỉnh, nếu mức này tăng lên thì mức giảm trừ gia cảnh tự động tăng lên, không cần xin ai", ông Tú góp ý.